MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phải lên Bộ để xin xây… nhà tắm" và nỗi khổ của dân Đường Lâm

11-05-2013 - 22:33 PM |

Đã gần 10 năm nay, chính quyền xã Đường Lâm và Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm lùng sục xem có phát hiện thấy nhà ai chở gạch, xi măng là lập tức có giấy thông báo: Cắt điện, nước...

Việc 60 hộ dân xã Đường Lâm làm đơn xin “trả lại” danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia vì không được xây dựng, cơi nới nhà ở, sinh hoạt khó khăn... không chỉ là bức xúc của một số ít người, mà thực sự là ý kiến chung của cả chính quyền và nhân dân tại đây.

Sống khổ

Với tốc độ xây dựng hiện nay, xét về mặt cảnh quan, làng cổ Đường Lâm đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hơn hai chục căn nhà cao tầng, mái tôn, mái chóp đang xuất hiện ngay tại trung tâm làng Mông Phụ.

Ngay trên mái nhà cổ nổi tiếng của ông Hà Xuân Huyến (Báo Văn Nghệ) cũng chình ình mấy cái chóp tôn đỏ lừ, nhọn hoắt. Những căn nhà cổ quý báu tại đây khi có một không gian cần thiết mới thể hiện được hết vẻ đẹp của mình, còn khi đặt cạnh những ngôi nhà cao tầng, khang trang thì lại tạo cảm giác lụp xụp, tồi tàn...

Căn nhà cổ khá nổi tiếng của ông Hà Hữu Thể hiện cũng đang được trùng tu. Ông Thể dù đại diện cho những người mong muốn giữ lại nét cổ cho làng nhất cũng phải nói: “Với người dân chúng tôi, nhu cầu bức thiết nhất là vấn đề ăn, ở. Đất dãn dân chưa có, người dân thì phải sinh con đẻ cháu... Nếu làm nhà theo đúng thiết kế cổ, bằng gỗ thì làm sao bà con có tiền? Nhà tôi dù chỉ trùng tu lại thôi cũng mất một số tiền rất lớn. Nay yêu cầu xây mới phải đúng theo thiết kế cổ và vật liệu gỗ thì là điều không tưởng với người dân làng này”.

Không ít hộ có tới 3 cặp vợ chồng cùng ngủ chung một phòng chỉ rộng hơn 10m2. Căn nhà của bà Phan Thị Tuyết trong làng cổ Đường Lâm có 8 người sinh sống bao gồm bà Tuyết, 2 cặp vợ chồng là con của bà và 3 đứa trẻ. Con dâu của bà đang mang bầu và không biết khi sinh sẽ phải phân chia căn phòng này thế nào. Trong khi nhà hàng xóm vừa được xây 2 tầng khang trang thì nhà của bà lại bị cấm xây.

Không dám mạnh tay với các công trình xây dựng trái phép là tình hình chung của chính quyền xã Đường Lâm. Hơn thế nữa, ngay cả cán bộ chủ chốt của xã Đường Lâm cũng tham gia vào “phong trào” xây dựng nhà trái phép tại đây.

Căn nhà duy nhất bị cưỡng chế tháo dỡ tại đây là nhà bà Hà Thị Khanh. Ngôi nhà hai tầng khang trang bị cưỡng chế tháo dỡ tầng 2 từ 16.12.2010. Tuy nhiên cách đó hơn 100m, cuối năm 2012 lại xuất hiện một ngôi nhà 2 tầng xây mới của ông Hà Văn Đông là… Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây.

Hiện tại, Bộ VHTTDL hay TP. Hà Nội vẫn chưa có một bản quy chế cụ thể cho khu làng cổ Đường Lâm: Có được xây dựng không? Nếu không thì sẽ có kế hoạch dãn dân ra sao? Nếu được xây dựng thì xây dựng theo mẫu thiết kế quy chuẩn nào?... Bắt người dân hy sinh lợi ích của mình để lấy một cái danh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia rõ ràng không phải là một hướng bảo tồn di sản bền vững.

Phải lên bộ để xin xây cái… nhà tắm

Trung tâm của các khu làng cổ tại Đường Lâm là làng Mông Phụ. Tại đây có 8 căn nhà cổ lớn nhất khu vực, tuy nhiên đây chính là nơi mà việc xây dựng nhà mới diễn ra phức tạp nhất. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thừa nhận: Tại làng Mông Phụ hiện có vài chục căn nhà xây mới (trái phép) và tại làng này đã có công trình bị cưỡng chế phá dỡ.

Lý do của việc này được UBND xã giải thích đơn giản: Nhu cầu nhà ở của nhân dân tăng cao nhưng thủ tục để được phép xây nhà mới quá phức tạp và người dân khó có thể đáp ứng. Hơn nữa, với thẩm quyền và lực lượng mỏng như cấp xã (chưa nói đến việc nể nang họ hàng, láng giềng...) thì các biện pháp của UBND xã không thể đủ mạnh để ngăn người dân xây dựng. Biện pháp mạnh tay nhất cũng chỉ là cắt điện, cắt nước mà thôi.

Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, ở làng cổ này, để xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà cửa người dân phải tuân theo cả 2 luật là Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng. “Luật Di sản văn hóa quy định việc xây dựng, sửa chữa nhà ở trong di tích thì người dân phải có đơn từ thôn, qua xã và phải xin thỏa thuận cả của Bộ VHTTDL, sau đó phải được UBND tỉnh/thành phố ủy quyền cho sở xây dựng cấp phép mới được làm.

Chúng tôi chỉ mong muốn có văn bản chính thức hướng dẫn, ủy quyền cho UBND thị xã Sơn Tây được cấp phép cho người dân xây dựng. Còn nếu làm theo Luật Di sản văn hóa thì cũng nên giảm bớt thủ tục, như hiện nay thì rất khó thực hiện và không khả thi”.

Nói như nhiều người dân, họ muốn xây cái nhà tắm cũng phải làm đơn từ và được Bộ VHTTDL phê duyệt. Chính quyền xã rất lúng túng khi có quy định này, trong khi nhu cầu bức thiết liên quan đến việc ăn ở của nhân dân lại ngày càng tăng.

Ngay cả khi dự án đất dãn dân 90ha ở đây được hoàn thành thì cũng không thể giải quyết được tình hình. Đơn cử như gia đình ông Phan Văn Dậu (làng Mông Phụ) dù đã được giải quyết một suất đất dãn dân nhưng nay lại bán đất và về làng tiếp tục xây dựng nhà.

Ngày 9.5, đoàn công tác của Sở VHTTDL Hà Nội đã làm việc với UBND thị xã Sơn Tây để tìm hướng tháo gỡ cho làng cổ Đường Lâm, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được lá đơn của các hộ dân nên chưa thể bàn thảo, đưa ra giải pháp. Cục Di sản văn hóa cũng chưa bày tỏ quan điểm gì với lý do chưa nắm được sự việc.

ngatt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên