Hà Nội nợ dân Hà Tây cũ đất dịch vụ
Sau hơn 5 năm Hà Nội mở rộng, hàng ngàn hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp “hộ khẩu Hà Tây” vẫn chưa nhận được đất dịch vụ theo quy định của tỉnh Hà Tây trước đây.
Mỏi mắt chờ đất dịch vụ
Từ những năm trước khi Hà Nội mở rộng, các huyện như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất… là nơi có nhiều dự án khu đô thị, công nghiệp được triển khai. Theo quy định của tỉnh Hà Tây thời đó, những hộ gia đình khi bị thu hồi đất nông nghiệp bên cạnh được hỗ trợ tiền còn được nhận đất dịch vụ bằng 10% diện tích đất thu hồi.
Sau khi sáp nhập được 2 tháng, có quy định mới của UBND TP Hà Nội là những hộ gia đình bị thu hồi từ 30% tổng diện tích đất nông nghiệp trở lên ngoài được hỗ trợ bằng tiền còn được nhận 80m2 đất dịch vụ để phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp. Trường hợp thu hồi dưới 30% được ghi nhận khi nào thu hồi tiếp và vượt mức trên sẽ được trả đất dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, còn vài ngàn trường hợp vẫn chưa được nhận đất dịch vụ.
Điển hình là tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), từ năm 2001 xã có hơn 435ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án đô thị, công nghiệp, giao thông. Tổng số hộ bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp là 2.073 hộ (tính theo thời điểm giao “sổ đỏ” năm 1993 và nay tách thành 3.200 hộ). “4 thôn của xã là Vân Lũng, Yên Lũng, Phú Vinh, An Thọ đã không còn đất để trồng lúa, họ trông chờ vào đất dịch vụ để mở mang nghề nghiệp, nhưng đến nay cũng chưa có đất cho họ”, ông Nguyễn Huy Hoán - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Theo số liệu của xã An Khánh thì người dân đang bị “nợ” hơn 92.000m2 đất dịch vụ. Ông Phùng Bá Nhân - Phó phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết thêm, tình trạng “nợ” đất dịch vụ cũng diễn ra tại các xã khác, bởi hàng chục dự án đất dịch vụ vẫn giậm tại chỗ, như dự án 4,5ha ở xã Vân Canh, dự án tại khu chéo đường tàu ở xã La Phù, dự án ở xã Di Trạch…
Tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, 5 - 6 năm nay, nhiều hộ gia đình đã bàn giao từ 10-80m2 đất cho dự án trạm viễn thông, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài vẫn mong ngóng chờ được nhận đất dịch vụ. Ông Nguyễn Tuấn Hồng - Phó chủ tịch xã Tân Lập cho biết: “Do chưa được trả đất dịch vụ của dự án cũ, nên khi giải phóng mặt bằng dự án khác, người dân bất hợp tác, không giao đất nữa”.
Không còn quỹ đất?
Ông Phùng Bá Nhân - Phó phòng Đô thị huyện Hoài Đức cho biết, có 2 nguyên nhân chủ yếu khiến việc chậm trễ giao đất là nhiều dự án đất dịch vụ bị hủy bỏ do bị trùng với quy hoạch chung và nguyên nhân quan trọng hơn là thiếu kinh phí đầu tư. Hiện cả huyện Hoài Đức có 3/12 dự án đất dịch vụ đang triển khai, nhưng thiếu kinh phí đầu tư. Theo quy định, người dân được hưởng đất dịch vụ phải nộp 810.000 đồng/m2 để làm hạ tầng, nhưng kinh phí đầu tư ước tính không dưới 1 triệu đồng/m2 và nguồn thiếu hụt này không biết lấy đâu để bù vào. “Kế hoạch đến trước tháng 6/2014, huyện Hoài Đức phải giao xong đất dịch vụ trả dân cũng chưa chắc đã đạt được”, ông Phùng Bá Nhân lo lắng.
Ông Nguyễn Quý Mạnh - Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Đan Phượng băn khoăn: “Người dân vẫn kiến nghị về việc chính quyền ghi nhận cơ chế đất dịch vụ. Huyện cũng chỉ biết báo cáo thành phố. Đúng là việc ghi nhận có đất dịch vụ rồi, nhưng sau lại không có nữa thì không biết giải quyết thế nào (?!)”