Cho vay theo Nghị định 67: Nợ xấu gia tăng, ngân hàng chịu trận
Nếu không đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, hệ lụy nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến ngành Ngân hàng mà cả nền kinh tế.
- 06-04-2019Sau kiểm toán, nợ xấu nội bảng của BIDV tăng thêm hơn 2.100 tỷ, còn hơn 14.100 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC
- 02-04-2019Từng sạch nợ tại VAMC hồi cuối quý 2, đến cuối năm 2018 nợ xấu của VietinBank bán cho VAMC lại tăng vọt lên 13.400 tỷ đồng
- 01-04-2019Hết tháng 1/2019, xử lý được 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Phát triển thủy sản: Chủ trương lớn, cần thiết
Ra đời cách đây hơn 4 năm, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản nay là Nghị định 17/2018/NĐ-CP được đánh giá là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo cú huých đối với ngành thủy sản. Nhận thức được tầm quan trọng của nghị định, ngành Ngân hàng đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67.
Sự trợ vốn của ngân hàng đã giúp ngư dân vươn khơi bám biển |
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, sau hơn 3 năm triển khai (tính từ ngày 25/4/2014 đến 31/12/2017 – thời điểm dừng ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67), Nghị định 67 đã được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.178 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay đạt gần 11.700 tỷ đồng.
Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank được coi là ngân hàng trụ cột trong triển khai chương trình này. Đến 31/3/2019, Agribank đã cho vay 622 tàu đóng mới nâng cấp theo Nghị định 67 trên địa bàn 27 tỉnh ven biển với dư nợ là 5.445 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khẳng định nhờ cú hích Nghị định 67 đã hiện đại hóa đội tàu cá vươn khơi bám biển mà cư dân mơ ước từ bao lâu nay. Vốn đầu tư của ngân hàng làm thay đổi kinh tế của nhiều gia đình, thay đổi bộ mặt của nhiều miền quê.
“Tổ chức quốc tế sang Việt Nam kiểm tra nhận thấy rõ sự thay đổi về đội tàu của Việt Nam phát triển nhanh và mạnh. Đó là nhờ động lực từ Nghị định 67. Điều quan trọng nữa là thay đổi nhận thức của ngư dân, sinh hoạt cư dân trên tàu cá với tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn…”, ông Chung bổ sung thêm.
Nợ xấu gia tăng do tâm lý “cấp phát”
Với kết quả nêu trên có thể khẳng định hiệu quả từ Nghị định 67 này là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghị định đã xảy ra một số bất cập. Bất cập lớn nhất hiện nay đó là dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng do khách hàng chậm trả nợ, tác động lớn đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67.
Qua nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết Nghị định 67, các cơ quan liên quan nhất là ngành Ngân hàng đã cảnh báo nếu không tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Nghị định 67 sẽ gây ra những hệ lụy nhất là nợ xấu. Nợ xấu từ tín dụng cho “tàu 67” có xu hướng ngày càng tăng nhanh do xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.
Ngoài lý do khách quan, nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến doanh thu của ngư dân, nhiều ngư dân không đủ năng lực khai thác, hoặc khai thác không hiệu quả thì lý do chủ quan dẫn đến nợ xấu tăng cao khá nhiều.
Điều đáng lo ngại nhất đó là một số ngư dân cho rằng đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên có thái độ chây ỳ, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Thậm chí một số khách hàng vẫn đang khai thác nhưng không trả nợ mà còn có biểu hiện lôi kéo chủ tàu khác cùng không trả nợ. Nhóm khách hàng này nguy cơ nợ xấu cao nhất.
Những khó khăn trên cũng đã được NHNN báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng, Chính phủ cũng đã có Văn bản số 10048 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát xử lý theo quy định tại Nghị định số 17 của Chính phủ, phối hợp với ngành Ngân hàng đôn đốc ngư dân trả nợ vay đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ ngân hàng nhưng cố tình chây ỳ, không trả nợ theo cam kết thì kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước…
Song song với đó NHNN chỉ đạo các NHTM thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân cũng như hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, thời gian qua các ngân hàng đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng.
Như tại Agribank, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng cho biết, ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tìm kiếm các khách hàng chuyển đổi theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định 17 của Chính phủ và Thông tư số 12/2018/NĐ-CP của NHNN, tạo điều kiện để khách hàng vay vốn lưu động cho các chuyến biển để tạo nguồn thu trả nợ…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng vẫn gặp rất nhiều gian truân. Thực tế diễn ra tại Agribank, dù trong quá trình làm việc với các chủ tàu, ngân hàng rất thiện chí cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng, nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại, không được hỗ trợ lãi suất (do không phải từ nguyên nhân khách quan), nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại.
“Viện dẫn nhiều lý do khai thác không hiệu quả nhưng chủ tàu cũng không bàn giao tàu cho ngân hàng để chuyển đổi đầu tư. Nhiều chủ tàu không hợp tác với ngân hàng, có tư tưởng trông chờ vào chính sách của nhà nước. Với tâm lý ỷ lại trên, dù một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng vẫn không đồng ý dùng các nguồn thu này để trả nợ ngân hàng”, bà Phượng chia sẻ thêm những khó khăn khi thu hồi nợ.
Cũng bởi vậy, là ngân hàng tích cực nhất trong triển khai cho vay Nghị định 67 nên Agribank cũng đang là ngân hàng gánh nợ xấu lớn từ chương trình này. Đến 31/3/2019, đã có 43 khoản vay bị chuyển nợ xấu với tổng nợ xấu là 510 tỷ đồng, tỷ lệ 9,4% tổng dư nợ của chương trình. Nợ xấu tiếp tục tăng, trong quý II và quý III năm 2019 dự kiến sẽ có 16 khoản vay tiếp tục chuyển nợ xấu với số tiền 283 tỷ đồng.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, buộc các ngân hàng phải khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật khi khách hàng không thực hiện đúng cam kết. Agribank chi nhánh Khánh Hòa là đơn vị gần đây nhất thực hiện khởi kiện 3 khách hàng vay theo Nghị định 67. Trước đó, BIDV Quảng Nam và Agribank chi nhánh Quảng Bình cũng đã khởi kiện khách hàng vay đóng tàu 67.
Ông Huỳnh Xuân Huy, Giám đốc Agribank chi nhánh Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra của ngân hàng cho thấy có một số chủ tàu cho rằng đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước (gần như cho không) nên cố tình không trả nợ mặc dù họ có nguồn thu từ hoạt động khai thác đánh bắt. Đây là thực trạng chung cũng là mối lo ngại đối với các ngân hàng cho vay Nghị định 67. Do đó, ngân hàng buộc phải khởi kiện lên TAND TP. Nha Trang.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, đến 31/3/2018, Agribank đã phải khởi kiện xử lý tài sản theo quy định của 11/43 khách hàng nợ xấu. Nếu tình hình không cải thiện, số vụ khởi kiện tàu 67 sẽ tiếp tục tăng. Việc khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ là chuyện chẳng đặng đừng của các ngân hàng. Nhưng theo các chuyên gia ngân hàng, nếu không có giải pháp xử lý mạnh tay, ngân hàng vẫn khổ sở đi thu nợ, còn khách hàng vẫn cứ chây ỳ.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn chia sẻ quan điểm, NHNN luôn chỉ đạo các NHTM phải tạo điều kiện cũng như có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho khách hàng khi họ gặp phải rủi ro bất khả kháng. Còn đối với trường hợp cố tình chây ỳ không trả nợ, hoặc cố ý phá hoại tài sản, bán tài sản cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, khởi kiện là một hình thức.
“Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ khách hàng tối đa, còn trường hợp không hợp tác dẫn đến hai bên không thoả thuận được thì quyền xử lý của ngân hàng chứ NHNN không can thiệp”, ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý và nhấn mạnh: chính sách của Nghị định 67 đã dành ưu đãi rất lớn cho chủ tàu, song không ít chủ tàu cố tình không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng đang tạo tiền lệ xấu cho các chủ tàu khác.
Tháng 3 vừa qua, NHNN đã ban hành văn bản 1969/NHNN-TD đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển báo cáo tình hình triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Văn bản số 10048/VPCP-KTTH trong việc phối hợp với ngành ngân hàng đôn đốc ngư dân trả nợ đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết trên địa bàn cũng như các biện pháp đã áp dụng đối với trường hợp chủ tàu cố tình chây ỳ, không trả nợ theo cam kết…
Xét về tầm vĩ mô, chính sách cho vay theo Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn ra biển lớn nhưng hạn chế về nguồn lực cũng như cụ thể hóa Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, nếu không đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, hệ lụy nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến ngành Ngân hàng và cả nền kinh tế.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng: Cần có cơ chế gỡ khó cho ngân hàng
Trong thời gian qua, dù ngân hàng bám sát hoạt động cho vay, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình cho vay theo Nghị định 67 vẫn gặp không ít vướng mắc khiến tỷ lệ nợ xấu trong cho vay tàu 67 ngày càng tăng cao.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, tỷ lệ nợ xấu của Agribank sẽ vượt kế hoạch và vượt trần quy định của NHNN, khiến suy giảm năng lực tài chính, đồng thời ngân hàng không đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến kết quả tái cơ cấu và kế hoạch cổ phần hoá của Agribank.
Agribank đã phối hợp với Ban chỉ đạo 67 và chính quyền địa phương đôn đốc các khách hàng trả nợ, trường hợp khách hàng không hợp tác trả nợ hoặc không có nguồn thu trả nợ, Agribank buộc phải áp dụng xử lý tài sản theo quy định thông qua khởi kiện tại tòa án. Mặc dù đây là biện pháp chẳng đặng đừng nhưng ngân hàng bắt buộc phải thực hiện tất cả các giải pháp mà pháp luật cho phép để thu hồi được nợ.
Các ngân hàng đã gặp không ít khó khăn, tốn nhiều chi phí khi thực hiện khởi kiện như: Quá trình thu giữ, xử lý tài sản phát sinh nhiều chi phí như lai dắt tàu về cảng cá, chi phí bến bãi, người trông coi, bảo quản tài sản... Thu giữ được tài sản rồi, tìm được người mua tàu cũng không dễ. Trường hợp tìm được khách hàng mua tàu, số tiền thu về được rất thấp, do giá trị thị trường của con tàu thời điểm chuyển đổi thấp. Nhiều tàu ước tính giá trị thu về chỉ bằng 1/10 giá trị đầu tư (như tàu giá trị 16 tỷ ước tính bán được 2 tỷ đồng).
Trong khi đó, con tàu là tài sản đảm bảo duy nhất cho khoản vay, nợ xấu các khoản vay theo Nghị định 67 và việc xử lý các tài sản này đã tạo gánh nặng tài chính lớn lên các đơn vị trực tiếp cho vay.
Để việc hạn chế tình trạng khởi kiện khách hàng do nợ quá hạn, thời gian tới, ngân hàng mong muốn Chính phủ, bộ ban ngành có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng. Đơn cử phối hợp cùng ngân hàng để quản lý nguồn thu, trả nợ của khách hàng tốt hơn qua việc chia sẻ thông tin với ngân hàng về hành trình của những con tàu khi xuất bến và cập bến… Công tác truyền thông của địa phương cũng cần vào cuộc để khách hàng hiểu đúng quyền lợi và trách nhiệm khi vay vốn theo chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản của Nghị định 67...
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Khởi kiện khách hàng – việc đặng chẳng đừng
Thời điểm này, sau khi đã tìm mọi phương án, làm hết cách rồi mà con nợ vẫn cứ chây ỳ, không còn cách nào khác cực chẳng đã các ngân hàng mới phải khởi kiện. Không có ngân hàng nào muốn khởi kiện vì theo kiện rất mệt mỏi, mất nhiều thời gian, lại tốn kém chi phí. Để khởi kiện các TCTD phải nghiên cứu rất kỹ hành lang pháp lý, nhất là áp dụng quy định xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42.
Thực tế, việc cho vay theo Nghị định 67 là chủ trương chung của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân thực sự muốn vươn ra biển lớn, cải thiện đời sống. Chính vì thế, Chính phủ cần phải sát sao đốc thúc bộ, ngành nhất là địa phương phối hợp với hệ thống NH để chương trình có hiệu quả, để nợ xấu mới không phát sinh thêm. Liên quan đến quy định cơ cấu lại nợ được hưởng lãi suất ưu đãi, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương cùng phối hợp với NHNN để hỗ trợ cho ngư dân có thiện chí trả nợ, thực hiện đúng như theo cam kết.
Luật sư, TS. Bùi Quang Tín: Ngân hàng chịu nhiều áp lực thu hồi nợ
Khoản tiền lớn cho vay ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ được đánh giá là rất rủi ro. Bởi lĩnh vực này chịu tác động từ rất nhiều yếu tố khách quan. Chưa kể, chiếc tàu mà ngư dân đang sử dụng chủ yếu là tiền vay của ngân hàng, trong khi số tiền họ phải đối ứng không đáng kể. Đây chính là "lỗ hổng" của chính sách cho vay vốn khiến hiện tượng khách hàng chây ỳ không trả nợ ngày càng gia tăng. Ngân hàng chịu áp lực quá lớn để thu hồi nợ. Ở góc độ pháp lý, việc ngân hàng khởi kiện ngư dân không thực hiện đúng cam kết hợp đồng tín dụng là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, trước khi phải dùng đến biện pháp này các ngân hàng nên phối hợp với cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương để đôn đốc người vay trả tiền; mặt khác, ngân hàng cũng nên tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng nào thực sự khó khăn do lý do bất khả kháng. Đối với trường hợp chây ỳ, bất hợp tác thì nên xử lý khởi kiện.
Để giúp các ngân hàng sớm giải quyết vụ việc, tôi nghĩ, NHNN đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, UBND các địa phương hỗ trợ áp dụng việc thu giữ, giải quyết tranh chấp tài sản đảm bảo tại tòa án theo thủ tục rút gọn được quy định, rút ngắn thời gian xét xử thi hành án đối với các khách hàng.
Từ đó tạo điều kiện cho ngân hàng sớm xử lý tài sản để thu hồi nợ. Vì tính thanh khoản của tàu thấp, nên việc phát mại không dễ dàng. Tàu càng để lâu thì giá trị tài sản càng hao mòn nhanh nên dù có bán được số nợ thu về của ngân hàng cũng sẽ giảm theo.
Thời báo ngân hàng