'Choáng' với con số gần nửa tỷ USD nhập thịt trâu, bò!
Trong nông nghiệp, chăn nuôi... yếu thế nhất vì gần như là ngành duy nhất vẫn đang nhập siêu, đặc biệt là mảng gia súc lớn. Mỗi năm, nước ta chi ra hơn 1 tỷ USD nhập khẩu thịt, trong đó riêng nhập trâu, bò đã suýt soát nửa tỷ USD.
* Phát triển chăn nuôi mất cân đối nghiêm trọng
Việt Nam cần có chiến lượng phát triển bền vững gia súc lớn trâu, bò
Đây chính là dư địa để phát triển chăn nuôi trâu, bò.
Đã có nhiều tiếng nói trên các diễn đàn, nhiều số liệu đưa ra khiến những ai quan tâm đến chăn nuôi không khỏi giật mình. Dù là đất nước nông nghiệp, nhưng những sản phẩm chính của ngành chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu, như ngô, đậu tương, bột cá... Đặc biệt, mỗi năm nước ta vẫn dốc hầu bao hàng tỷ USD để nhập thịt. Trong nội bộ ngành chăn nuôi, cơ cấu đàn vật nuôi đang mất cân đối nghiêm trọng.
Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2017, sản lượng tiêu thụ thịt chiếm áp đảo vẫn là thịt lợn, cơ cấu 70 - 74%, tiếp đến là thịt gia cầm 18 - 20% và cuối cùng là thịt đỏ (trâu, bò, dê, cừu) khoảng 8 - 10%. Trong khi đàn lợn thừa quá nhiều, tới mức vừa qua khi giá lợn xuống quá thấp, có người phải đẩy đàn lợn... ra đường vì không còn tiền để mua cám thì các DN Việt Nam lại ồ ạt đi nhập trâu, bò về giết mổ.
Ngoài bò sống nguyên con nhập chính ngạch từ Úc, năm ngoái Việt Nam nhập tới 940 ngàn tấn thịt trâu đông lạnh từ Ấn Độ. Về nguyên tắc số thịt trâu này là tạm nhập tái xuất nhưng xuất đi Trung Quốc được bao nhiêu tấn thì vẫn là một ẩn số. Ngoài ra, trâu, bò tiểu ngạch nhập vào nước ta cũng khá nhiều. Có người dùng hình ảnh, trâu, bò nườm nuợp đi qua biên giới như trảy... hội.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho hay, hiện nước ta đã dư thừa quá nhiều thịt lợn, đỉnh điểm năm 2016 số đầu lợn đạt 29,1 triệu con, gây ra cuộc khủng hoảng giá lợn kéo dài cả năm 2017. Theo tính toán, chỉ cần duy trì khoảng 27 triệu con lợn là đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và vẫn còn một phần nhỏ cho xuất khẩu.
Với thịt gia cầm, năm 2017 Việt Nam nuôi trên 385 triệu con, đạt tốc độ tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016, tạo ra sản lượng trên 1 triệu tấn thịt hơi và trên 10 tỷ quả trứng. Như vậy, gia cầm nội địa cũng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, cán cân xuất nhập khẩu không chênh lệch quá lớn.
Quay trở lại nhu cầu thịt đỏ, mà chủ yếu là thịt trâu, bò hiện chúng ta đang thiếu trầm trọng, dường như năm sau thiếu nhiều hơn năm trước. Lý do, không phải chăn nuôi đại gia súc trong nước không phát triển, mà là cơ cấu tiêu dùng thực phẩm đang thay đổi mạnh mẽ, thay vì ăn thịt lợn, thịt gà, người dân đã gia tăng lượng thịt trâu, bò trong bữa ăn hàng ngày.
Vì vậy nói Việt Nam ngày càng thiếu thịt trâu, bò nhiều hơn là có lý. Năm 2017, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 260 ngàn tấn thịt xẻ trâu, bò và tăng trưởng 4 - 5%/năm, trong khi đó tổng đàn trâu chỉ tăng 1,6%, tổng sản lượng thịt trâu, bò hơi tăng 3,6%. Vì vậy, thịt trâu, bò sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 80% tổng nhu cầu.
|
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh |
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng đó là quy luật hết sức bình thường. Thứ nhất, đời sống của người dân ngày một nâng cao, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò ngày một lớn. Thứ hai, do việc sử dụng gia súc lớn làm sức kéo chỉ là thứ yếu tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, khiến tổng đàn gia súc có tốc độ tăng trưởng từng năm thấp.
Chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm nước ta phải chi ra trên 300 triệu USD để nhập khẩu trâu, bò sống và các sản phẩm thịt từ trâu bò. Năm 2017, có thông tin đưa ra Việt Nam đã chi gần nửa tỷ USD nhập trâu, bò sống và thịt trâu, bò có xương và không xương. Năm 2015, Việt Nam từng nhập khẩu tới trên 366 nghìn con bò từ Úc, những năm còn lại, số lượng bò nhập từ Úc dao động từ 150 - 200 nghìn con/năm.
Với xu hướng thịt đỏ xuất hiện trên bữa ăn ngày một nhiều hơn, theo ông Tống Xuân Chinh, phải có chiến lược phù hợp hơn để phát triển chăn nuôi đại gia súc là trâu, bò. Tất nhiên, so với Úc hay Mỹ, chúng ta không thể có lợi thế về đất đai, đồng cỏ như họ, nhưng thực tế chăn nuôi đại gia súc vẫn có cơ hội phát triển, đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi.
Theo đó, phải có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt giống như chính sách cho phát triển bò sữa. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao ngành chăn nuôi bò sữa những năm qua phát triển như vũ bão, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 châu Á về tổng đàn bò sữa mà chăn nuôi trâu, bò thịt cứ đì đẹt?
Trước mắt, đẩy mạnh việc thụ tinh nhân tạo, nhập nguồn gen các giống bò có chất lượng năng suất cao. Trong đó, tăng mạnh đất nông nghiệp cho trồng cây thức ăn chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn phối trộn hoàn chỉnh (TMR) và vỗ béo cho trâu, bò trước khi giết thịt. Đặc biệt, tiến tới chăn nuôi trâu, bò thịt chuyên nghiệp, ngoài chăn thả ra phải trồng cỏ, chế biến dự trữ cỏ và bổ sung thức ăn tinh.
“Để thịt bò nội đủ sức cạnh tranh với bò ngoại trên sân nhà, trước khi giết mổ 3 tháng trâu, bò phải được vỗ béo, giết mổ đúng tuổi, đúng quy trình, có như vậy, chất lượng thịt và VSATTP mới đảm bảo, chứ không phải chăn nuôi kiêm dụng, vừa cày vừa lấy thịt như trước. Nếu đồng bộ hóa từ khâu con giống, thức ăn tới chăn nuôi, giết mổ, thì Việt Nam đủ điều kiện, thời gian tự chủ thịt trâu, bò”, ông Tống Xuân Chinh nhấn mạnh.
"Có thời điểm do nhu cầu trong nước và lợi nhuận mang lại lớn, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn ồ ạt nhập bò sống từ Úc về vỗ béo bán và xuất sang Trung Quốc, đỉnh điểm là năm 2015 với trên 366 nghìn con. Tuy nhiên, do giá bò sống tại Úc hiện đã tăng cao do hạn hán, do nhiều nước cũng đổ xô đi nhập bò sống từ Úc về để vỗ béo, giết mổ nên vỗ béo bò Úc không còn lợi thế. Thực tế đó chỉ ra rằng, tốt nhất chúng ta phải tự chủ trong chăn nuôi gia súc lớn để lo nguồn thịt đỏ tại chỗ thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu", ông Tống Xuân Chinh.
|
Nông nghiệp Việt Nam