MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên họp Quốc hội sáng nay: Trình Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

24-05-2014 - 10:34 AM |

Dự thảo đã mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại phiên họp sáng nay, 24-5. Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 10 nhóm nội dung chủ yếu. Trong đó có việc bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm vừa qua.

Nội dung, phương thức thực hiện, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội cũng được đổi mới nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.

Dự luật cũng đã quy định cụ thể, rõ ràng các cơ chế tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở cũng như xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo cải thiện nhà ở nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đáng lưu ý, dự thảo đã mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế…

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, hầu hết các ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhất trí với nội dung của dự thảo Luật do Chính phủ trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Trong đó, về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, có 2 loại ý kiến như sau.

Loại ý kiến thứ nhất: thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được quy định theo 4 trường hợp: (1) trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại điểm 3 dưới đây và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ khi bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở; (2) trường hợp tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ khi bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở.

(3) trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với khách hàng thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ khi người mua nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư; (4) trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ khi mở thừa kế theo pháp luật về thừa kế.

Loại ý kiến này lập luận rằng, quy định theo phương án trên là để các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở khi thực hiện xong các giao dịch; đồng thời hạn chế được các rủi ro cho người nhận quyền sở hữu nhà ở khi chưa được Nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định một thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ khi nhà ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Quy định theo phương án này thì bắt buộc các chủ sở hữu phải đi đăng ký quyền sở hữu để được cấp Giấy chứng nhận cho thống nhất với quy định về thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên, khi thực hiện theo phương án này thì phải sửa quy định tại khoản 1 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng bắt buộc các chủ sở hữu phải đăng ký quyền sở hữu nhà ở, vì Luật Đất đai quy định không bắt buộc chủ sở hữu ở phải đăng ký quyền sở hữu nhà ở.

Một nội dung khác cũng còn các ý kiến khác nhau có liên quan đến quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ nêu tại Điều 157 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, cho phép các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đều có quyền sở hữu nhà ở để khuyến khích thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo ANH PHƯƠNG

ngatt

Sài Gòn Giải Phóng

Trở lên trên