Xem xét lập 77 khu công nghiệp mới
Theo tài liệu dự thảo mới nhất của Bộ Công thương, sẽ xem xét thành lập mới 77 khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020, thu hút khoảng 3 tỷ USD vào hạ tầng KCN và khoảng 40 tỷ USD vào sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Công thương, dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển thương mại Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 tầm nhìn 2030; đối với mục tiêu phát triển các KCN - KCX, giai đoạntừ nay đến năm 2015,xem xét thành lập mới có chọn lọc 34 KCN với tổng diện tích 11.000 - 12.000ha, đưa tổng diện tích các khu công nghiệp dự kiến khoảng 25.000ha.
Thu hút đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD vào hạ tầng các khu công nghiệp, khoảng 18 - 20 tỷ USD vào sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu công nghiệp hiện có trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh trong vùng.
Hình thành có chọn lọc một số khu dựa trên các cơ sở công nghiệp hiện có, nhằm giải quyết tốt vấn đề đảm bảo hạ tầng cho phát triển công nghiệp, vấn đề ô nhiễm môi trường,... nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo quy hoạch dự kiến sẽ thành lập mới 43 KCN, đưa tổng diện tích các KCN lên khoảng 42.000 - 43.000ha.
Thu hút đầu tư thêm khoảng 1,6 - 2 tỷ USD vào hạ tầng các KCN, khoảng 17 - 18 tỷ USD vào sản xuất kinh doanh ở các KCN trên địa bàn.
Về lĩnh vực phát triển công nghiệp, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của vùng và có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Ưu tiên phát triển các ngành có giá trị nội địa hóa cao, có khả năng tham gia sâu được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành như: Điện tử và công nghệ thông tin và sản phẩm viễn thông; cơ khí chế tạo máy; sửa chữa, đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải; thép (chất lượng cao) và vật liệu mới; hóa - dược phẩm, công nghiệp chế biến thực phẩm và ngành dệt may, da - giày.
Nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ trung bình và cao trong công nghiệp chế biến lên trên 35% và trên 60% năm 2020.
Củng cố, nâng cao sức cạnh tranh cho công nghiệp của Trung ương và địa phương trên địa bàn, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ của trong nước để giảm nhập khẩu, hạ giá thành và nâng dần giá trị nội địa của sản phẩm.
Phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 50% vào năm 2020.
Theo Vũ Minh