Cho vay margin tăng mạnh, công ty chứng khoán “rủng rỉnh” thu lãi, một loạt cái tên lập kỷ lục
Hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu quý 3 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái và quý liền trước.
- 25-10-2023Tổng doanh thu môi giới tăng vọt lên cao nhất 6 quý, các công ty chứng khoán lời lãi ra sao?
- 24-10-2023Tổng lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng vọt lên cao nhất 6 quý, đâu là động lực?
Cho vay margin là một trong những hoạt động quan trọng mang lại nguồn thu lớn cho các công ty chứng khoán. Mảng nghiệp vụ này thậm chí còn là trụ cột chính “gánh” phần lớn lợi nhuận tại một số công ty. Thị trường giao dịch sôi động cùng nhu cầu đòn bẩy tăng cao trong quý 3, mảng cho vay tại các công ty chứng khoán cũng hoạt động khá thuận lợi.
Theo thống kê, tổng lãi từ cho vay và phải thu của các công ty chứng khoán trong quý 3 ước đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 21% so với quý trước. Con số này hiện chỉ còn kém đôi chút so với đỉnh cao đạt được vào giai đoạn thị trường giao dịch bùng nổ từ cuối 2021 đến đầu 2022.
Nguồn thu này tăng lên trong bối cảnh hoạt động cho vay được mở rộng tại hầu hết công ty chứng khoán trong quý 3. Thời điểm 30/9, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 165.000 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ so với cuối quý 2 và tăng 43.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ margin tăng khoảng 17.000 tỷ so với cuối quý 2, ước đạt 159.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh cho vay, các công ty chứng khoán cũng “rủng rỉnh” thu lãi. Hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu quý 3 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái và quý liền trước. Thậm chí, nguồn thu từ hoạt động này tại nhiều công ty như TCBS, VPS, Mirae Asset, VCBS, VPBankS, BSC, MBKE,… còn lập kỷ lục mới.
Lãi suất vay margin vẫn ở mức cao nhưng đang “rục rịch” giảm
Nguồn thu quan trọng này của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý 3 đến từ việc nhu cầu sử dụng đòn bẩy lớn của nhà đầu tư dù mặt bằng lãi suất cho vay margin vẫn ở mức cao. Trước đó trong năm 2022, sau nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các công ty chứng khoán cũng đồng loạt tăng lãi suất cho vay margin lên mức phổ biến 13-14%/năm.
Sau khi NHNN đảo chiều chính sách tiền tệ có phần nới lỏng hơn, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay margin ở mức cao của năm ngoái nhằm bù đắp khoản chi phí vốn phải bỏ ra trong giai đoạn trước đó.
Thực tế, lãi suất cho vay margin tại một số công ty chứng khoán cũng đã được điều chỉnh giảm dù biên độ không lớn và vẫn còn ở mức cao. Đổi lại, nhiều gói sản phẩm riêng biệt với ưu đãi về lãi suất đã được các công ty chứng khoán tung ra nhằm kích thích nhu cầu đòn bẩy của nhà đầu tư. Có thể kể đến như chương trình “Hoàn lãi Margin” và “M9 - Sức mạnh margin” của SSI; gói vay linh hoạt của TCBS; chương trình margin 7 ngày không lãi suất hay margin T14 của ACBS,…
Một trong những công ty chứng khoán có lãi suất cho vay margin thấp nhất thị trường hiện nay là Pinetree (thành viên của tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc). Công ty chứng khoán hiện vẫn đang giữ ổn định chính sách lãi vay margin 9,9%/năm và miễn phí giao dịch trọn đời mà không kèm bất kỳ điều khoản nào. So với lãi suất cho vay margin trung bình trên thị trường hiện nay vào khoảng 13-14%/năm, đây được xem là mức lãi cố định hấp dẫn.
Lãi suất hấp dẫn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách hàng mở tài khoản và sử dụng đòn bẩy tại Pinetree. Đến cuối quý 3, dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán này đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ so với con số cuối quý 2 và tăng gần 560 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm đạt 1.496 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ dư nợ margin/VCSH ở mức 0,88 lần và vẫn còn rất nhiều dư địa để cho vay.
Trong tương lai, khi mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng duy trì ở mức thấp đủ lâu hoặc tiếp tục giảm, lãi suất cho vay margin được dự báo cũng khó nằm ngoài xu hướng. Thanh khoản dồi dào trong hệ thống các ngân hàng và lãi suất huy động giảm rõ rệt đang là những yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động cho vay ở Việt Nam. Theo quỹ ngoại Pyn Elite Fund, trong 12 tháng tới, lãi suất điều hành dự kiến sẽ giảm xuống 4%.
Nhìn chung, lãi suất giảm là yếu tố quan trọng thúc đẩy cho ngành dịch vụ tài chính, trong đó có chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển vốn từ kênh ngân hàng sang các kênh đầu tư khác nhưng chứng khoán đang hấp dẫn nhất. Song song đó, lãi suất cho vay margin cũng giảm kích thích nhu cầu vay để gia tăng đầu tư. Dù vậy, tác động của xu hướng này đến hiệu quả hoạt động cho vay của các công ty chứng khoán vẫn còn phụ thuộc vào quy mô cho vay trên toàn thị trường.
Nhịp Sống Thị Trường