MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách trả lương cao và thành tựu của cuộc chiến chống tham nhũng ở Singapore

30-03-2017 - 19:23 PM | Tài chính quốc tế

Từ luật pháp được ban hành cụ thể, cách quản lý mức lương chặt chẽ, hợp lý và thực hiện các chính sách một cách nghiêm túc, Singapore đã ngăn chặn được tham nhũng và được đánh giá là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.

Chế độ trả lương cao “có một không hai”

Từ đầu năm 2007, Singapore tuyên bố chế độ lương mới đối với công chức nước này. Theo đó mức lương của Bộ trưởng và công chức ở Singapore vào loại cao nhất thế giới. Lương của Thủ tướng Singapore cao gấp 2 lần tổng lương của Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ, tương đương 1,6 triệu USD/năm. Lương các Bộ trưởng cũng chỉ ở dưới mức đó một chút.

Ban đầu, chính sách trả lương cao của Singapore gặp phải sự phản đối dữ dội, chủ yếu là từ người dân. Họ không tin mức lương cao “ngất ngưởng” là có lợi và cần thiết để ngăn ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng Chính phủ thu hút được nhiều nhân tài làm việc cho đất nước, tránh được hiện tượng chảy máu chất xám đồng thời giảm thiểu tối đa vấn nạn tham nhũng.


Lương nguyên thủ các nước . Thống kê năm 2015.

Lương nguyên thủ các nước . Thống kê năm 2015.

Hệ thống lương của công chức Singapore có nhiều đãi ngộ khác ngoài lương và phụ cấp cơ bản. Tuy nhiên, mức lương phụ thuộc vào mức độ hiệu quả công việc cũng như chất lượng dịch vụ, điều này cho thấy tính linh hoạt cao trong cơ cấu tiền lương của Singapore. Việc đánh giá lương hàng năm của công chức nước này cũng rất được coi trọng nhờ đó duy trì tính cạnh tranh với các khu vực tư nhân và chống tình trạng tham nhũng.

Việc chấp nhận chi trả lương công chức cao được coi là lựa chọn chiến lược sáng suốt, hợp lý của các nhà lãnh đạo Singapore trong nhiều thập niên qua, nhờ đó Singapore đã thu hút và giữ được những người tài năng nhất làm việc cho Chính phủ, giúp bộ máy công chức hoạt động vô cùng hiệu quả.

Chế độ đãi ngộ góp phần quyết định vào nhiều thành công của Singapore trong những thập kỷ qua và hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, cạnh tranh chất xám từ khu vực tư nhân và từ các nước khác ngày càng quyết liệt, trong khi Chính phủ nước này luôn đứng đầu danh sách về độ minh bạch, chống tham nhũng và là một trong những quốc gia phát triển nhanh.

Công chức không dám tham nhũng

Ban đầu, chế độ trả lương cao của Chính phủ Singapore đã đặt ra hai luồng nghi vấn lớn từ các nước đang phát triển. Cụ thể, nhiều người hoài nghi lương cao có thể ngăn ngừa tham nhũng trong khi không ít người lo ngại biện pháp này là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Tuy nhiên, thành công của Chính phủ Singapore đã giải đáp cho toàn bộ những nghi vấn trên. Bên cạnh việc trả lương cao, Singapore kết hợp xây dựng một hệ thống luật giám sát rõ ràng và một hệ thống đánh giá công chức hiệu quả, thực chất nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của đội ngũ công chức. Việc làm này đã khiến cho đội ngũ công chức thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc với bốn không: Không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Theo chế tài của Chính phủ Singapore, một người được Nhà nước tuyển vào làm công chức, quan chức Chính phủ, hàng tháng buộc phải trích 5% tỷ lệ tiền lương để gửi quỹ tiết kiệm, con số này tăng dần theo mức lương tăng. Khi nghỉ hưu, số tiền ấy hoàn toàn thuộc về công chức đó, tuy nhiên, nếu bất kỳ quan chức, công chức nào phạm tội tham nhũng, dù chỉ bị xử lý hành chính buộc thôi việc ra khỏi ngạch công chức thì toàn bộ số tiền này sẽ bị Nhà nước trưng thu.

Cũng theo quy định của Nhà nước Singapore, mỗi năm công chức nước này phải tới khai báo tài sản hiện có của cả bản thân và vợ (hoặc chồng), không được phép vay Nhà nước khoản tiền vượt quá 3 tháng lương và khi tài sản tăng lên phải giải trình được rõ lý do. Quan chức nước này cũng không được phép nhận quà hoặc tiền trị giá trên 100 đô la Singapore (khoảng hơn 1.600.000 VND), nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo luật hình sự - bất luận người đó giữ chức vụ gì.

Rõ ràng, với mức lương cao nhất nhì thế giới nhưng kết hợp với chính sách quản lý chặt chẽ, công chức Singapore không ai “dám tham nhũng” và cũng không ai “muốn tham nhũng” để nhận những hình phạt nghiêm ngặt từ Chính phủ. Cùng với đó là tinh thần giữ mình trong sạch, ý chí chống tham nhũng mạnh mẽ từ đội ngũ lãnh đạo nhà nước Singapore, tăng cường hệ thống luật pháp đi đôi với giáo dục về tư tưởng triệt để.

Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng ở Singapore chưa phải là kết thúc hoàn hảo, nhưng trên thực tế tham nhũng đã nằm trong sự kiểm soát của chính phủ nước này nhờ chế độ trả lương hợp lý, hệ thống quản lý chặt chẽ…. Chính điều đó là một trong những yếu tố tạo dựng niềm tin của xã hội và các thành phần doanh nghiệp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Singapore.

Ngọc Quỳnh

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên