MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chở củi về rừng”: Câu trả lời về sức cạnh tranh của Hoà Phát khi xuất khẩu phôi và thép thành phẩm khối lượng lớn

02-06-2020 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu đột ngột rơi vào trạng thái "ngủ đông", đa phần các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội. Trong 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, chỉ có 6 mặt hàng tăng trưởng dương trong 4 tháng đầu năm 2020.

"Trong nguy có cơ", vẫn có những doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, dòng chảy giao thương vẫn tiếp tục tạo ra các chu kỳ tăng trưởng mới.

Con cá bơi ngược dòng

“Chở củi về rừng”: Câu trả lời về sức cạnh tranh của Hoà Phát khi xuất khẩu phôi và thép thành phẩm khối lượng lớn - Ảnh 1.

Đầu năm 2020, ngành thép tăng trưởng âm: sản xuất thép các loại đạt hơn 7,58 triệu tấn, giảm 8,4% cùng kỳ 2019, tiêu thụ đạt 6,75 triệu tấn giảm 13,3%, xuất khẩu thép các loại đạt 1,28 triệu tấn, giảm 25% cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Hoà Phát, doanh nghiệp nội địa sở hữu sản lượng thép xây dựng lớn nhất Việt Nam (Theo xác nhận của Hiệp Hội thép Việt Nam vào 20/2/2020) công bố luỹ kế 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép xây dựng của tập đoàn này bán ra trên thị trường đạt trên 1 triệu tấn, tăng 7% cùng kỳ năm trước, riêng thị trường miền Nam tăng tới 63%.

Xuất khẩu thép thành phẩm của Hòa Phát vẫn tăng trưởng 63,5% so với cùng kỳ, sản lượng thép thành phẩm xuất khẩu là 155.000 tấn sang các nước Nhật Bản, Campuchia, Canada, Malaysia, Indonesia, Đài Loan. 

Xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc: Đơn hàng lên tới cả ngàn tỷ

Nếu tính tổng khối lượng phôi thép của các đối tác nhập khẩu đến cuối tháng 5, lượng phôi xuất khẩu đạt 596.000 tấn, trong đó riêng Trung Quốc là gần 316.000 tấn, chiếm 53%, còn lại xuất khẩu sang Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Srilanka, Philippines.

Mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn CIEC Hàng Châu (HANGZHOU CIEC GROUP CO., LTD), một doanh nghiệp nhà nước thép rất lớn của Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 120.000 tấn phôi thép của Hòa Phát với trị giá lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Ít ai có thể nghĩ rằng, một cường quốc xuất khẩu thép như Trung Quốc giờ đây nhập phôi từ Việt Nam. Chủ tịch Hoà Phát ông Trần Đình Long chia sẻ, việc thép Hoà Phát có thể tiến vào thị trường Trung Quốc vừa là một cơ hội lớn nhưng đồng thời đó là câu trả lời khẳng định các sản phẩm của Hoà Phát có khả năng cạnh tranh thuộc nhóm tốt so với các nhà máy lớn của Trung Quốc và thế giới.

“Chở củi về rừng”: Câu trả lời về sức cạnh tranh của Hoà Phát khi xuất khẩu phôi và thép thành phẩm khối lượng lớn - Ảnh 2.

Tỷ trọng các quốc gia nhập khẩu phôi từ Hòa Phát 4 tháng đầu năm

Vũ khí để tự tin

Ông Long có nhiều "vũ khí" trong tay để có thể tự tin ở thời điểm này.

Lợi thế về quy mô

Cách đây 3 năm, vào thời điểm đầu năm 2017 khi Hoà Phát bắt tay thực hiện Dung Quất, nhiều người nghi ngờ về tham vọng của "vua thép" muốn Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với người bạn láng giềng. Lấy vốn ở đâu, sản phẩm làm ra bán đi đâu, thị trường có hấp thụ được hết không…hàng trăm câu hỏi dồn dập gửi tới ban lãnh đạo của Hoà Phát. Đáp lại, ông Long nhắn gửi đến cổ đông: "Hoà Phát sẽ có một tầm vóc mới vào năm 2020, với doanh thu gấp ba lần hiện tại (2017). Nguyên tắc của Hoà Phát không phải tính lúc mọi sự đang thuận, nhìn thấy khoản lời vài ngàn tỷ mà phải tính lúc thị trường xấu nhất, thấp nhất mình vẫn sống được". Và "vua thép" đã giữ lời.

Giai đoạn 1 của Dung Quất đã hoàn thiện với 2 lò cao, nhà máy cán và chuẩn bị chờ sản phẩm thép cán nóng có thể chạy thương mại vào tháng 9 năm nay. Với lợi thế về quy mô và một quy trình khép kín từ thượng nguồn, công nghệ hiện đại từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất hiện có công suất 4 triệu tấn/năm, và sẽ tăng công suất ở giai đoạn đầu tư tiếp theo lên tới 8 triệu tấn/năm. Điều này giúp Hòa Phát có lợi thế về quy mô sản xuất, dễ dàng đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu thị trường với giá thành cạnh tranh. Các Khu liên hợp thép của Hòa Phát có giá thành thấp hơn các nhà máy cùng quy mô từ 5 đến 10%.

Lợi thế về cảng biển

"Con Át chủ bài" của Dung Quất để có thể có giá thành cạnh tranh nằm ở cảng nước sâu, tháng 6 này dự kiến đón tàu trọng tải lớn 200.000 tấn có thể cập bến. Theo ông Long, điều này giúp khu liên hợp gang thép Dung Quất "có lợi thế tuyệt đối, không một nơi nào trên Việt Nam có thể có được". Sản xuất thép là sản xuất lượng lớn, đồ thô, to nên yếu tố logistics quan trọng hàng đầu. Theo tính toán, giá than chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất, giá quặng sắt chiếm 30%, mỗi năm tập đoàn phải nhập từ 10-15 triệu tấn nguyên liệu. Với lợi thế của cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu lớn, chi phí nguyên vật liệu có thể giảm từ 3-5 USD/tấn thì yếu tố cảng biển sẽ hỗ trợ các sản phẩm của Hoà Phát có giá cực kỳ cạnh tranh, không những có thể cạnh tranh sòng phẳng với Formosa, giúp tập đoàn có nhiều dư địa mở rộng thị phần trong nước đồng thời xuất khẩu.

Tối ưu hoá dây chuyền thiết bị

Việc mở rộng thị trường giúp tối ưu hóa hiệu suất dây chuyền thiết bị đã đầu tư tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, góp phần nhanh chóng lấy khấu hao thu hồi vốn và có lợi nhuận sớm từ dự án.

Năm 2020, Hoà Phát đặt mục tiêu doanh thu 85.000-90.000 tỷ, lợi nhuận từ 9.000 – 10.000 tỷ, tăng trưởng hơn 30%. Do tác động của Covid-19 nhiều doanh nghiệp ngồi trên đống lửa vì nợ nần riêng Hoà Phát hiện đang nắm giữ gần 7.000 tỷ tiền mặt, và năm nay còn chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, thể hiện sự vững vàng của Hoà Phát.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên