Chờ sóng bất động sản lên để "thoát hàng"
Đó là tâm lý của không ít các nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ có cơn sóng bất động sản xuất hiện để họ có thể nhanh chóng "thoát hàng", thu hồi vốn. Bởi ở thời điểm hiện tại, thị trường trầm lắng, ngay cả việc cắt lỗ cũng khó thanh khoản sản phẩm.
Mong mỏi chờ sóng
Cuối năm 2021, anh Trần Nhuận (Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định bỏ ra 2,3 tỷ đồng để mua lô đất sát trục đường chính ở Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh sau khoảng thời gian dài "sốt ruột" vì lo lạm phát gia tăng, tiền mất giá.
Lô đất này anh Nhuận được một người thân giới thiệu với mức giá rẻ hơn so với thị trường thời điểm đó. Và theo thông tin mà anh Nhuận tìm hiểu, sẽ có tuyến đường mở rộng đi qua lô đất mà anh đã mua. Dù chưa từng có kinh nghiệm mua bán đất nhưng anh Nhuận nghĩ, thứ nhất, mua được giá rẻ hơn so với thị trường thì chắc chắn, sau này chỉ cần bán bằng giá thị trường đã có lời. Thứ hai, nếu tuyến đường này xây dựng và triển khai, mức lợi nhuận mà anh thu được 20-30% là điều không khó xảy ra.
Ảnh minh hoạ.
Bởi tính toán như vậy mà anh Nhuận đã dồn toàn bộ vốn vào mua lô đất, cộng thêm khoản tiền vay gia đình và ngân hàng. Anh dự tính khoảng 3-6 tháng sau sẽ thoát hàng.
Nhưng mọi kế hoạch của anh Nhuận đều bị "chệch" khi hơn gần 8 tháng trôi qua, lô đất mà anh mua vẫn nằm "án binh bất động". Điều đáng nói, dù tuyến đường đang rục rịch chuẩn bị triển khai nhưng lô đất mà anh xuống tiền không có nhiều người hỏi thăm, thậm chí môi giới còn đang đề nghị mức giá cắt lỗ so với giá đất mà anh mua.
"Tâm lý mọi người bây giờ là e dè xuống tiền vào đất. Họ sợ bất động sản khủng hoảng nên không dám mua. Hoặc họ chờ bất động sản giảm giá hàng loạt thì vào tiền. Còn tôi chỉ mong sẽ có thêm đợt sóng bất động sản nữa vào cuối năm để có thể thoát hàng", anh Nhuận nói.
Cũng tương tự trong tâm trạng mong mỏi như anh Nhuận, chị Hà (Hoài Đức, Hà Nội) đang chờ "sóng" đất vùng ven xuất hiện để thoát 2 trên 3 lô đất.
"Tôi chỉ mong thu hồi vốn 2 lô đất về vì hiện tại chỉ trả nợ gốc lãi ngân hàng đã thấy khó khăn và vất vả. Cũng không mong gì quá lời, chỉ mong thu được vốn và một chút lãi để bù chi phí trả gốc lãi vay vốn ngân hàng", chị Hà tâm sự.
Trước đó, theo lời bạn bè, chị Hà đã về khu vực Thạch Thất (Hà Nội), gần điểm Láng Hoà Lạc để mua 3 lô đất. Trung bình mỗi lô đất dao động 70m-80m2 với mức giá 1-1,5 tỷ đồng. Nghe lời môi giới, chị thấy hợp lý, nếu như trường Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút sinh viên về thì giá đất chắc chắn tăng. Mặt khác, trong thời điểm "đất chật người đông" vì việc di chuyển về vùng ven là xu hướng.
Thế nhưng, sau cơn sóng đẩy giá đất vùng ven tăng nóng, sự im lăng đã bao trùm thị trường khu vực này.
Sẽ khó có sóng xảy ra?
Theo các chuyên gia, một kịch sản xuất hiện sóng bất động sản xảy ra với xác suất thấp. Nhìn vào diễn biến của thị trường hiện tại, khó có thể tìm được tín hiệu quá tích cực cho sự bùng nổ mạnh. Các chuyên gia đều nhìn nhận rằng, thị trường đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Ngay cả việc "làm thị trường", "đánh sóng" của nhóm cá mập đã khó có thể thực hiện.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, bản chất việc mua bất động sản thường đến từ 2 lý do. Một là cảm nhận của các nhà đầu tư có sóng và được ngân hàng trợ vốn mạnh. Hoặc là họ đang có dòng tiền thu nhập tốt nên dư tiền để mua. Chỉ có nguyên nhân thứ nhất mới đủ lực giúp tăng giá bất động sản thực ở diện rộng còn nếu ở lý do thứ 2, lực mua chỉ ở một số vùng. Hiện nay, ở lý do thứ nhất thì khó xảy ra, còn với lý do thứ 2 thì nhóm tiền lớn chỉ thuộc về số ít là doanh nhân còn người dân đang kẹt tiền.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, khi xuất hiện thông tin tích cực như dự án sắp làm, đầu tư công trình hạ tầng,… các nhà đầu tư thường có xu hướng đổ vào mua đất theo kiểu "làm thị trường", đẩy giá mà không có nhu cầu sử dụng bất động sản lâu dài. Họ không kiểm chứng thông tin mà chỉ dựa vào thông tin để tạo sóng.
Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính tốt mới nên ôm đất dài hạn. Nếu lướt sóng thì cần nghiên cứu kỹ thị trường, nắm bắt thông tin quy hoạch để khi có "sóng" có thể thoát hàng đúng lúc, đúng thời điểm.
Đối với những người "ôm đất" đợt cuối, sau nhiều lần bị đẩy giá, họ sẽ phải ôm quả đắng, vì thanh khoản thị trường sẽ xấu đi nghiêm trọng. Gần như không có người mua lại vì các nhà đầu tư thì tháo chạy còn người dân địa phương không có nhu cầu và nếu có thì chỉ mua giá thấp hơn nhiều so với giá bị đẩy lên.