Hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi, tham nhũng đối với thị trường BĐS
Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIII, sáng 18/6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
- 27-05-2014Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi): Nhiều quy định thiếu tính khả thi
- 27-05-2014Sáng nay, Quốc hội thảo luận Luật Nhà ở
- 24-05-2014Phiên họp Quốc hội sáng nay: Trình Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
- 19-04-2014Nhà ở xã hội - Điểm sáng trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi
- 03-04-2014Khắc phục 10 nhược điểm của Luật nhà ở hiện hành bằng cách nào?
Thống nhất xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở đầy đủ, tin cậy và cập nhật thường xuyên; mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài;…
Cho ý kiến vào dự thảo luật, ĐBQH Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng, dự thảo luật lần này mới chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hạn chế mang tính tình huống, thủ tục trong luật hiện hành mà chưa quan tâm đến việc cải thiện diện mạo cho cảnh quan từ đô thị đến nông thôn. Đã đến lúc cần có một cuộc thay đổi mạnh mẽ, tổng thể và nhất quán hơn về chính sách nhà ở. Đại biểu cho rằng, để làm được điều này, trước hết phải xác định được trong luật những mục tiêu ưu tiên. Ưu tiên phát triển loại hình nhà ở chủ đạo là các khu dân cư tập trung, chung cư, hạn chế dần việc xây dựng nhà ở cá nhân, đặc biệt là nhà tự phát.
Tiếp theo, nên làm rõ mối liên hệ, yêu cầu về chất lượng giữa quy hoạch, cơ sở hạ tầng và công trình nhà ở. Làm rõ những yêu cầu riêng biệt giữa nhà ở nông thôn và đô thị phù hợp với đặc điểm của mỗi khu vực. Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền của từng ngành, từng cấp trong việc quản lý, thanh tra và xử lý hành vi vi phạm.
Thảo luận về việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu, ĐBQH Trần Văn Tấn (Tiền Giang) tán thành với quy định, trong trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm mở thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế. Còn đối với các trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở và tặng cho nhà ở, đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm đăng ký quyền sở hữu nhà ở tại các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Quy định như vậy sẽ hạn chế được tình trạng thời điểm chuyển quyền sử dụng đất và thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở khác nhau. Đồng thời, hạn chế các tranh chấp, lừa đảo phát sinh trong quá trình giao dịch.
Trong khi đó, Đại biểu Đinh Thị Mai Lan lại nhất trí với quy định tại dự thảo luật, công nhận thời điểm sở hữu đổi với nhà ở là thời điểm giữa các bên đã thỏa thuận hay đã thực hiện xong nghĩa vụ mua bán, tặng cho, hoặc từ thời điểm mở thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Theo đại biểu, đây là quy định phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền sở hữu của mình khi thực hiện xong các giao dịch, đồng thời hạn chế được rủi ro cho người nhận quyền sở hữu nhà ở khi chưa được nhà nước cấpgiấy chứng nhận quyền sở hữu nhất là trong điều kiện thủ tục này còn nhiều bất cập, phức tạp.
Cho rằng, trong thời gian qua việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ở nhà công vụ, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt vấn đề, tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ cho một số đối tượng nhất định.
Trường hợp ngân sách chưa đáp ứng được vấn đề đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được bổ trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh và lực lượng vũ trang được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương, để họ tự chủ hoàn toàn về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác, đồng thời không phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà cá nhân. Ngoài ra, bổ sung nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ là “không chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba vay vốn hoặc cho mượn, cho thuê lại nhà ở”.
Đánh giá quy định về phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo luật là “điểm sáng” của Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phân tích, dự thảo Luật đã dành một chương riêng với những nội dung quy định khá cụ thể đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, về nguyên tắc thực hiện và các chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Đây là cơ hội cho người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở như đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên mới ra trường, và nhất là công nhân ở các khu công nghiệp.
Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua, do Luật Nhà ở hiện hành chưa quy định cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội nên một số địa phương đã vận dụng một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, người khó khăn có cơ hội về nhà ở nên đã xảy ra nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất, dẫn đến một số địa phương bị xử lý sai phạm. Dự thảo luật sẽ khắc phục được vấn đề này với những quy định chặt chẽ, chính sách minh bạch, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi, tham nhũng đối với thị trường nhà ở và bất động sản.
Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách đúng đắn mang tính nhân văn hướng tới các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, nhưng còn khó khăn về tài chính để mua nhà nên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, cần tránh bao cấp tràn lan,lợi dụng chính sách để trục lợi, ngược lại cũng không làm khó các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở mà khó khăn về tài chính, đại biểu Thủy đề nghị.
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thể hiện sự băn khoăn về quy định quyền của chủ sở hữu nhà tại Khoản 8, Điều 11 của dự thảo luật là: được Nhà nước xem xét, bồi thường theo quy định của pháp luật khi Nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua, trưng dụng… Đại biểu cho rằng, ai cũng mong muốn mình có một ngôi nhà, ngôi nhà có giá trị thiêng liêng không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần.
Do vậy trong trường hợp Nhà nước nước phá dỡ nhà ở, trưng mua, trưng dụng vào một số mục đích thì không chỉ người sở hữu nhà ở được nhà nước xem xét bồi thường, đề nghị trong luật cần phải quy định người chủ sở hữu nhà ở được quyền yêu cầu để bồi thường nếu chỉ quy định được nhà nước xem xét bồi thường thì quyền của chủ sử dụng mang tính thụ động. Đây là quyền rất cơ bản do vậy phải được quy định trong luật được yêu cầu của chủ sở hữu khi nhà nước phá dỡ, trưng mua, trưng dụng.
Trước đó, với 88,35% số ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư công.
Buổi chiều, QH làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
>>>Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi): Nhiều quy định thiếu tính khả thi