MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ ngày REE trở lại thời vàng son

28-07-2016 - 10:24 AM | Doanh nghiệp

Nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào việc VN Index sẽ tiếp tục tăng trở lại đỉnh cao trong những năm tới. Và trong sự phục hồi đó của thị trường, sẽ không có nhiều bất ngờ nếu có sự "trở lại" của REE.

Cách đây đúng 16 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000. Lúc bấy giờ, chỉ cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh cùng với SAM của Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) là 2 cổ phiếu duy nhất niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (sau này đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM).

Sau vài năm đầu thị trường không mấy sôi động, REE đã trãi qua những ngày tháng thăng hoa tột đỉnh khi cổ phiếu REE trở thành cái tên rất “hot” của nhà đầu tư. Tên tuổi của REE cũng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ngay cả các giáo trình giảng dạy bộ môn chứng khoán tại các trường đại học cũng thường có tên REE.

Trong thời gian 16 năm đó, đã có nhiều doanh nghiệp cùng thời nổi sóng rồi chìm dần đi vào lãng quên sau kể từ sau khi thị trường xì “bong bóng” vào năm 2008. Có doanh nghiệp đã buộc phải rời sàn, chuyển sàn vì lý do bất khả kháng hoặc tồn tại một cách vật vờ trên sàn.

Riêng REE vẫn đang chứng minh rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là một sự đúng đắn. Kể từ khi niêm yết năm 2000 đến nay, REE đã nhiều lần phát hành cổ phiếu thành công, huy động lượng vốn không nhỏ phục vụ cho đầu tư phát triển lâu dài. Vốn điều lệ của REE tính đến nay đã tăng 21 lần, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 150 tỷ đồng đã tăng lên 3.100 tỷ đồng vào năm nay.

2 năm lu mờ

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển với quy mô lớn hơn, số lượng cổ phiếu trên thị trường cũng lớn hơn. Theo đó, cũng xuất hiện nhiều “ngôi sao sáng” trên thị trường đã dần dần che khuất tên tuổi REE một thời vàng son ngày nào.

Quan sát trong vòng khoảng từ năm 2014 đến nay, trong khi thị trường chứng khoán có mức tăng khá, thanh khoản cũng có sự cải thiện ở nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác trên thị trường. Nhưng cổ phiếu REE thì lại lặng lẽ đi “ngược”, thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể cho thấy cổ phiếu này đang ngày càng ít tạo ra sức hút.


Giá cổ phiếu REE đang giao dịch kém sôi động (nguồn VND)

Giá cổ phiếu REE đang giao dịch kém sôi động (nguồn VND)

Việc giá cổ phiếu này sụt giảm, nhiều quan điểm cho rằng hoạt động kinh doanh hiện tại của REE chưa tạo được động lực tăng trưởng. Trong khi đó, với số lượng cổ phiếu lớn, hoạt động của các công ty liên doanh liên kết gặp khó khăn trong giai đoạn gần đây là yếu tố khiến REE bị thị trường ngó lơ.

Các chuyên gia đánh giá vào thời điểm hiện tại, rủi ro lớn nhất của REE nằm ở biến động lợi nhuận rất mạnh ở các khoản đầu tư, nhất là vào PPC có rủi ro tỷ giá với đồng JPY và tình hình khô hạn ảnh hưởng đến KQKD của các nhà máy thủy điện

Đồng Yên tăng giá mạnh từ năm ngoái đã khiến Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (khoản đầu tư lớn nhất vào ngành điện của REE) phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến lỗ ròng 348,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thủy điện trong khoản đầu tư của REE như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ đều ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm khá mạnh do hiện tượng nắng hạn kéo dài, làm giảm khả năng sản xuất điện dẫn đến lợi nhuận thấp.

Chính những diễn biến bất lợi này đã đặt ra quan ngại kế hoạch lợi nhuận năm nay của REE khó có thể đạt được. Cổ phiếu REE vì thế cũng trở nên kém hấp dẫn trong ngắn hạn.

Chờ ngày REE trở lại

Dù rằng, mảng kinh doanh điện và nước vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận cao trong năm nay, thế nhưng với khả năng sinh lời cao, đặc biệt là các khoản đầu tư vào thủy điện và nước đều có giá thành sản xuất thấp là những yếu tố mà bộ phận phân tích VCBS đánh giá về dài hạn, sẽ tạo động lực tăng trưởng chính của REE.

Đến cuối năm 2015, REE đã chi tổng cộng 3.509 tỷ đồng đầu tư vào ngành điện. Vừa qua, REE cũng đã có quyết định tăng thêm sở hữu tại thủy điện Thác Bà và đăng ký mua gần 4 triệu cổ phiếu để nắm quyền chi phối công ty Cổ phần Phát triển điện Nông thôn Trà Vinh (DTV). Đây là bước đi khẳng định chiến lược đầu tư lâu dài của REE vào các lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

Ngoài điện thì ngành nước được REE xem là mảng đầu tư dài hạn nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và mang về dòng tiền ổn định sau này. Hiện REE cũng đang đầu tư 665 tỷ đồng vào ngành nước, sở hữu 3 nhà mát phát nước với công suất 300.000 m3/ngày đêm gồm nhà máy nước BOO Thủ Đức, nhà máy nước Thủ Đức III hiện đang chạy giai đoạn 1 với công suất 150.000 m3/ ngày đêm, cuối năm sẽ chạy tiếp giai đoạn 2, dự kiến năm sau sẽ mang lại lợi nhuận và nhà máy nước Tân Hiệp dự định sẽ chạy vào Quý II/2017 và mang lại lợi nhuận vào 2018. Hai nhà máy BOO Thủ Đức và Thủ Đức III sẽ có cơ hội nâng công suất lên gấp đôi (600.000 m3/ngày đêm) theo quy hoạch cấp nước của TP.HCM. Ngoài ra, REE hiện cũng đang sở hữu một số nhà máy phân phối nước gồm Cấp nước Thủ Đức (43%), Trung An (29%), Gia Định (20%) và Nhà Bè (10%).

Các quyết định đầu tư của REE ngoài việc chọn ngành tăng trưởng ổn định còn cho thấy bóng dáng của một nhà đầu tư giá trị đích thực. Kể từ năm 2011, thời điểm TTCK lao dốc mạnh, REE với nguồn lực tài chính mạnh đã tích cực mua gom cổ phiếu tại các công ty được đầu tư: như mua đến 22% cổ phần tại B.O.O Thủ Đức để tăng tỷ lệ sở hữu lên 42%; mua 35,48% cổ phần tại Thủy điện Thác Mơ; 24,32% cổ phần tại Nhiệt điện Ninh Bình…

Nếu tính giá trị cổ phiếu của các công ty REE so với thời điểm mua vào đều đã có mức tăng giá khá cao. Ngoài ra, nếu tính toán sơ bộ từ số lượng cổ phiếu và tỷ lệ cổ tức được chia, năm 2016 này công ty mẹ REE dự kiến sẽ thu khoảng hơn 300 tỷ đồng cổ tức.

Xét về tình hình tài chính, có lẽ ít doanh nghiệp lớn nào có cơ cấu tài chính lành mạnh như REE khi vay nợ, tiền mặt dồi dào và các chỉ số khả năng thanh toán đều ở mức an toàn.

Ngoài ra, các chỉ số sinh lời của REE cũng thuộc nhóm rất cao trong nhiều năm qua. Đặc điểm này khiến REE đủ khả năng chi trả cổ tức đều đặn hàng năm tương đương với lợi tức xấp xỉ 10% trong nhiều năm nay.

Một số nhà tư vấn chứng khoán kỳ cựu chia sẻ rằng, các nhà đầu tư lớn có nguồn vốn dài hạn thường có xu hướng mua vào cổ phiếu của các doanh nghiệp nền tảng khi giá cổ phiếu ở mức thấp. Bởi vì họ cho rằng với mức giá phù hợp, chỉ cần nắm giữ một vài năm sau giá vốn bỏ ra sẽ giảm xuống đáng kể nhờ cổ tức và cổ phiếu thưởng nhận được. Và dù REE hiện đang kém dẫn đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn trong thời gian qua nhưng REE vẫn cho thấy sức hút lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là hồi đầu năm nay, sau khi nhận được công văn của UBCKNN đồng ý nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ mức 43,7% lên 49%, tỷ lệ room ngoại nhanh chóng được lấp đầy.

Nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng rất lớn vào việc chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam là VN Index sẽ tiếp tục tăng trở lại đỉnh cao trong những năm tới. Và trong sự phục hồi đó của thị trường, sẽ không có nhiều bất ngờ nếu có sự "trở lại" của REE.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành

Trở lên trên