MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 03: Pháp lý và hợp lý?

05-03-2014 - 15:34 PM |

Nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận về cách tính diện tích căn hộ chung cư.

Đồng thời nhiều câu hỏi đã được đặt ra về cơ sở pháp lý của Thông tư 16 sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 03 sửa đổi, bổ sung điều 21 của Thông tư 16 (có hiệu lực thi hành từ ngày 8/4/2014).

Sai thẩm quyền

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Thông tư 16/2010/BXD-TT đã hướng dẫn quy định sai thẩm quyền, không có trong nghị định và luật. Luật Nhà ở chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết, sau đó Chính phủ cũng không giao cho Bộ Xây dựng quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư. Nội dung quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư tại Thông tư 16 của Bộ Xây dựng ngoài cách tính theo kích thước thông thủy theo quy định của Luật Nhà ở, còn có thể tính theo tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ (vấn đề Luật Nhà ở không quy định).

Do vậy, việc mở rộng thêm cách tính diện tích sàn căn hộ không phù hợp với quy định của Luật Nhà ở, gián tiếp mâu thuẫn với quy định về sở hữu chung trong Bộ Luật dân sự, không thể chuyển sở hữu chung thành sở hữu riêng.

Về mặt quản lý Nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở đối với căn hộ chung cư mua bán theo quy định, vấn đề này cũng gặp “ách tắc”, tồn đọng. Theo quy định tại Thông tư 17/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với căn hộ chung cư ghi diện tích sàn căn hộ theo hợp đồng mua bán căn hộ,  khi có tranh chấp khiếu nại đến diện tích sàn căn hộ phát sinh thì không thể cấp được Giấy chứng nhận theo cách tính diện tích theo nguyên tắc tim tường.

Mặt khác, phạm vi thẩm quyền ban hành quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư trong Thông tư 16 là chưa phù hợp với quy định Luật Nhà ở cả về mặt thẩm quyền và phạm vi quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Luật Nhà ở không giao quy định chi tiết thi hành nội dung này, trong Nghị định 71/2010 Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng quy định và ban hành mẫu hợp đồng mua bán nhà ở chứ không có nội dung nào giao Bộ Xây dựng quyết định cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư.

Quy định cho cách lựa chọn như vậy đã khiến các DN chỉ tính diện tích căn hộ từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ khiến diện tích sử dụng căn hộ tính theo đúng kích thước thông thủy theo quy định của Luật Nhà ở thấp hơn so với hợp đồng, gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Không thể “nước đôi”


TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN:
Thông tư 16/2010/BXD-TT do Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn 2 cách tính diện tích căn hộ là không nên. Với tư cách là một cơ quan Nhà nước khi hướng dẫn cho người dân thì không thể nói nước đôi?

Thông tư 16 đã hướng dẫn 2 cách tính diện tích, tính theo tim tường và tính theo thông thủy. Cách tính theo tim tường là cách tính của kiến trúc sư, các nhà thiết kế khi họ vẽ lên chưa hình dung được là cột, tường dày bao nhiêu, nên họ vẽ từ tim đến tim để chia buồng, chia tuyến, chia mặt bằng. Đây là cách tính dùng trong thiết kế. Cách tính thứ hai là tính thông thủy, tức là m2 diện tích sử dụng bên trong căn hộ, được dùng trong mua bán.

Đúng là Thông tư 16 đã khiến tình trạng khiếu kiện bùng lên trong 3 năm qua vì cách hướng dẫn nước đôi này. Nhưng tôi cũng phải nói tới vai trò của người mua. Khi người mua bỏ ra một số tiền lớn như vậy mà không tìm hiểu kĩ các yếu tố pháp lý, hay giá trị sản phẩm trong hợp đồng thì thật đáng trách.

Trong các trường hợp, hợp đồng mua bán không rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến kiện tụng về sau. Khi những vụ việc tranh chấp vì hợp đồng không rõ ràng được đưa ra tòa thì được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự. Đó là nguyên tắc bên nào đưa ra hợp đồng mẫu có điều khoản không rõ ràng, tòa sẽ tuyên theo hướng có lợi cho người nhận hợp đồng đó. Cụ thể, với những dạng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thường bên bán là DN đưa ra hợp đồng mẫu, nên tòa án sẽ xử có lợi cho bên mua là người dân. Nhưng cũng không phải không có trường hợp, chủ đầu tư đã khéo léo để những chi tiết hướng dẫn diện tích chung, riêng vào chỗ ít để ý nhất của hợp đồng.

Từ vụ việc Thông tư 16/2010 được thay thế bằng Thông tư số 03/2014 có thể rút ra bài học cho các bên. Trong kinh doanh mọi việc cần được rõ ràng và minh bạch. DN có thể giữ chữ tín hay thương hiệu bằng cách công khai minh bạch mọi thông tin đến người mua nhà. Nếu điều nào trong hợp đồng mua bán chưa rõ ràng cần giải thích và hướng dẫn thật cụ thể. Còn người mua căn hộ cần có văn hóa của nền kinh tế thị trường, đó là nên sử dụng các dịch vụ pháp lý, dịch vụ môi giới trước các khoản đầu tư lớn.

Nên thừa nhận 2 quan điểm tính diện tích nhà


Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Chuyện phân chia sở hữu chung, sở hữu riêng trong sở hữu nhà ở chung cư có cội nguồn từ rất lâu. Nhưng cơ bản có thể nói rằng mọi chuyện bắt đầu từ Luật Nhà ở và Nghị định 71/210/NĐ-CP. Trên quan điểm hướng dẫn tính diện tích nhà ở của Nghị định, mọi mâu thuẫn khiến khiếu kiện phát sinh.

Việc người dân khiếu kiện là dễ hiểu vì cứ hình dung đơn giản, nếu cột tường chung cư không nằm trong căn nhà, mà cột tường đi liền với cửa sổ, cửa ra vào, thì làm sao người dân sở hữu căn nhà đó được phép ra vào. Tương tự, nếu người dân không được sở hữu tường nhà thì làm sao được đóng đinh treo đồ vật lên tường, làm sao chạy ngầm điện, nước trong tường nhà và ống gen không thuộc sở hữu của người dân mua nhà làm sao được phép bắt nước từ ống gen chạy vào nhà. Chính vì lẽ đó ngay từ khi Nghị định 71 và Luật nhà ở ra đời, tôi là một trong những người phản đối nội dung hướng dẫn cách tính diện tích này quyết liệt.

Cũng phải nói thêm cách tính diện tích lọt lòng theo Nghị định 71 và được xác định bởi Thông tư 03/2014/BXD-TT mới đây, vẫn là khá tùy tiện, chủ quan, không thực tế. Bởi từ trước năm 1975-2000 thì chuyện mua bán căn hộ giữa DN và người dân đều tính theo cách tính diện tích căn hộ phủ bì, tính hết các cột tường và nếu tường chung thì tính từ tim tường. Kể cả Nhà nước khi hóa giá nhà ở cho người dân cũng tính theo cách này. Khi Luật Nhà ở ra đời, cách tính thay đổi, người dân và DN có bức xúc nhưng lúc đó mua bán nhà ở căn hộ chưa nở rộ nên mọi chuyện không nóng lên.

Riêng thực tiễn Cty tôi khi mua bán căn hộ, tính diện tích phủ bì trên hợp đồng cho dân là 73 m2, ra sổ đỏ cho dân theo cách tính mới chỉ còn 68 m2, dân bức xúc vì phải trả tiền thêm 5 m2 và tôi phải “lách” bằng cách bên cạnh sổ đỏ được xác nhận theo cách tính mới, có sơ đồ bản vẽ nêu rõ diện tích phủ bì.

Tôi cho Nhà nước phải thừa nhận thực tế có hai cách tính diện tích nhà ở, nên cấp số đỏ với hai diện tích phủ bì lẫn lọt lòng. Như thế người dân sẽ hài lòng và DN cũng không làm trái, vi phạm hợp đồng với dân, không xảy ra khiếu kiện.

Bộ xây dựng không sai


Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Tại khoản 2 Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD quy định, hợp đồng phải ghi rõ phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu, hướng dẫn 2 cách tính diện tích sàn là hướng dẫn về kỹ thuật mang tính quy ước để xác định giá bán và cần phải được bên bán và bên mua thỏa thuận trong hợp đồng để tránh khiếu kiện sau này.

Việc tính diện tích sàn căn hộ theo một trong hai phương pháp nêu tại Thông tư số 16/2010/TT-BXD đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua căn hộ, cũng như mang thêm lợi nhuận cho bên bán, đặc biệt là không có xảy ra việc khi tính giá theo kích thước thông thủy thì căn hộ mua sẽ rẻ tiền hơn so với giá mua căn hộ được tính theo kích thước từ tim tường. Bởi vì, về nguyên tắc thì toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị...), cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán các căn hộ và các phần sở hữu riêng khác (nếu có).

Vì vậy, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ tăng lên nhưng tổng giá bán căn hộ của 2 trường hợp này đều không thay đổi. Như vậy, dù tính theo cách nào thì người mua căn hộ cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới không có nghĩa là văn bản cũ sai, mà việc ban hành văn bản mới là nhằm phù hợp hơn với đời sống hiện tại. Vì vậy, Thông tư 03 được ban hành thay thế Thông tư 16 là nhằm thống nhất một cách tính, phần nào đó để người dân được lợi hơn. Cách tính diện tích thông thủy trong căn hộ đang được áp dụng ở Mỹ, Anh, Hồng Kông, Ấn Độ...

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới không có nghĩa là văn bản cũ sai, mà  nhằm phù hợp hơn với đời sống hiện tại.


Theo Phan Nam, Bá Tú, Lê Mỹ

ngatt

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Trở lên trên