MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia phần quan trọng bậc nhất của siêu dự án 67,3 tỷ USD?

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đã làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn và doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng liên quan đến dự án trọng điểm này.

Các doanh nghiệp quốc gia được tham gia chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Sáng 13/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong phần trình bày ý kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng đối với đường sắt tốc độ cao, việc lựa chọn nhà thầu cần đảm bảo chất lượng cao, giá cả hợp lý và yêu cầu bắt buộc về chuyển giao công nghệ, nhằm tránh phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Ông Thắng cho biết, nếu có vay vốn thì chỉ nên chiếm tối đa 30% tổng mức đầu tư, khoảng 46.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,85 tỷ USD). Dự án sẽ chủ yếu sử dụng nguồn vốn trong nước; nếu cần vay vốn nước ngoài, chỉ nên lựa chọn các khoản vay có chi phí thấp hơn và không bị ràng buộc về cơ chế, giúp quá trình thi công tránh lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Bộ trưởng cũng đề cập rằng trước đây có nhiều ý kiến yêu cầu đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ GTVT đã thống nhất chỉ định một số doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng cùng với một số doanh nghiệp tư nhân lớn làm đầu mối tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào dự án.

Một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia phần quan trọng bậc nhất của siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ GTVT đã làm việc với Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thành Công,... để định hướng chiến lược và chuẩn bị nguồn lực cho các doanh nghiệp, đảm bảo khả năng tham gia vào phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng việc chuyển giao công nghệ lõi là “chưa cần thiết” do Việt Nam hiện chỉ có một tuyến đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, ông cho rằng việc làm chủ công nghệ thi công, sản xuất đầu máy, toa xe, bảo trì và sửa chữa là yếu tố then chốt, tránh phụ thuộc vào nước ngoài, giúp tiết kiệm chi phí.

Về quản lý và vận hành dự án, Bộ trưởng cho biết sẽ có hai doanh nghiệp độc lập, được tách từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một đơn vị phụ trách hạ tầng và một đơn vị phụ trách khai thác. Với kinh nghiệm hiện tại, việc vận hành sẽ không gặp nhiều khó khăn lớn.

Cần đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, con tàu cao tốc này như con rồng hiện thân, vươn lên để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, đại biểu cũng dẫn bài học kinh nghiệm của các tuyến đường sắt đô thị triển khai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa chậm tiến độ, vừa đội vốn, để nêu rõ, cần thực hiện việc nghiên cứu, chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao thật kỹ lưỡng để bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng.

Về nguồn lực, đại biểu cho rằng, không nên e ngại việc vay vốn nước ngoài. Các quỹ ngoại tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngày một tăng. Chúng ta có thể sử dụng thị trường trái phiếu Chính phủ để thu hút nguồn vốn nước ngoài, tập trung cho dự án này.

Về công nghệ, đại biểu cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải phải tập trung các chuyên gia để quyết định chọn công nghệ nào cho phù hợp, trong đó, cần đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam trong việc nắm bắt, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ.

 Theo đại biểu, người Việt Nam rất thông minh, trí tuệ, có thừa khả năng làm chủ công nghệ. Việc cần làm là tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngay từ đầu vào dự án này.

Một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia phần quan trọng bậc nhất của siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình với việc triển khai dự án, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị nhân lực cho quản lý, vận hành dự án và quá trình chuyển giao công nghệ.

"Đây là dự án vô cùng lớn! Tôi ủng hộ việc Chính phủ đã trình Quốc hội 19 chính sách đặc thù để triển khai dự án. Bộ Giao thông Vận tải xem có cần thêm chính sách đặc thù nào nữa không để hỗ trợ thực hiện dự án thuận lợi nhất", đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì đề nghị nghị quyết về dự án này phải yêu cầu rõ ràng việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

“Bí quyết là chúng ta đã làm chủ công nghệ, chúng ta là nhà đầu tư, là nhà thầu. Chúng ta không quan trọng là công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta, thì mới đảm bảo thời gian hoàn thành và chúng ta sẽ trở thành ngành sản xuất. Nếu tiếp tục mua dự án, sau khi hoàn thành sẽ lệ thuộc vào thiết bị, quá trình vận hành, sửa chữa. Như vậy, trở thành món nợ cho tất cả giai đoạn sau”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia phần quan trọng bậc nhất của siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào thị phần đường sắt. Theo tính toán, thị phần đường sắt của Việt Nam khoảng 150 tỷ đô la Mỹ, có đủ khả năng chuyển giao công nghệ, do đó đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội quy định theo hướng: đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư, từ đó sẽ làm chủ trong việc đầu tư hệ thống đường sắt khác mà không cần mua sản phẩm sẵn có. 

“Mua sản phẩm sẵn có rẻ hơn, chuyển giao công nghệ đắt hơn, nhưng đắt một lần, sẽ mãi bền vững về sau”, ông Cường nhấn mạnh.

Bày tỏ ý kiến về chuyển giao công nghệ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng cần đánh giá khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp không được nước ngoài chuyển giao công nghệ cần làm rõ giải pháp thay thế cũng như khả năng tự chủ nội địa hoá công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam. 

Một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia phần quan trọng bậc nhất của siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 4.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, từng bước làm chủ đông nghệ đường sắt, làm chủ nguyên vật liệu và các điều kiện đảm bảo khác trong quá trình xây dựng và quá trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng.


Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên