Chơi với nhà đầu tư nước ngoài cần 'âm thầm và thực dụng hơn'
Các biện pháp tài khóa hỗ trợ nền kinh tế chỉ nên ở mức vừa phải và không quá ồ ạt như trước.Chỉ tiêu kiểm soát lạm phát tăng ở mức dưới 4% là thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.Xuất khẩu là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.
- 15-07-2020ASEAN vượt qua EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc
- 15-07-2020Mại dâm dưới góc nhìn kinh tế và luật pháp ở các quốc gia
- 15-07-2020Tư nhân khó “dấn thân” vào năng lượng tái tạo vì thiếu cơ chế
6 tháng đầu năm 2020 đi qua thật nặng nề. Bức tranh kinh tế thế giới đầy u ám được vẽ ra từ những dự báo tăng trưởng âm của các tổ chức kinh tế thế giới uy tín. IMF mới đây nhất đưa ra nhận định, năm 2020, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm 4,9% so với năm 2019, Covid-19 đặt ra quá nhiều thách thức mới
Với đặc thù một nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cà cơ hội và thách thức chưa thể lường trước. Gần đây nhất, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực để tăng trưởng GDP năm 2020 đạt từ 3-4%, lạm phát kiểm soát trong khoảng 4%. Mục tiêu tăng trưởng đã giảm một nửa so với con số Quốc hội thông qua là tăng trưởng 6,8% nhưng để đạt được con số mục tiêu trên cũng đã không hề đơn giản.
Để làm rõ hơn những cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM.
- Trong một dự báo mới đây, CIEM đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2020 là 2,1% và 2,6% đều là mức khá thấp so với mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Dựa trên cơ sở nào để CIEM đưa ra dự báo này, thưa ông?
- Ông Nguyễn Anh Dương: Xuất phát từ góc độ thế giới còn diễn biến rất phức tạp, kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo còn nhiều bất định.
Cùng với đó, theo CIEM, các biện pháp tài khoá từ Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế chỉ ở mức vừa phải, không nên quá ồ ạt như trước, thì mức độ tăng trưởng sẽ khó có thể cao được.
Việc sử dụng biện pháp tài khoá vừa phải sẽ tạo thêm áp lực cho cải cách môi trường kinh doanh, yêu cầu cơ quan quản lý phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp chia lửa trong điều hành vĩ mô, tạo động lực tăng trưởng. Và như vậy GDP rất khó tăng nhanh nhưng lại giữ được môi trường ổn định, giữ dư địa điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ về sau.
Chúng tôi cũng lưu ý rằng tăng trưởng năm nay có thể không quá cao nhưng sẽ làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững và chất lượng hơn trong những năm về sau.
- Chính phủ cũng đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4%, trong khi CIEM dự báo lạm phát bình quân ở 2 kịch bản lần lượt là 4,3% và 4,5%?
- Ông Nguyễn Anh Dương: Mục tiêu lạm phát năm 2020 dưới 4% theo tôi là thách thức lớn cho Chính phủ. Dù Chính phủ đã có những thông điệp về điều chỉnh giá điện hay điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào năm 2021, giúp giảm áp lực kỳ vọng lạm phát, cũng như mặt bằng giá trên thị trường - điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi.
Nhưng yêu cầu hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là quan trọng hơn cả, vì doanh nghiệp không duy trì được sự sống thì con đường phục hồi kinh tế còn gập ghềnh. Muốn tăng trưởng phải hỗ trợ doanh nghiệp và muốn hỗ trợ doanh nghiệp phải có ưu tiên từ chính sách, cải cách. Thiết nghĩ, trong bối cảnh ấy linh hoạt hơn trong điều hành lạm phát cũng là việc có thể làm được.
- Theo ông, đâu là điểm sáng cho bức tranh tăng trưởng GDP Việt Nam 6 tháng cuối năm?
- Ông Nguyễn Anh Dương: Xuất khẩu vẫn là điểm sáng. Nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu năm nay có thể tăng trưởng âm do ảnh hưởng thị trường bên ngoài, hay bối cảnh bảo hộ của các nước. Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có biện pháp thích nghi như chủ động tổ chức lại sản xuất, phối hợp với đối tác, tìm kiếm sản phẩm mới trong bối cảnh bình thường mới. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang làm khẩu trang y tế, cùng với đó Chính phủ đã dỡ lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này. Đó là biện pháp kịp thời của doanh nghiệp và Chính phủ để thích ứng với bối cảnh mới.
Dù nguồn cung cho xuất khẩu như trên không giúp đảo chiều con số xuất khẩu nhưng nó giúp bảo đảm hoạt động doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu - là điểm cần quan tâm hơn trong bối cảnh mới. Chúng ta có thể tin tưởng vào một bức tranh tăng trưởng tốt hơn cho 6 tháng cuối năm nhờ vào xuất khẩu.
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh và thay đổi cách làm cũng là yếu tố quan trọng góp phần cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020.
Muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguồn lực này cần được sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả hơn. Trách nhiệm ở đây không chỉ nhìn theo góc độ làm đúng quy trình là được mà phải có sự chủ động tháo gỡ khó khăn trong quy trình, phối hợp và tối đa hoá nguồn lực từ phía chủ đầu tư dự án.
Sự chủ động này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn gần đây khi Chính phủ và các Bộ ngành đưa thông điệp rất rõ ràng rằng sẽ điều chuyển vốn từ vùng giải ngân chậm sang chỗ cần vốn, dù đó chỉ là giải pháp kỹ thuật để tạo động lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
Việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho địa phương, thay đổi bộ mặt hạ tầng. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực đầu tư công nhiều nhưng ngày càng khan hiếm, nơi nào sử dụng hiệu quả nguồn lực này sẽ điểm sáng cho nơi khác học tập.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần có tư duy mới. Chúng ta rất thiếu khoa học trong thu hút FDI, có tâm lý kỳ thị nhà đầu tư nước ngoài lớn, doanh nghiệp trong nước không chủ động kết nối.
Trong giai đoạn mới, khi chơi với nhà đầu tư nước ngoài chúng ta cần xác định lối chơi âm thầm và thực dụng hơn. Kiên trì đàm phán, chậm 1 chút nhưng chắc và tìm nhà đầu tư chất lượng.
- Ông từng nói Chính phủ cần làm nhiều hơn. Cụ thể, “nhiều hơn” ở đây là gì?
- Ông Nguyễn Anh Dương: Nhiều hơn ở đây có 2 ý nghĩa. Thứ nhất là hiện nay những việc đã được liệt kê, có trong chương trình nhưng chưa làm hiệu quả như giải ngân đầu tư công, chuẩn bi cho EVFTA, rà soát hiệu quả thực hiện các FTA để có định hướng giai đoạn tới… thì cần được làm quyết liệt và hiệu quả hơn.
Thứ 2 là với những vấn đề mới, Chính phủ cần có cách ứng xử linh hoạt hơn. Chúng ta không thể chờ các nước thử nghiệm, có đầy đủ số liệu chứng minh cái này tốt cái kia không tốt rồi mới đi làm theo thì sẽ đánh mất cơ hội để Việt Nam vượt lên các nước.
Các cơ quan nhà nước hiện nay vẫn vận hành dựa vào chức năng nhiệm vụ mà không quan tâm tới ứng xử với những vấn đề mới. Không kiến tạo môi trường phù hợp cho những vấn đề mới thì khó tiếp cận cái mới. Doanh nghiệp cần sự chủ động của Chính phủ trong cho phép thử nghiệm, nghiên cứu, đối thoại, tháo gỡ trong những vấn đề mới. Đó mới là việc làm thực sự có ý nghĩa mà Chính phủ nên làm.
Nhà đầu tư