MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn cổ phiếu dệt may cho năm 2022

Chọn cổ phiếu dệt may cho năm 2022

Năm 2022, ngành dệt may được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhà đầu tư sẽ ít nhiều băn khoăn khi lựa chọn cổ phiếu dệt may cho năm 2022 khi giá một số cổ phiếu dệt may như MSH, TCM, TNG đang ở vùng đỉnh nhiều năm.

Cổ phiếu dệt may có chuỗi hoạt động sản xuất khép kín, dòng tiền tự do mạnh có nhiều tiềm lực phát triển bất động sản sẽ có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất cho nhà đầu tư. 

Với mức giá hiện tại, TCM đang có định giá cao nhất ở P/E trên 25 lần và P/B 2,9 lần. Nhà đầu tư cũng đang định giá SGI tương đối thấp so với trung bình ngành khi SGI có P/E forward 7,1 lần, P/B forward 1.0 lần.

Chọn cổ phiếu dệt may cho năm 2022 - Ảnh 1.

Công ty dệt may mở rộng chuỗi giá trị sản xuất

Khi chuỗi giá trị được mở rộng, công ty dệt may sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng.

Việt Tiến (VGG) là công ty có chuỗi giá trị mở rộng phát triển bán lẻ với thương hiệu riêng và dải sản phẩm rộng. Việt Tiến cũng hợp tác đầu tư vào các công ty cung cấp thiết bị máy móc ngành may, công ty vận chuyển hay đầu tư các công ty liên doanh sản xuất nút và nhãn.

TNG sản xuất dệt may cho các khách hàng Decathlon, TCP, Adidas. TNG đầu tư xây dựng nhà máy bao bì, xưởng in và nhà máy bông từ năm 2016 để sản xuất bông tấm, bông chần cũng như sản xuất bao bì từ giấy và nilon bổ trợ cho các sản phẩm dệt may.

May Thành Công sản xuất khép kín từ sợi, đan, nhuộm, may và hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng tập đoàn E-Land của Hàn Quốc, cổ đông lớn nhất của công ty và Eddie Bauer, một hãng bán lẻ lớn ở Mỹ.

Về phía May Sài Gòn 3, công ty có quy mô sản xuất 3,000 công nhân tại 4 nhà máy ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. May Sài Gòn 3 đang sản xuất may FOB cho Uniqlo và Express, 2 hãng thời trang lớn trên thế giới. SGI cũng đầu tư nhà máy SG3 Jean từ 2019 tập trung hoạt động giặt thời trang.

Nhìn chung các công ty có chuỗi giá trị mở rộng đều có biên lợi nhuận cao hơn các công ty chỉ đơn thuần sản xuất dệt may. Trong đó, mảng sợi, dệt tương đối phổ biến còn giặt thời trang là lĩnh vực ít công ty có năng lực quản trị và nền tảng tài chính để triển khai.

Chất lượng lợi nhuận khi xem xét lợi nhuận đầu tư tài chính

Hoạt động đầu tư tài chính ở các công ty dệt may Việt Nam tương đối hạn chế, chủ yếu là gửi tiền ngân hàng, mua trái phiếu, ít công ty có năng lực đầu tư tài chính mạnh như SGI.

Công ty Chứng khoán Thành Công (TCI) được thành lập từ năm 2008 bởi các cổ đông chính là May Thành Công và Eland. Năm 2018 khi May Thành Công thoái vốn khỏi TCI do mảng này kém hiệu quả, TCI đang có lỗ lũy kế khoảng 20 tỷ. Sau khi SGI tiếp quản, Công ty Chứng khoán Thành Công đã có lãi trở lại và hết lỗ lũy kế. Từ năm 2018 đến nay, vốn điều lệ của TCI tăng 3 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 12 lần. Mảng đầu tư tài chính cũng đã mang lại nhiều khoản đầu tư chiến lược để mở rộng hoạt động cho SGI như BBT, PAC. Trong năm 2021 TCI có lợi nhuận tích cực dự kiến LNST đạt 200 tỷ.

Tại giá hiện tại, vốn hóa của TCI đạt 1,900 tỷ bằng 90% vốn hóa 2,100 tỷ của SGI .

Công ty dệt may lấn sân phát triển bất động sản

Chọn cổ phiếu dệt may cho năm 2022 - Ảnh 2.

Trong bối cảnh sản xuất dệt may tạm thời chậm lại do dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may có kế hoạch phát triển dự án bất động sản để bù đắp phần lợi nhuận bị giảm sút.

Đối với SGI, bên cạnh tòa nhà văn phòng cho thuê tại Nguyễn Văn Thủ, Quận 1, Sài Gòn 3 Group cũng tích lũy được quỹ đất diện tích gần 60,000m2 tại các quận trung tâm TPHCM như Thủ Đức, Gò Vấp.

May Thành Công quyết định phát triển dự án TC Tower 1 từ năm 2015 tại 37 Tây Thạnh, Tân Phú với diện tích gần 10,000m2; trong năm 2021, May Thành Công sẽ hợp tác với đối tác để hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án này. Ngoài ra, từ nhiều năm trước TCM cũng có kế hoạch triển khai các dự án TC2, TC3 và Khu du lịch biển ở Phan Thiết.

GIL và TNG cũng bắt đầu phát triển Bất động sản Khu công nghiệp. GIL dự kiến xây dựng khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế với quy mô 460.8 ha và tổng vốn đầu tư 2,614 tỷ đồng. TNG cũng có kế hoạch phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm, Thái Nguyên tổng diện tích 70 ha.

Lãnh đạo nắm giữ cổ phiếu

Chọn cổ phiếu dệt may cho năm 2022 - Ảnh 3.

Ban lãnh đạo nắm giữ cổ phiếu cho thấy cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, khi đó, nhà đầu tư và cổ đông của công ty cũng an tâm nắm giữ cổ phiếu dài hạn vì lợi ích của cổ đông luôn song hành với lợi ích của Ban lãnh đạo.

Các công ty dệt may đang có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của Ban lãnh đạo cao nhất là SGI, MSH và TNG. Trong đó Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SGI đang nắm giữ 20% cổ phiếu của SGI. Ngoài ra, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành và người có liên quan cũng đang nắm giữ đến 35% cổ phiếu công ty này.

Với tiềm năng lớn từ ngành dệt may cũng như đầu tư tài chính và quỹ đất, SGI là doanh nghiệp có nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên