MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho người nghèo vay vốn: Đừng lo thất thu

28-06-2017 - 14:40 PM | Tài chính - ngân hàng

“Ngân sách khó khăn nên phải bớt chi tiêu hằng năm cho các công trình để chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức cho vay hộ nghèo”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nam Bộ.

Sáng 28/6 tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và NHCSXH đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2012- 2016) thực hiện Đề án Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và chủ trì hội nghị. Ngoài ra còn có lãnh đạo UBND của 13 tỉnh, thành phố trong vùng, lãnh đạo của các cơ quan Trung ương Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đảo chiều ngoạn mục

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, trước khi thực hiện Đề án, nợ quá hạn chính sách tín dụng của người dân Tây Nam Bộ cao hơn bình quân chung toàn quốc và có chiều hướng gia tăng. Tại một số nơi, cấp Đảng ủy, chính quyền nhất là cấp xã chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách.

Sau 5 năm tổ chức thực hiện Đề án (2012-2016), đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2,062 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng (tăng 64,5%) so với cuối năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012-2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn 1,8% so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc.

Trong giai đoạn này, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 2,35 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động, trong đó, trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,089 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224, 542 tỷ đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm 410,224 tỷ đồng (giảm 3,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án. Tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng số nợ quá hạn đều giảm...

Ông Dương Quyết Thắng cho biết, điểm nổi bật trong giai đoạn 2012-2016 là hiệu quả của việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của NHCSXH.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng, các hội đoàn thể đều khẳng định ý nghĩa và các kết quả quan trọng mà tín dụng chính sách mang lại, góp phần quan trọng thay đổi cuộc sống sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân Tây Nam Bộ.

Ghi nhận những thành tựu từ việc triển khai Đề án tại khu vực Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận kết quả đã “đảo chiều ngoạn mục” so với năm 2011. Để đạt được kết quả trên, Phó Thủ tướng nêu bật nguyên nhân là từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, đoàn thể nhân dân.

“Tỉnh nào mà quan tâm thì kết quả tín dụng chính sách sẽ khác và mức độ thành công của chính sách là phụ thuộc và sự lãnh đạo, phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền”, Phó Thủ tướng nêu rõ bài học từ thực hiện Đề án và Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý tới vùng Tây Nam Bộ cần phải nỗ lực thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo hơn nữa khi mà tổng dư nợ của NHCSXH là 157.000 tỷ, nhưng riêng Tây Nam Bộ chỉ đạt 28.000 tỷ, còn rất khiêm tốn. Cả nước đã có 30 triệu lượt hộ tiếp nhận chương trình nhưng vùng chỉ có được 2,4 triệu lượt hộ tiếp cận.

Tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của chính sách

Để chính sách phát huy hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cấp chính quyền trong vùng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách quan trọng, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, gắn chặt với các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

“Cả nước có 190.000 tổ tiết kiệm vay vốn, 11.000 điểm giao dịch. Hầu như xã nào cũng có điểm giao dịch cả và lan tỏa cho tới tận thôn bản. Trong thực hiện chính sách, người dân trực tiếp bình xét, xét chọn hộ thụ hưởng và người dân giám sát thực hiện chính sách này. Chính vì thế nợ xấu chỉ ở hệ thống ngân hàng thương mại thôi, còn nợ xấu của NHCSXH chỉ chiếm 0,6%, vì bà con vay, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả.

Nhiều năm trước, khi dư nợ tín dụng học sinh, sinh viên lên 30.000 tỷ đồng thì tôi cũng lo lắng, nhưng chúng ta đã làm rất tốt. Trong nhận thức hay trong tuyên truyền thì phải làm sao thấm đượm tinh thần người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng, giám sát và cần huy động sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.

Từ đó, Phó Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho vùng Tây Nam Bộ và NHCSXH trong phạm vi 3-5 năm tới phải cung cấp tín dụng chính sách cho 100% đối tượng được thụ hưởng nếu đủ điều kiện và có nhu cầu; đẩy lùi, hạn chế tín dụng phi chính thức ở nông thôn, nhất là tín dụng đen. Bên cạnh đó, vùng cũng phải tìm cách tăng tổng dư nợ, mức bình quân vay vốn và số hộ tham gia vay vốn.

Tăng vốn ủy thác: Chỉ có lợi không có thiệt

Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới giải pháp huy động nguồn vốn. Ngoài việc Đảng, Chính phủ dành 23.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho NHCSXH để cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn điều lệ,… Phó Thủ tướng đề nghị Thống đốc NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại duy trì và tăng tiền gửi vốn vào NHCSXH.

13 tỉnh vùng Tây Nam Bộ tăng mức cấp vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho NHCSXH. Theo Phó Thủ tướng, việc tăng cường ủy thác “chỉ có được chứ không có mất, vì nợ xấu rất thấp”. Hiện nay, mức bình quân các tỉnh, thành phố của cả nước cho NHCSXH vay ủy thác là 127 tỷ đồng/tỉnh, cònTây Nam Bộ là chỉ trung bình ủy thác 71 tỷ đồng/tỉnh, là mức quá thấp.

“Ngân sách khó khăn nên phải bớt chi tiêu hằng năm cho các công trình để chuyển sang NHCSXH. Trong 3 năm tới ít nhất mỗi tỉnh phải góp ủy thác 100 tỷ đồng và các tỉnh đã ủy thác trên 100 tỷ đồng phải tăng gấp đôi vốn để tăng bố trí cho người nghèo”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong vùng khi ông cũng cho rằng vùng Tây Nam Bộ phải chống chọi với biến đổi khí hậu, nên nếu sinh kế người dân tốt thì dễ chống chọi với các tác động bên ngoài.

Bên cạnh đó, NHCSXH nghiên cứu cơ chế huy động vốn trong dân thông qua các quỹ tiết kiệm tín dụng nhân dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế cho tín dụng chính sách từ đối tượng vay vốn, định mức cho vay, điều kiện cho vay đơn giản, tập trung đúng đối tượng có khả năng dẫn dắt, tạo ra việc làm cho nhiều người.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ KH&ĐT khẩn trương giao vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. NHNN chỉ đạo nâng mức tăng trưởng tín dụng của NHCSHX là 10% và từng từng bước nâng lên tương đương với tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Trung ương Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường tham gia vào lĩnh vực này.

Theo Thành Chung

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên