MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay tiêu dùng gặp khó

20-04-2023 - 12:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động thu hồi nợ phản cảm gần đây đang tác động tiêu cực tới thị trường cho vay tiêu dùng.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều công ty tài chính cho biết chưa bao giờ cho vay tiêu dùng "khó như bây giờ", nhu cầu người vay rất lớn nhưng không dám mạnh tay cho vay vì lo khó thu hồi nợ; không ít người vay xong rủ nhau "bùng nợ" ảnh hưởng đến những khách vay có nhu cầu thật sự và trả nợ đúng hạn; nhập nhèm giữa đơn vị cho vay tiêu dùng với công ty tài chính tiêu dùng chính thống…

Vạ lây từ đòi nợ "khủng bố"

Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đang ngày càng khó khăn, nhất là sau khi các thông tin không tích cực từ công ty tài chính không phải do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép. Các công ty này do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố cấp phép và hoạt động theo Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp nhưng không chịu sự kiểm tra, giám sát của NHNN.

Theo ông Ninh, gần đây những vấn đề phát sinh trong hoạt động thu hồi nợ phản cảm từ một vài công ty cho vay tiêu dùng, công ty cho vay cầm đồ… dẫn tới bị cơ quan công an vào cuộc kiểm tra, điều tra đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống. Nhiều công ty bị đánh đồng với các loại hình cho vay tiêu dùng khác, thậm chí bị hiểu lầm là tín dụng đen. Đáng chú ý, sau khi cơ quan điều tra khởi tố nhóm người ở 2 công ty đòi nợ thuê đã rộ lên xu hướng rủ nhau "bùng nợ", "quỵt nợ". Tình trạng này xảy ra ngày một nhiều ở các công ty tài chính.

Cho vay tiêu dùng gặp khó - Ảnh 1.

Các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Đỗ Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty ATM Online (fintech cho vay tiêu dùng), thừa nhận cho vay tiêu dùng đang ngày càng khó trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu nhập của công nhân, người lao động - phân khúc khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính, fintech cho vay tiêu dùng bị sụt giảm, khả năng trả nợ thấp. "Gần đây có rất nhiều hội nhóm hướng dẫn cách "bùng nợ" cho người đi vay trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo, YouTube… Họ còn chia sẻ những đơn vị nào vay dễ và nhanh, đơn vị nào không gọi cho người thân thẩm định và những đơn vị nào không đòi nợ gắt gao. Việc này được chia sẻ công khai hoặc qua các hội nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội, gây khó khăn cho hoạt động thu hồi nợ của các đơn vị cho vay" - ông Đỗ Minh Hải nói.

Đại diện Công ty Tài chính FE Credit cho rằng việc thiếu các quy định cụ thể cho người đi vay dễ dẫn đến nguy cơ khách hàng hình thành suy nghĩ "tại sao mình phải trả nợ trong khi nhiều người không trả nợ vẫn không bị phạt?". Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều công ty tài chính buộc phải cân nhắc khi cho vay mới, kiểm soát đối tượng vay chặt chẽ hơn và hệ lụy là lãi suất khoản vay có thể tăng đối với những người có nhu cầu vay thật. Tín dụng đen có cơ hội tung hoành trong khi cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay chính thức của những người có nhu cầu, trả nợ đúng hạn bị ảnh hưởng.

Như tại ATM Online, để kiểm soát việc cho vay, công ty đã phải siết lại quy trình thẩm định khiến tỉ lệ phê duyệt bình quân cho khách hàng giảm 50%, gia tăng các chi phí liên quan đến marketing, vận hành của đơn vị.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Từ vụ việc một số nhân viên của các công ty đòi nợ thuê, công ty tài chính bị khởi tố vì đòi nợ "khủng bố", có thể thấy thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng chưa phát triển công khai, minh bạch, chưa tương xứng với quy mô dư nợ tín dụng và nhu cầu của thị trường. Ông Ngô Xuân Duy, Giám đốc pháp chế Công ty Mua bán nợ Việt Nam quốc tế, nhận định thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có tiềm năng phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Cùng với tiềm năng của thị trường tín dụng, hoạt động thu hồi nợ cũng trở thành điểm nhấn với sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trước khi Luật Đầu tư năm 2020 được ban hành, do đặc thù của hoạt động thu hồi nợ tạo ra mâu thuẫn sâu sắc giữa công ty thu hồi nợ và khách hàng vay nên hoạt động đòi nợ và dịch vụ đòi nợ thường xảy ra những tranh chấp nghiêm trọng. "Một số công ty đòi nợ bất hợp pháp đã sách nhiễu, tấn công khách hàng vay và gia đình họ bằng nhiều cách, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, hoạt động mua bán nợ, đòi nợ đã trở thành một "điểm đen" bị cơ quan có thẩm quyền chú ý, coi đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với nhiều quy định, điều kiện khắt khe" - ông Ngô Xuân Duy nói.

Gần đây, một số NH thương mại bắt đầu công khai bán khoản nợ vay tiêu dùng cho thấy tín hiệu thị trường mua bán nợ của Việt Nam bắt đầu hình thành. Đây là tín hiệu tốt bởi các tổ chức tín dụng tính toán bán đi các khoản nợ, trong đó có cả nợ cho vay tiêu dùng, vì có nhiều khoản nợ nhỏ NH muốn mua đứt bán đoạn thay vì phải mất công theo dõi, quản lý…

Dù vậy, về hành lang pháp lý, hiện chưa có văn bản điều chỉnh trực tiếp đối với các công ty thu hồi nợ, chỉ có văn bản dành cho bộ phận thu hồi nợ và công ty mua bán nợ của NH. Ông Ngô Xuân Duy kiến nghị cần có văn bản trực tiếp điều chỉnh các công ty mua bán nợ, bổ sung, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý để xử lý nợ xấu bền vững. Cần luật hóa xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để giúp cho việc thu giữ tài sản bảo đảm được thông thoáng, không phụ thuộc vào luật khác cũng như các nội dung thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm; bổ sung một số nội dung như quyền xử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản, thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn... "Cần có quy trình tố tụng riêng biệt cho những yêu cầu thu hồi nợ, cắt giảm thời gian xử lý và hồ sơ đầu vào phải được đồng bộ trong hệ thống tòa án. Quy trình thi hành án cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa đương sự và cơ quan thi hành án. Trong trường hợp cần thiết, các công ty thu hồi nợ có quyền được tham gia sâu hơn vào quá trình thi hành án, vừa giảm bớt áp lực cho hệ thống tư pháp, vừa tạo nên văn hóa và hành lang pháp lý" - ông Ngô Xuân Duy đề xuất. 

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm về tín dụng tiêu dùng

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng phát triển, nhu cầu vay vốn tín dụng tiêu dùng của người dân là rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi. Tuy vậy, những vấn đề phát sinh gần đây trong hoạt động thu hồi nợ phản cảm từ một vài công ty tài chính hay sự vụ công ty cho vay tiêu dùng bị cơ quan công an kiểm tra, đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng chính thống, thậm chí bị hiểu lầm là tín dụng đen.

Trước thực trạng này, ngày 20-4, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm Tín dụng tiêu dùng: "Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật!", lắng nghe trao đổi xung quanh làm sao cho vay và thu hồi nợ thế nào để đúng quy định pháp luật. Làm sao để tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, người vay vốn có nhu cầu không phải tìm tới tín dụng đen, "vay nóng", góp phần phát triển chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia.

Theo Thái Phương

nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên