MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn cô ca sĩ 27 tuổi làm người phát ngôn cho G20, Indonesia gây ra một làn sóng tranh cãi

19-04-2022 - 12:47 PM | Tài chính quốc tế

Chọn cô ca sĩ 27 tuổi làm người phát ngôn cho G20, Indonesia gây ra một làn sóng tranh cãi

Indonesia vừa khiến thế giới kinh ngạc khi lựa chọn một cô ca sĩ 27 tuổi, hoàn toàn không có kinh nghiệm ngoại giao, làm người phát ngôn của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong vai trò nước chủ tịch luân phiên G20, Indonesia vừa có một động thái "vô tiền khoáng hậu" khi bổ nhiệm một gương mặt trẻ vào một vị trí quan trọng. Các nhà phân tích cho rằng động thái này của Jakarta nhằm nỗ lực kết nối với nhóm dân số trẻ, những người vốn đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao cùng với chi phí hàng ngày gia tăng.

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên sự tranh cãi. Ayunda Faza Maudya, ca sĩ kiêm diễn viên 27 tuổi được biết tới nhiều hơn với cái tên Maudy Ayunda, đã được chỉ định làm người phát ngôn cho nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia. Những ý kiến trái chiều này càng làm khó thêm vai trò chủ nhà của Indonesia khi nước này vốn đã phải chật vật để cân bằng nhóm khi Nga và phương Tây mâu thuẫn sâu sắc xung quanh vấn đề Ukraine.

Hiện tại, Nga vẫn được mới tới dự cuộc họp của G20 ở Washington trong tuần này bất chấp nhiều bên đe dọa tẩy chay.

Wasisto Raharjo Jati, một nhà nghiên cứu chính trị tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia, cho biết: "Những chọn lựa mang tính biểu tượng này là một phần trong nỗ lực xoa dịu những lời chỉ trích từ giới trẻ về các vấn đề quan trọng của Indonesia, chẳng hạn như việc làm và dịch vụ công. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của chính phủ có vẻ hướng tới những thanh niên thành thị, những người thuộc thế hệ Thế hệ Millennials, vốn phù hợp với lý tưởng họ muốn quảng bá. Trong khi đó, phần lớn những người có thu nhập trung bình đến thấp và người sống ở các vùng nông nông thông bị gạt ra".

Thanh niên Indonesia có nguy cơ thất nghiệp cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình 6,5% của quốc gia này. Bất chấp các chương trình đào tạo việc làm và học bổng dành cho giáo dục đại học, 1/5 số họ không đi làm cũng chẳng đi học. Đó là những dấu hiệu không tốt cho mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao của Indonesia trong năm 2045.

Trở lại với Ayunda, cô ca sĩ trẻ đã đảm nhận vai trò này từ 31/3. Trong cuộc họp báo đầu tiên, Ayunda đã phớt lờ những câu hỏi liên quan tới nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Là một phần của nhóm phát ngôn viên, vai trò của cô là báo cáo kết quả cuộc họp G20 có liên quan đến Indonesia trong khi các vấn đề nhạy cảm sẽ do đại diện khác xử lý, Ayunda phản hồi câu hỏi của Bloomberg.

Irfan Wahyudi, phó chủ nhiệm khoa khoa học xã hội và chính trị của Đại học Airlangga, nói rằng Ayunda được bổ nhiệm nhằm "làm gương" cho giới trẻ Indonesia. Tuy nhiên, đối với G20, quốc gia này cần một đại diện có thể thay mặt mình để nói về các vấn đề toàn cầu.

"Trong trường hợp này, sử dụng người trẻ sẽ được coi là một chiêu thức PR chứ không phải thực hiện chức năng chiến lược", ông Wahyudi nói.

Tuy nhiên, trao cơ hội cho người trẻ lại không phải điều gì lạ lẫm ở Indonesia. Năm 2019, Tổng thống Joko Widodo đã bổ nhiệm 7 nhân viên trẻ tuổi để cố vấn cho mình. Nhóm này bao gồm nhiều gương mặt tên tuổi với khoản lương 3.550 USD/tháng, gấp 25 lần so với thu nhập trung bình của thanh niên nước này.

https://cafef.vn/chon-co-ca-si-27-tuoi-lam-nguoi-phat-ngon-cho-g20-indonesia-gay-ra-mot-lan-song-tranh-cai-20220419115927955.chn

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên