MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ nổi Cái Răng đìu hiu mùa dịch, tàu ghe "nằm dài" chờ đợi

06-09-2021 - 08:08 AM | Thị trường

Hơn 2 tháng qua, ghe xuồng neo đậu trên chợ nổi Cái Răng, thương hồ uể oải đợi chờ khách hàng.

Suốt nhiều tháng qua, chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) không còn xuất hiện hình ảnh ghe thuyền tấp nập. Thay vào đó là hình ảnh thương hồ neo chân vịt, uể oải đợi người mua hàng. Những chiếc ghe đưa khách du lịch, buôn bán thức ăn, nước uống cứ nằm dài chờ đợi và những thương hồ lại nuôi mong ước ngày bình thường trở lại.

Anh Mai Văn Phúc Duy, 29 tuổi, gần 20 năm mưu sinh trên chợ nổi cùng cha, hiện sống tại nhà trọ phường Lê Bình, quận Cái Răng cho biết, từ nhỏ đến lớn anh bán trái cây cho khách du lịch, giờ không bán được buồn, rất là buồn.

Chị Phạm Hồng Loan, 35 tuổi, buôn bán trái cây ở chợ nổi Cái Răng, ở trọ tại phường Lê Bình, quận Cái Răng chia sẻ, ngày nào cũng đi xuống dưới sông, đi tới đi lui không buôn bán được.

Chú Mai Văn Hùng, 61 tuổi, ở trọ tại khu vực chợ nổi, quận Cái Răng, đã buôn bán trái cây trên ghe hơn 30 năm nay. Sáng nào cũng xuống đầu cầu nhìn cảnh tượng vắng hoe.

"Chưa có dịch thì 5-6 giờ sáng đã có khách vào bến sông rồi. Giờ vắng không có ai vô, bởi vậy 5-6 giờ sáng cứ xuống sông nhìn"- ông Hùng cho hay.

Tiếc nuối, buồn, khi dịch kéo dài, là nỗi lòng chung của những thương hồ bám trụ tại chợ nổi thời gian này. Khác hẳn những hình ảnh buổi sáng tinh mơ với những hàng dài tàu chở khách du lịch trong và ngoài nước “đổ” về tham quan chợ nổi. Từ khi dịch bệnh bùng phát, rồi đến khi Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết những người làm nghề vạn đò, buôn bán món ăn, thức uống trên sông… đều gác mái chèo.

Bước chân đến xóm trọ dọc hai bên bờ sông tại khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng, đây là nơi có nhiều thương hồ chuyên bán trái cây cho du khách. Thường ngày, nếu đến vào lúc 9 – 10h sáng, không dễ gì có người ở nhà. Thế mà thời gian này, dãy nhà trọ 6 phòng đều đầy đủ người và không ai có “nụ cười” trọn vẹn trên môi.

Ngồi ngay bậc thềm phòng trọ của chị Phạm Hồng Loan, sinh năm 1986, làm nghề bán trái cây trên chợ nổi đã 17 năm, chị trải lòng, nhà có 6 người, 2 vợ chồng chị và 4 đứa con. Khi chưa có dịch, mỗi ngày vợ chồng chị kiếm được 200 – 300 ngàn đồng, đủ trang trải chi phí hàng ngày. Giờ neo ghe đã hơn 2 tháng, gia đình khó khăn trăm bề. Tiền phòng trọ, tiền ăn cứ thế xoay đều, 6 người cứ trông chờ thêm phần hỗ trợ của chính quyền địa phương: “Có mạnh thường quân cho gạo, lâu lâu 5kg, 10kg, nhưng vật chất tiền bạc thì không có để trang trải như đóng tiền nhà, tiền cho con đi học…”.

Đồng cảnh ngộ như chị Phạm Hồng Loan, gia đình bà Trịnh Thị Bé, 81 tuổi, ngồi buồn hiu trong căn nhà gỗ xập xệ, có tuổi đời mấy mươi năm ở khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Nhìn xuống dòng nước chảy khi đi thăm những “người bạn ghe” đang nằm “nghỉ ngơi” trong đại dịch phía sau nhà, bà Bé rầu rĩ, chỉ mới mấy tháng trước, bà cũng còn bán được do chợ nổi vẫn còn khách. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát thì bán chậm, rồi ế, lỗ tiền vốn hoài nên nghỉ luôn. Cả cuộc đời bà lênh đênh mưu sinh trên chợ nổi, giờ đây lại gặp cảnh rất tồi tệ, hoàn toàn không kiếm được thu nhập nữa.

Bà Bé cho biết, nếu chuyển lên bờ bán cũng không được, vì trên bờ người ta vẫn còn nghỉ: “Mình lên đầu hôm sớm mai bán cũng không được. Định đi mua rau cải bán, nhưng giờ ra chợ cũng không có chỗ ngồi bán, cũng không có người đi chợ. Giờ ráng để chờ thêm vài bữa nữa, xem có đi bán lại được không, chứ giờ rất là khó khăn”.

Không chỉ ghe xuồng buôn bán trái cây, thức ăn, nước uống neo đậu, mà những thương hồ đưa rước khách du lịch tham quan bến sông Ninh Kiều và chợ nổi Cái Răng cũng phải dừng hoạt động. Anh Dương Thanh Quyền, 39 tuổi, vô cùng lo lắng bởi suốt nhiều tháng qua anh không có thu nhập từ việc chạy ghe. Bản thân anh đến tuổi này còn chưa lập gia đình bởi mong muốn kiếm tiền để lo cho mẹ anh. Dịch đến, anh phải sử dụng tiền dành dụm được để trang trải ăn uống hàng ngày, không biết cầm cự đến bao giờ.

Thấu hiểu những khó khăn của thương hồ nơi đây, lãnh đạo địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó có kêu gọi nhiều tổ chức đoàn thể trợ giúp nhu yếu phẩm để họ vơi bớt phần nào khốn khó. Ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư – Trưởng khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng chia sẻ, khu vực này có 41 bè neo đậu cố định, rất nhiều ghe đến và đi, địa phương đang đề xuất hỗ trợ từ phía chính quyền cho những thương hồ này theo Nghị quyết 52 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ cũng như Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Trước khi được phê duyệt hồ sơ, khu vực vẫn đang chia sẻ nhiều phần quà nhà hảo tâm hỗ trợ, để giúp họ có bữa ăn đầy đủ hơn. Đồng thời, khu vực cũng khẩn trương lập danh sách, để người dân có thể tiêm vaccine, sớm trở lại cuộc sống mưu sinh.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, hiện giờ đơn vị đang tổng hợp danh sách lại, kể cả các thương hồ. Mọi người phải đăng ký, ghi phiếu đăng ký và đơn vị sẽ tổng hợp danh sách. Khi nào có chủ trương cho tiêm thì gọi người dân lên tiêm . Trong giai đoạn khó khăn này, đây cũng là một món quà rất là ý nghĩa đối với bà con và rất là cần thiết trong giai đoạn dịch.

Có thể hỗ trợ của chính quyền, nhà hảo tâm thời gian này cũng nhen thêm chút lửa lòng, lửa yêu nghề cho tất cả những người lỡ yêu con sông quê hương. Dù khó khăn là thế, dù ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm, nhưng chưa ai có ý định dừng mưu sinh ghe xuồng. Họ đang nuôi hy vọng và không ngừng những mong ước rằng “cầu vồng lại đến sau cơn mưa”:

Cũng như mong ước của bà Trịnh Thị Bé, hết dịch còn buôn bán, hòa nhập lại cuộc sống hàng ngày. Hay như anh Dương Thanh Quyền, mong muốn chợ nổi hoạt động trở lại bình thường như lúc trước, để mình kiếm tiền vô hàng ngày, như vậy dễ dàng sinh sống.

Mong ước dịch sớm tan của bà Trịnh Thị Bé và anh Dương Thanh Quyền đã nói rõ dù khó khăn đến đâu thì mùi sông, mùi nước vẫn níu chân những thương hồ. Họ sẵn sàng chia sẻ, hỏi mượn lẫn nhau, động viên và phụ giúp nhau từng lon gạo, mắm muối. Tình hàng xóm, tình thương hồ và cao hơn cả là “nghĩa đồng bào” đang dìu họ đi qua những ngày tháng khó khăn. Và rồi một ngày không xa, nắng lên, chợ nổi lại tấp nập ghe xuồng, đầy ắp tiếng cười, nói vang sông./.

Theo Hồng Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên