'Chơi chứng' ở Trung Quốc: Không phải nhiều tiền, có kinh nghiệm, mà phải là xinh đẹp thì mới mong có cơ hội chiến thắng
Điều lạ lùng ở chứng khoán Trung Quốc: không phải các thông tin kinh tế hay các nhà đầu tư lắm tiền, mà chính các nhà phân tích "đẹp trai xinh gái" mới là những người dễ tác động đến thị trường nhất
- 16-03-2017Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm sau khi Fed tăng lãi suất
- 10-03-2017Chứng khoán Hàn Quốc tăng sau phán quyết buộc tội Tổng thống Park
- 28-02-2017Warren Buffett: “Chứng khoán Mỹ vẫn rẻ”
- 26-02-2017Để không mất hết tiền vào chứng khoán khi sắp đến tuổi nghỉ hưu
Trong xã hội, có một suy nghĩ phổ biến là những người có lợi thế về hình thức bên ngoài thì thường sẽ có nhiều cơ hội hơn: có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn hay nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Tuy nhiên, điều trên mới chỉ là cảm nhận, còn đời sống ở ngoài có thật sự diễn ra như vậy không thì là vẫn điều phải bàn.
Để thấy một ví dụ cụ thể về mối quan hệ giữa vẻ bề ngoài đẹp đẽ và sự thành công của con người ở trên thì chúng ta có thể tìm đến Trung Quốc – nơi mà các nhà phân tích chứng khoán với lợi thế về vẻ bề ngoài đang chính là những người được săn đón nhiều nhất.
Chứng khoán Trung Quốc: "Đẹp đẽ thì sẽ thành công"
Ở thị trường chứng khoán Trung Quốc lúc này, không phải những thông tin kinh tế giá trị hay những khoản đầu tư lớn của các nhà đầu tư số má, mà chính những kẻ làm phân tích mới đang là lực lượng có khả năng thao túng cả thị trường rộng lớn.
Đặc biệt hơn, có một quy luật lạ lùng đang diễn ra là những cổ phiếu càng được những nhà phân tích mà “đẹp trai xinh gái” khuyến nghị đầu tư thì lại có giá trị càng cao. Tất nhiên, sự “đẹp trai xinh gái” này đồng thời cũng có liên quan đến thu nhập cao ngất ngưởng của họ.
Tóm lại, có thể nói, không ở đâu mà quy luật "đẹp đẽ thì sẽ thành công" đang diễn ra rõ ràng như ở chứng khoán Trung Quốc.
Diễn viên Triệu Vy đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, rượu ở Trung Quốc. Tất nhiên, cô cũng rất xinh đẹp
Trước hết, để nói về các nhà phân tích chứng khoán thì thông thường họ sẽ làm việc tại các công ty chứng khoán hoặc tại các ngân hàng đầu tư. Công việc của họ là cập nhật các thông tin về thị trường và đưa các phân tích cá nhân của mình đến khách hàng. Sau đó, quyền lựa chọn đầu tư như thế nào sẽ hoàn toàn thuộc về khách hàng, những nhận định của nhà phân tích hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tầm ảnh hưởng của các nhà phân tích trên thị trường chứng khoán lại cao hơn thế rất nhiều. Điều này đến chủ yếu là vì thị trường tại đất nước đông dân nhất thế giới này có sự tham gia đa phần là của các cá nhân với số vốn nhỏ lẻ - những người chẳng có nhiều nhặn kinh nghiệm 'chơi chứng' và thường xuyên phải nghe ngóng “ý kiến chuyên gia” từ chính các nhà phân tích nói trên.
Để đưa ra được các "ý kiến chuyên gia" thì các nhà phân tích sẽ phải lăn lội đi tìm hiểu thông tin về từng mã chứng khoán, từng công ty niêm yết trên thị trường. Cách mà họ làm thường sẽ là lân la đến thăm công ty để lấy thông tin, hoặc thậm chí đôi khi là những cuộc nói chuyện trong bí mật với chính nhân viên trong công ty ấy để moi thông tin.
'Không cần quá nhiều kiến thức, quan trọng là có thông tin giá trị' - thực tế đã chỉ ra rằng ở những thị trường chứng khoán còn chưa hoàn thiện như Trung Quốc, cách này có giá trị hơn hẳn việc chỉ ngồi ở văn phòng, lên mạng tìm kiếm thông tin và sử dụng những mô hình tài chính cao siêu để phân tích.
Gần 90.000 dự đoán của hơn 2.000 nhà phân tích chứng minh quy luật này
George Yang, giáo sư tại Đại Học Trung Văn Hương Cảng và 3 vị đồng nghiệp của mình gần đây đã làm một cuộc nghiên cứu dựa trên gần 90.000 dự đoán được đưa ra bởi hơn 2.000 nhà phân tích tài chính tại Trung Quốc trong giai đoạn từ 2005-2014.
Công việc đầu tiên mà Giáo sư Yang là cho 63 người tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu xem ảnh chân dung của các nhà phân tích, sau đó chọn ra 5 người mà họ cho rằng là có vẻ ngoài thu hút nhất. Kết quả chọn xong sẽ được đem đi đối chiếu với các dự đoán đúng về thị trường chứng khoán mà các nhà phân tích này đã từng đưa ra.
Rút cục, một kết quả không bất ngờ đã được chứng minh: Vẻ bề ngoài của các nhà phân tích có mối liên hệ mạnh với tính chính xác trong các dự đoán của họ. Điều đó, hiểu đơn giản, có nghĩa là, càng có bề ngoài càng tươm tất thì các dự đoán, phân tích đưa ra sẽ càng chính xác hơn.
Để lý giải, Giáo sư Yang chỉ ra lý do là vì các nhà phân tích chứng khoán có vẻ ngoài ổn thỏa thì thường sẽ có thể thu thập thông tin, dù đó là những thông tin mật, nhạy cảm, từ các công ty niêm yết một cách dễ dàng hơn. So với các đồng nghiệp có vẻ ngoài không hấp dẫn, những nhà phân tích 'đẹp đẽ' cũng có nhiều khả năng được mời tham dự các sự kiện quan trọng hơn.
Từ đó, những người này thường có thể đưa ra những khuyến nghị chính xác hơn, ví dụ như mua hoặc bán cổ phiếu ở ngay thời điểm đầu quý mà công ty sẽ bị cảnh báo về thua lỗ hoặc sẽ ký một hợp đồng lớn chẳng hạn.
Về mặt con đường sự nghiệp, các nhà phân tích có vẻ ngoài hấp dẫn cũng thường có nhiều cơ hội hơn. Cụ thể, ở Trung Quốc, một nhà phân tích có vẻ ngoài ổn thỏa thì sẽ được các nhà đầu tư bình chọn là một “ngôi sao phân tích” (star analyst), điều sẽ giúp anh hoặc cô ấy có cơ hội đầu quân cho các công ty chứng khoán hàng đầu.
Cuối cùng, về phần các giám đốc công ty, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm các CEO tại Trung Quốc cũng ủng hộ việc cung cấp thông tin "ngoài luồng" cho các nhà phân tích có vẻ ngoài "đẹp đẽ" này. Thâm chí, có nhiều nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc và các nước phương Tây chỉ ra rằng điều này là có lợi cho chính các CEO ấy.
Họ hiểu được tầm ảnh hưởng của các nhà phân tích chứng khoán "đẹp đẽ" tại Trung Quốc, từ đó đã cố tính "đi sân sau" với những người này bằng cách cung cấp các thông tin mà nếu công bố thì rút cục, chính các CEO là những người thu được bộn tiền từ thị trường chứng khoán.
Ví dụ, chỉ có CEO công ty ABC là người biết rõ nhất việc công ty mình mình sắp dành được một hợp đồng mới. Từ đó, họ sẽ mua vào một lượng cổ phiểu ABC lớn, đồng thời "mồi" thông tin này cho các phân tích.
Các nhà phân tích loan thông tin này ra công chúng dưới dạng "ý kiến chuyên gia" và khiến mã ABC tăng giá nhờ được mua vào mạnh mẽ. Khi đó, chính CEO công ty ABC là người được lợi nhất.
Trí thức trẻ