Tăng tốc giải ngân gói 30 nghìn tỷ
Trước thực tế việc triển khai giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở còn chậm, NHNN và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói này.
Trước thực tế này, để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014, ngày 7/11 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi 5 ngân hàng về việc cho vay hỗ trợ gói 30 nghìn tỷ, đề nghị các ngân hàng nêu trên chỉ đạo các chi nhánh chủ động tiếp cận, hướng dẫn và giải ngân gói hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
5 ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long hiện là các ngân hàng thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. |
Đồng thời, NHNN yêu cầu các ngân hàng có văn bản báo cáo đánh giá về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân việc cho vay đối với cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà còn hạn chế; khả năng giải ngân đối với các doanh nghiệp đã được đăng ký và tiếp cận với những dự án mới trong thời gian tới.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu định kỳ hàng tháng, các ngân hàng trên báo cáo bổ sung về tỷ lệ hồ sơ xét duyệt cho vay trên tổng hồ sơ tiếp nhận của khách hàng; tỷ lệ khách hàng đã được nhận bàn giao nhà trên tổng số khách hàng đã được giải ngân. Thời hạn gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất là ngày 12/11/2013.
Mới đây, ngày 31/10 để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 18/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2013 về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ (gói 30.000 tỷ). Theo đó, nhiều quy định về điều kiện và đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở đã được nới rộng.
Thông tư số 18 bổ sung thêm đối tượng được vay với những trường hợp chưa có nhà ở, nhưng có đất ở, và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, thong tư số 18 của Bộ Xây dựng cũng bổ sung thêm trường hợp được vay vốn từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ “Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có Giấy chứng nhận kết hôn) và trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là hộ gia đình độc lập và thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này."
Theo NHNN, việc giải ngân còn thấp là do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thời điểm này khan hiếm. Trong số các dự án đề xuất vay trong gói 30.000 tỷ, nhiều dự án chưa hoàn tất các thủ tục. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số căn hộ nhà ở xã hội được phê duyệt đến thời điểm này là 13 nghìn căn, hầu hết mới bắt đầu động thổ, khởi công. Bên cạnh đó là vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc cơ quan công chứng không đồng ý công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai là căn nhà hình thành tư vốn vay. Tương tự, thủ tục xác nhận của cấp xã về thực trạng nhà ở hiện còn khó khăn, được đánh giá chưa thuận lợi cho người dân có nhu cầu. Một nguyên nhân khác khiến gói 30 nghìn tỷ có tiến độ giải ngân chậm là do quy định bắt người có thu nhập thấp muốn vay tiền phải chứng minh khả năng trả nợ tại các ngân hàng thương mại. Nhiều người cho rằng quy định này đang có biểu hiện thiếu khả thi. Đã là người có thu nhập thấp thì khó có thể chứng minh được thu nhập của mình có khả năng để ra một phần thu nhập cho nhà ở. |