MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho thuê nhà có cần đăng ký kinh doanh?

14-07-2024 - 07:57 AM | Bất động sản

Rất nhiều người cho thuê nhà còn chưa quan tâm đến các vấn đề pháp lý rất căn bản khi tiến hành hoạt động cho thuê nhà.

Hiện nay, rất nhiều gia đình có quỹ đất ở rộng rãi thường xây những phòng trọ nhỏ rồi dùng để cho thuê tăng thêm thu nhập, vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, các gia đình cho thuê nhà có phải đăng ký kinh doanh hay không? Luật sư Đinh Thị Chúc - Đoàn Luật sư thành phố Hà nội cho biết: theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành thì cho thuê bất động sản hay quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi chính là hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cho thuê nhà có cần đăng ký kinh doanh?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 như sau:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định trên thì việc cho thuê nhà phải thành lập doanh nghiệp theo quy định. Nếu hoạt động kinh doanh này nhỏ lẻ và số lượng phòng trọ ít, chủ nhà có thể đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh cá thể. Đối với những trường hợp kinh doanh quy mô lớn hơn, các chủ nhà có thể lựa chọn các loại hình doanh nghiệp khác phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, trường hợp được xác định là cho thuê nhà quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải khai thuế.

Các trường hợp được xem là cá nhân cho thuê nhà quy mô nhỏ, không thường xuyên để không phải thành lập doanh nghiệp nêu tại Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP gồm:

1. Cơ quan, tổ chức thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản là tài sản công theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.

6. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng bất động sản do mình đầu tư xây dựng mà không phải là dự án đầu tư xây dựng bất động sản để kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng thuê thuê trọ do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản gồm các nội dung chính theo quy định tại Điều 121 Luật nhà ở 2014 quy định Hợp đồng về nhà ở.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 thì hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải tiến hành công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận với nhau về việc đồng ý công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, việc công chứng hợp đồng thuê nhà để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp./.

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên VOV với Luật sư Đinh Thị Chúc - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về nội dung này:

Theo Hoa Thanh Huyền

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên