MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ ế, tiểu thương tìm đường bán hàng qua mạng

20-01-2021 - 13:13 PM | Thị trường

Quá ế ẩm, tiểu thương các chợ truyền thống phải tìm đủ mọi cách, trong đó có bán online để tìm kiếm khách hàng.

11 giờ ngày 19-1, tức mùng 7 tháng chạp, chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) gần như không có khách. Dọc theo các dãy quầy sạp kinh doanh vải, quần áo, túi xách chỉ có nhân viên bán hàng đang sắp xếp lại hàng hóa hoặc ngồi lướt điện thoại, nói chuyện với nhau. Đỡ buồn hơn một chút, các dãy hàng kẹo mứt, trái cây, ăn uống có vài khách đi lại hỏi han, dùng thử hoặc mua đồ.

Bỏ sạp vì sức mua kém

"Trừ ngành hàng thực phẩm tươi sống ít bị tác động, còn lại hầu hết ngành hàng ở chợ đều ế ẩm cả năm nay. Khổ nhất là ngành hàng túi xách, quần áo, thủ công mỹ nghệ… Chỉ còn 3 tuần nữa là hết năm Canh Tý mà sức mua tại chợ vẫn lẹt đẹt, giảm đến 80% so với cùng kỳ năm trước và vẫn còn đến 50% hộ kinh doanh đang đóng cửa, chưa biết khi nào trở lại. Chúng tôi phải liên tục thăm hỏi, động viên tiểu thương cố gắng vượt qua khó khăn, bám chợ" - đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành vừa dẫn chúng tôi đi một vòng chợ vừa cho biết.

Tương tự, chợ An Đông (quận 5, TP HCM) đã gần như hoàn thiện việc sửa chữa, mặt tiền được sơn và trang trí lại, bên trong nhà lồng máy lạnh chạy phà phà, quầy sạp nào cũng chất hàng ngồn ngộn để bán Tết nhưng thiếu hẳn không khí nhộn nhịp trước đây. Đặc biệt, khu vực kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm khô ở tầng hầm mọi năm giờ này có rất đông khách du lịch, Việt kiều đến mua sắm nhưng năm nay chỉ lác đác vài người khách. Theo Ban Quản lý chợ, hiện lượng khách đến chợ giảm 90% so với cùng thời điểm trước Tết nguyên đán năm 2020.

Khảo sát nhiều chợ tại TP HCM như Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Hòa Bình (quận 5), lượng khách cũng khá thưa thớt. Nhiều tiểu thương cho biết kinh doanh ế ẩm cả năm qua, giờ chỉ còn khoảng 3 tuần nữa đã đến Tết nguyên đán nhưng vẫn chưa thấy có gì cải thiện. Bà Lê Kiều Châu, tiểu thương chợ Bà Chiểu, than thở: "Thời điểm này năm ngoái mua bán sôi động lắm rồi, vậy mà năm nay chưa thấy nhúc nhích gì".

Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình, cho biết sức mua ở chợ giảm mạnh 50%-60% so với trước vì ảnh hưởng Covid-19. Ông Châu vừa chỉ vào 4-5 sạp trống vừa nói những sạp này bán quần áo, mỹ phẩm nhưng mấy tháng trước đã làm đơn xin nghỉ bán 6 tháng vì ế quá, nay vẫn chưa thấy mở cửa bán Tết.

Trước khó khăn kéo dài, tiểu thương các chợ ở TP HCM rất mong được chính quyền quan tâm, hỗ trợ miễn giảm thuế, phí nhằm chia sẻ phần nào thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Mới đây, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương hỗ trợ cho tiểu thương 237 chợ truyền thống trên địa bàn bằng cách giảm 50% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ từ tháng 7 đến tháng 12-2020. Hiện tại, Sở Công Thương TP đang phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn ban quản lý các chợ triển khai thực hiện.

Chợ ế, tiểu thương tìm đường bán hàng qua mạng - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ Bến Thành đang bắt đầu làm quen với bán hàng qua ứng dụng trên điện thoại. Ảnh: THANH NHÂN

Không thụ động chờ thời

Tuy nhiên, trong khi chờ sự hỗ trợ của chính quyền, các tiểu thương phải tìm đủ mọi cách để bán được hàng, trong đó có bán hàng trực tuyến (online). Bà Trương Thị Huệ, kinh doanh quần áo tại chợ An Đông, cho biết 2 tháng nay, bà được con gái chỉ cách xài Facebook, Zalo để giới thiệu quần áo. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, chợ quá vắng, một số tiểu thương lên Facebook bán hàng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

May mắn hơn, chị Nguyễn Thị Thái Trang, chủ sạp Thái Vân ở lầu 1 chợ An Đông, đã kết nối với một số khách hàng sỉ ở Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) và khá nhiều khách lẻ sau khi tham gia Chợ phiên Chợ Lớn online hồi cuối tháng 9-2020. Chẳng những vậy, chị còn ký được hợp đồng cung cấp quần áo nữ may sẵn cho hệ thống siêu thị Co.opmart.

"Saigon Co.op xem trên website Chợ phiên Chợ Lớn đã chủ động liên lạc yêu cầu tôi gửi mẫu chào hàng và nhận đưa vào phân phối. Tôi mới được ký hợp đồng khoảng 1 tháng nay, đã cung cấp cho họ hơn 4.000 sản phẩm. Sáng nay, vừa mới giao thêm một đợt hàng tới Co.opXtra ở quận 7" - chị Trang kể.

Theo tiểu thương này, gia đình chị đang điều hành xưởng may 100 công nhân nên việc có thêm khách hàng mới là điều rất mừng vì giải quyết được việc làm cho công nhân. "Tôi thấy việc mở kênh bán hàng online rất hiệu quả nên đã kiến nghị Ban Quản lý chợ An Đông tổ chức chợ phiên online. Toàn chợ có hơn 2.000 quầy sạp, tiểu thương có thể đưa sản phẩm của mình lên chợ phiên online, kèm số điện thoại để khách hàng truy cập vào là thấy thông tin người bán, nơi bán, giá cả rồi chủ động liên hệ trao đổi cụ thể với nhau" - chị Trang nêu ý tưởng.

Trong khi đó, tiểu thương ngành hàng thực phẩm, trái cây, rau củ ở chợ Bến Thành thì đang rủ nhau tham gia bán hàng qua ứng dụng Grabmart. Hiện đã có 28 hộ kinh doanh tại đây ký hợp đồng bán hàng với ứng dụng này, một số hộ đang liên hệ với Grab Việt Nam để làm thủ tục tham gia. Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Thị Thanh Thủy, chủ sạp bánh kẹo Đức Trí, cho biết vừa được Grabmart xác nhận thông tin, hồ sơ và hướng dẫn sử dụng ứng dụng để kích hoạt bán hàng. "Xung quanh đây, nhiều sạp bán được 5-7 đơn hàng mỗi ngày, có sạp 1-2 đơn hàng. Chưa tính đến hiệu quả kinh doanh nhưng trong lúc bán buôn khó khăn thế này, có thêm nhiều người biết đến hàng hóa của mình là thêm cơ hội" - chị Thanh Thủy nói.

Chị Thanh Thủy và gia đình đã kinh doanh ở chợ Bến Thành hơn 60 năm nhưng lâu nay chỉ biết bán hàng theo kiểu truyền thống và dựa vào khách quen, khách du lịch… nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả. "Thời đại công nghệ nên việc bán buôn cũng phải nhờ vào công nghệ, nếu không sẽ ngày càng khó. Mà bán hàng qua ứng dụng cũng hay vì toàn bộ hàng hóa được niêm yết, giới thiệu rõ ràng, giá cả công khai cho khách so sánh, lựa chọn" - chị Thanh Thủy nói.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, chủ sạp bánh bèo Huế chợ Bến Thành, thật thà khoe bán hàng qua ứng dụng gọi món Now.vn đã giúp chị có thêm 30% thu nhập mỗi ngày trong cả năm nay. "Chợ ế chưa từng thấy, sạp của tôi từ sáng đến 11 giờ trưa mới có 3 khách tới ăn trong khi đã có vài đơn hàng qua Now.vn, tài xế Grab cũng ghé mua mang đi giao cho khách. Nhờ vậy mà gia đình tôi vẫn cầm cự được qua dịch Covid-19" - chị Ngọc Ánh cho hay.

Theo các tiểu thương, việc bán hàng qua ứng dụng chưa mang lại hiệu quả kinh tế vì còn khá mới mẻ, đơn hàng chưa nhiều và phải trả chiết khấu cho phía cung cấp dịch vụ. Dù vậy, trước mắt, đây cũng là một kênh để họ "đẩy" hàng ra thị trường. Về lâu dài, nếu khách hàng biết đến và đặt hàng nhiều hơn thì sẽ có lợi nhuận.

Chọn nơi bán uy tín

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, có rất nhiều thực phẩm mùa Tết được bán qua mạng. Đây là kênh bán hàng có chi phí thấp, thể hiện ưu điểm trong bối cảnh dịch bệnh do hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, việc bán hàng qua mạng hiện nay quá đơn giản, ai làm cũng được, nhiều nơi tùy tiện quảng cáo nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên phương diện quản lý thì thực phẩm bán qua mạng hay qua kênh truyền thống đều phải bảo đảm tính hợp pháp: có đăng ký kinh doanh, có đăng ký bán hàng online (thủ tục rất đơn giản), có bản công bố sản phẩm, có chứng từ đầu vào... Hiện các cơ sở kinh doanh qua mạng có quy mô lớn đã được kiểm soát, còn những nơi nhỏ lẻ, bán hàng qua Zalo, Facebook nay bán mai nghỉ vẫn chưa kiểm soát được. Do đó, người tiêu dùng khi mua thực phẩm qua mạng cần chọn nơi uy tín để yên tâm vì có địa chỉ chịu trách nhiệm, nếu không sẽ phụ thuộc vào may rủi, tiền mất tật mang.

N.Ánh

Chợ Bến Thành có website bán hàng

Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết do đặc thù là ngôi chợ lâu đời gắn với thương hiệu Sài Gòn - TP HCM và chủ yếu phục vụ khách du lịch nên cả năm 2020, TP HCM vắng bóng du khách, chợ Bến Thành cũng không có người mua. Xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh nên một số tiểu thương tại chợ đã chủ động tiếp cận khách hàng, chào bán sản phẩm qua ứng dụng Zalo, Viber, Facebook lẫn bán hàng qua điện thoại để cải thiện doanh thu. "Chợ cũng đã có website chobenthanh.org.vn và trang Facebook riêng để giới thiệu chung về hoạt động của chợ. Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin quận 1 nghiên cứu nâng cấp website, phát triển tính năng bán hàng qua website để tạo thêm kênh tương tác, bán hàng cho bà con tiểu thương và đưa sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng không có điều kiện trực tiếp đến chợ mua sắm" - đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành thông tin.

P.An

Theo Thanh Nhân - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên