MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII

Chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII

Theo đề án, giai đoạn 2021-2030, cần hơn 10 tỷ USD/năm để phát triển nguồn và lưới điện

Sau khi được Hội đồng thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và có tờ trình số 6277/TTr-BCT về phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) lên Chính phủ.

Trước khi trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhận được 681 ý kiến đóng góp, trong đó có ý kiến từ các Bộ, ngành là 141, từ các đơn vị của Bộ Công Thương là 89, từ các đơn vị hoạt động trong ngành điện là 254, từ UBND, Sở Công Thương các tỉnh là 117 và tổ chức, cá nhận, chuyên gia là 80 ý kiến.

Tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII.

Đề án quy hoạch điện VIII được xây dựng trên 3 quan điểm cốt lõi:

Thứ nhất, phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.

Thứ hai, phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021-2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045.

Thứ ba, tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một các hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.

Giai đoạn 2021-2030, cần hơn 10 tỷ USD/năm để phát triển nguồn và lưới điện

Trong đề xuất tại tờ trình 6277/TTr-BCT vào ngày 8/10/2021, Bộ Công Thương cho hay, kết quả dự báo phụ tải toàn quốc và các miền sau khi tiến hành rà soát không thay đổi so với kết quả đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021 trước đó.

Quy hoạch điện VIII lần này được xây dựng nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân là khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031-2045.

Trong số các mục tiêu được đặt ra có việc ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9 - 13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5 - 28,4% và năm 2045.

Theo kế hoạch phát triển nguồn điện, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590 - 105.265 MW, trong đó: thủy điện đạt 25.323 MW chiếm tỷ lệ 24,1 - 24,7%; nhiệt điện than 29.679 MW chiếm tỷ lệ 28,2 - 28,9%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 14.117 MW chiếm tỷ lệ 13,4 - 13,7%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 29.618 - 31.418 MW chiếm tỷ lệ 28,9 - 29,8%; nhập khẩu điện 3.853 - 4.728 MW chiếm tỷ lệ 3,7 - 4,5%.

Vào năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 130.371 - 143.839 MW, trong đó: thủy điện và thủy điện tích năng đạt 26.684 - 27.898 MW chiếm tỷ lệ 19,4 - 20,5%; nhiệt điện than 40.899 MW chiếm tỷ lệ 28,4 - 31,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 27.471 - 32.271 MW chiếm tỷ lệ 21,1-22,4%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 31.380 - 37.030 MW chiếm tỷ lệ 24,3 - 25,7%; nhập khẩu điện 3.936 - 5.742 MW chiếm tỷ lệ 3 - 4%.

Tới năm 2045, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 261.951-329.610 MW, trong đó: thủy điện và thủy điện tích năng đạt 35.677 - 41.477 MW chiếm tỷ lệ 12,6 - 13,6%; nhiệt điện than 50.949 MW chiếm tỷ lệ 15,4 - 19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 61.683 - 88.533 MW chiếm tỷ lệ 23,5 - 26,9%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 104.900-137.610 MW chiếm tỷ lệ 40,1 - 41,7%; nhập khẩu điện 8.743 - 11.042 MW chiếm tỷ lệ 3,3%.

Chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII - Ảnh 2.

Theo đề án, giai đoạn 2021-2030, cần hơn 10 tỷ USD/năm để phát triển nguồn và lưới điện

So với tờ trình 1682/TTr-BCT hồi tháng 3/2021, ở phương án phụ tải cơ sở, năm 2030, tổng công suất đặt trong tờ trình 6277/TTr-BCT đã giảm 7.689 MW, còn năm 2045 giảm 15.000 MW.

Ở phương án phụ tải cao, tờ trình mới cũng giảm 6.000 MW vào năm 2030 và giảm 14.200 MW vào năm 2045.

Bộ Công thương cũng kiến nghị "lựa chọn kịch bản phụ tải cao làm phương án điều hành, nhằm đảm bảo mức dự phòng nguồn điện hợp lý, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045.

Tại tờ trình 6277, tổng nhu cầu vốn đầu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải 220-500 kV cho phương án phụ tải cơ sở, phương án phụ tải cao giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 99,3 - 116 tỷ USD (tương ứng 9,9 – 11,6 tỷ USD/năm); dự kiến giai đoạn 2031 - 2045 là khoảng 180 – 226,5 tỷ USD (tương ứng 12 - 15 tỷ USD/năm)

Sau khi rà soát so với nội dung tại tờ trình cũ 1682 hồi tháng 3/2021, phương án phụ tải cơ sở giảm khoảng 12 tỷ USD tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 và giảm 8,62 tỷ USD giai đoạn 2031 - 2045. PHương án phụ tải cao, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 giảm khoảng 13,2 tỷ USD và khoảng 14,44 tỷ USD trong giai đoạn 2031 - 2045.

Theo Thùy An

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên