MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách về Bảo hiểm - Y tế có hiệu lực từ tháng 3/2019

28-02-2019 - 14:36 PM | Xã hội

Đến năm 2028, tất cả cơ sở KCB phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, quy định việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm do Bộ trưởng Tài chính ban hành... là những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 3/2019.

Quy định việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm do Bộ trưởng Tài chính ban hành

Ngày 24/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 125/2018/TT-BTC quy định về việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ 01/3/2019.

Theo đó, các trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm (ĐLBH):- Cá nhân không tham dự kỳ thi chứng chỉ ĐLBH do Bộ Tài chính tổ chức;

- Thí sinh dự thi không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ ĐLBH theo quy định tại Thông tư 125;

- Thí sinh dự thi giả mạo giấy tờ về nhân thân (thẻ CCCD, CMND, hộ chiếu) hoặc sử dụng giấy tờ chứng minh nhân thân của người khác khi tham dự kỳ thi;

- Thí sinh dự thi được đào tạo trong thời gian cơ sở đào tạo bị buộc đình chỉ hoạt động đào tạo ĐLBH theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đến năm 2028, tất cả cơ sở KCB phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.

Theo đó, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn như sau:

Giai đoạn từ năm 2019 - 2023: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; Các cơ sở KCB khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu.

Giai đoạn từ năm 2024 – 2028: Tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; Trường hợp cơ sở KCB chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cho cơ quan trực thuộc; Văn bản báo cáo của cơ sở KCB phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Bắt cóc bệnh nhân là sự cố y khoa phạm tội hình sự

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 43/2018/TT-BYT hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực ngày 01/3/2019.

Theo đó, nhóm sự cố y khoa được cho là phạm tội hình sự gồm:

- Bắt cóc (hay dụ dỗ) người bệnh ở mọi lứa tuổi;

- Giả mạo nhân viên y tế để điều trị cho người bệnh;

- Tấn công tình dục người bệnh trong khuôn viên bệnh viện;

- Gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng cho người bệnh hoặc nhân viên y tế trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Các sự cố y khoa nghiêm trọng khác (NC3 loại G, H, I) không đề cập trong các mục từ 1 đến 27 (Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều kiện cấp GCN đào tạo bổ sung cho người có bằng cử nhân y khoa nước ngoài

Thông tư 42/2018/TT-BYT đã được Bộ Y tế ban hành quy định về đào tạo bổ sung đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.

Theo đó, người học được cơ sở đào tạo cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Không đang trong thời gian bị cơ sở đào tạo kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

- Tham gia đủ thời gian và tích lũy đủ các tín chỉ của chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo ban hành;

- Kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực đầu ra đạt yêu cầu;

- Hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với cơ sở đào tạo.


Y Vân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên