MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho phá sản hay tiếp tục “cho thở máy” hàng loạt nhà máy mía đường?

03-03-2018 - 13:19 PM | Thị trường

Đó là nội dung được nhiều phóng viên báo chí quan tâm tại cuộc họp thường kỳ của Bộ NNPTNT với báo giới sáng 2.3 tại Hà Nội.

Đặc biệt, sau khi Báo Lao Động đăng loạt bài về tình trạng ngành mía đường Việt Nam đang trong cơn bĩ cực, vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục bảo hộ cho lĩnh vực sản xuất vốn không là lợi thế của ngành nông nghiệp (NN), không có giá trị xuất khẩu, thậm chí còn làm trì trệ, cản trở sự phát triển của ngành NN. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Bộ NNPTNT.

Thế giới sẽ thừa 10 triệu tấn đường

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) - cho hay, niên vụ 2017/2018 dự báo nguồn cung đang thừa đường. Dự báo thị trường toàn cầu sẽ thừa khoảng 10,4 triệu tấn đường trong mùa vụ 2017-2018, cao hơn 26% so với tổng thâm hụt trong hai mùa vụ trước, cao hơn 0,6 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 10.2017 và cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Còn theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Hiệp hội Đường Ấn Độ (ISMA), cho biết, sản lượng đường của Ấn Độ sẽ tăng lên 29,2 triệu tấn trong vụ 2017/2018, tăng gần 12% so với dự đoán trước đó do sản lượng của Maharashtra có thể tăng gấp đôi.

Sơ bộ đến ngày 15.1.2018 sản lượng đường đạt 13,537 triệu tấn, tăng 29% so với 11,480 triệu tấn cùng kỳ vụ trước. Có 504 nhà máy đường hoạt động, nhiều hơn cùng kỳ vụ trước (105 nhà máy). Từ giữa tháng 1.2018, ISMA đưa ra dự báo lần 2 về sản lượng đường vụ 2017/2018 là 26,1 triệu tấn. Tiêu dùng trong nước ước tính khoảng 25 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm trước. Còn 1,1 triệu tấn dư thừa sẽ được xuất khẩu.

Tại Trung Quốc, vụ đường 2017/2018 (từ tháng 9-10.2017 đến hết tháng 1.2018) đã sản xuất 5,127 triệu tấn đường trắng, tăng 11,2% so với 4,540 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Sản lượng đường mía tăng từ 3,611 triệu tấn lên 4,027 triệu tấn. Sản lượng đường trắng từ củ cải tăng từ 929.900 tấn lên 1,1 triệu tấn. Hiệp hội Đường Trung Quốc (CSA) dự báo sản lượng đường vụ 2017/2018 là 10,2 triệu tấn, tăng 9,8% so mức 9,288 triệu tấn vụ trước và là mức cao nhất trong 3 năm.

Nhiều thông tin khác từ các quốc gia như Brazil, Nga, Pakistan, Thái Lan…, sản lượng đường tăng sẽ gây áp lực lên giá cả thị trường thế giới trong niên vụ này và chắc chắn gây áp lực lên giá đường tại Việt Nam khi giá đường các nước đều thấp hơn giá đường Việt Nam.

Sẽ cho phá sản các DN sản xuất mía đường thua lỗ?

Tại nhiều hội nghị về tìm lối ra cho ngành mía đường trong nước, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhiều lần nhấn mạnh: Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho cao cùng diễn biến phức tạp của đường nhập lậu thì việc thực hiện cam kết song phương và đa phương trong hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại, phát triển, trong đó cần có sự đột phá về giống, kỹ thuật, công nghệ chế biến, quy mô trồng trọt, hầu như là cần phải cơ cấu lại toàn diện. Nhưng xem ra, rất ít doanh nghiệp sản xuất mía đường làm được điều này. Thậm chí, có doanh nghiệp còn e ngại hội nhập.

Trong buổi trao đổi với phóng viên sáng 2.3, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: Có tiếp tục bảo hộ cho ngành mía đường theo đề nghị của DN và Hiệp hội Mía đường Việt Nam? “Thậm chí có câu hỏi đặt ra là, có để cho một số DN làm ăn thua lỗ phá sản không? Vấn đề này cần được nghiên cứu hết sức kỹ càng, thận trọng.

Bộ giao cho Cục Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục tìm hiểu, tham khảo, sâu sát để đánh giá, báo cáo để lãnh đạo bộ có quyết sách hỗ trợ chứ không thể cấm không cho nhập khẩu hoặc đánh thuế sai so với cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại. Liệu mía đường có phải là ngành lợi thế của chúng ta không?

Để có được 300.000ha hiện nay không khó, vấn đề ở đây là duy trì được sự phát triển (của ngành và các doanh nghiệp - PV). Đây là câu chuyện rất lớn, chúng tôi cũng đang rất lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, dư luận, ý kiến các địa phương. Câu chuyện này chắc là còn rất dài nên rất khó có câu trả lời sớm (về vấn đề cho phá sản các DN sản xuất mía đường thua lỗ - PV). Khi có cơ sở dữ liệu chúng tôi sẽ trả lời chính thức trong thời gian tới” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn tỏ ra thận trọng.

Theo Khánh Vũ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên