MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ giảm 50% phí trước bạ, khách ồ ạt "chốt đơn" để hưởng ưu đãi kép, doanh số ô tô "nội" dự kiến tăng mạnh

01-11-2021 - 11:18 AM | Thị trường

Ngay khi nghe tin giảm 50% phí trước bạ cho các dòng ô tô lắp ráp trong nước, người dùng đã đổ xô đi cọc xe để giữ chỗ.

Dự định mua một chiếc Kia K3 để phục vụ di chuyển cho gia đình trong dịp cuối năm, anh Nguyễn Thành Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nhanh chóng xuống tiền cọc mua xe vào ngày cuối cùng của tháng 10 để "giữ chỗ" chờ chính sách giảm giá 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực.

"Sale báo với mình nên cọc sớm giữ chỗ bởi sau khi chính sách có hiệu lực, lượng người đặt mua xe sẽ tăng cao thì có thể không chọn được phiên bản hoặc màu sắc ưng ý vì thiếu hàng". Anh Nam cho biết. Anh dự định mua Kia K3 phiên bản Premium với giá niêm yết 659 triệu đồng. Với việc được áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, anh có thể tiết kiệm đến gần 40 triệu đồng.

Chờ giảm 50% phí trước bạ, khách ồ ạt chốt đơn để hưởng ưu đãi kép, doanh số ô tô nội dự kiến tăng mạnh - Ảnh 1.

Doanh số ô tô tại Việt Nam có thể tăng mạnh vào cuối năm nay và đầu 2022. Ảnh minh hoạ.

Giống anh Nam, nhiều khách hàng khác cũng đã nhanh tay xuống tiền cọc mua xe để hưởng "ưu đãi kép" trong giai đoạn này khi mà nhiều hãng sản xuất cũng như đại lý đang tung rất nhiều chương trình kích cầu bán hàng trong tháng 10. "Khách sợ sau khi áp dụng chính sách giảm phí trước bạ, các chương trình giảm giá hiện nay sẽ bị cắt. Thực tế, tình trạng này đã từng xảy ra vào năm ngoái", Hoàng Dương, sale một đại lý Kia tại Hà Nội chia sẻ.

Thông tin từ các đại lý cho thấy, chỉ trong ít ngày qua lượng khách quan tâm và chốt cọc xe – chủ yếu là xe lắp ráp, tăng đột biến. Thậm chí, 2 ngày cuối tuần vừa qua sale của các đại lý vẫn phải làm việc hết công suất để phục vụ khách đến xem xe và đặt cọc.

Thực tế đến nay, thông tin về việc giảm 50% phí trước bạ mới chỉ là dự thảo, được Bộ Tài chính đề xuất, lấy ý kiến. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng phản ứng tích cực trước đề xuất này.

Trước thời điểm lấy ý kiến, đã có nhiều hãng sản xuất tự tung ra các chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ cho người tiêu dùng, tương ứng mức giảm giá xe đến vài chục triệu đồng. Đó là chưa kể việc nhiều đại lý chủ động giảm giá thêm cũng như tặng phụ kiện để "kích cầu" trong giai đoạn kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid vừa qua. Nhiều mẫu xe của Honda, Mazda, Kia, Mitsubishi hay Hyundai đều được giảm giá mạnh.

Hãng sản xuất và đại lý kỳ vọng chính sách giảm phí trước bạ sẽ giúp đẩy mạnh doanh số các dòng ô tô hàng hot vào dịp cuối năm. Trước đó vào năm 2020, sau thời điểm áp chính sách giảm phí trước bạ (nửa cuối 2020), lượng xe đăng ký mới đã tăng gấp đôi.

Việc hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ nếu được thực thi, cũng sẽ tạo ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân về doanh số của thị trường ô tô trong nước, trong đó các mẫu ô tô được lắp ráp trong nước sẽ chiếm lợi thế lớn trước đối thủ.

Chờ giảm 50% phí trước bạ, khách ồ ạt chốt đơn để hưởng ưu đãi kép, doanh số ô tô nội dự kiến tăng mạnh - Ảnh 2.

Kia Seltos giành lợi thế lớn trong cuộc đua ở phân khúc SUV đô thị nếu chính sách giảm 50% phí trước bạ được áp dụng.

Chẳng hạn, Kia Seltos và Toyota Corolla Croos vốn đang cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc SUV đô thị nhưng sau khi thông qua chính sách, giá lăn bánh của xe có thể rẻ đi 30-40 triệu đồng. Trong khi đó, Corolla Cross là xe nhập khẩu nên không nằm trong phạm vi áp dụng chính sách.

Ở phân khúc xe bán tải, Ford Range vốn đang "độc bá" trên thị trường với doanh số vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ sẽ càng chiếm lĩnh lợi thế vì là model duy nhất lắp ráp trong nước. Ở phân khúc xe sang, Mercedes-Benz được hưởng lợi nhiều nhất vì sở hữu nhiều model lắp ráp trong nước so với BMW, Audi, Lexus đều chỉ bán xe nhập khẩu. Chẳng hạn, khách ở Hà Nội mua một chiếc Mercedes-Benz GLC 300 4Matic có giá 2,4 tỷ đồng sẽ tiết kiệm được khoảng 150 triệu đồng phí trước bạ.

Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên