Chọn cổ phiếu phòng thủ hay đầu tư phòng thủ cho nửa cuối năm 2022?
Xét về chiến lược đầu tư phòng thủ mà nhiều người hướng đến trong giai đoạn trồi sụt này, bà Trần Khánh Hiền chỉ ra rằng, khái niệm cổ phiếu phòng thủ và chiến lược đầu tư phòng thủ vô cùng khác nhau. Theo bà, chiến lược đầu tư phòng thủ quan trọng hơn vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đầu tư vào các cổ phiếu ngành phòng thủ do tỷ lệ thanh khoản trên thị trường khá thấp, khó mua bán.
Chia sẻ trong buổi Toạ đàm "Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDIRECT bày tỏ quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo vị nữ chuyên gia này, mặc dù bức tranh toàn cảnh có nhiều khó khăn, song đâu đó còn một vài điểm sáng là việc nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại tham gia thị trường, tiềm năng khi thị trường còn có thể được đưa vào MSCI sớm hơn.
Xét về định giá thị trường hiện tại, thay vì sử dụng góc nhìn của phương pháp P/E, bà Hiền đi theo hướng đảo ngược bằng phương pháp tính tỷ lệ sinh lời của thị trường chia cho định giá hiện tại. "Khi môi trường vĩ mô đang có sự thay đổi, rủi ro về lạm phát, lo ngại về việc các nền kinh tế lớn trên thế giới thắt chặt lại chính sách tiền tệ, cũng như rủi ro về lãi suất tăng lên,... thì chúng ta cần thay đổi góc nhìn về định giá thị trường", bà Hiền cho hay.
Cụ thể, với giả định P/E của thị trường đang là 30 lần, nghĩa là lợi suất của thị trường sẽ rơi vào khoảng 7,7%. Điều này có ý nghĩa nhà đầu tư khi lựa chọn thị trường chứng khoán thì họ có thể mang về lợi nhuận 7,7% một năm. Như vậy, so với mức lãi suất tiền gửi hiện nay là 6% thì khoảng cách (GAP) giữa thị trường chứng khoán và lãi suất tiền gửi đang nới rộng ra.
Bà Hiền điểm lại trong quá khứ, vào tháng 3-4/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức giảm điểm xuống khoảng gần 600 điểm. Trong bối cảnh lợi nhuận của các công ty niêm yết vẫn được duy trì, nhưng các nhà đầu tư lại phản ứng quá tiêu cực tại thời điểm đó, tỷ suất sinh lời đã được đẩy lên đến 9-10%. Nếu so với lãi suất tiền gửi thời điểm đó khoảng 8% với kỳ hạn 12 tháng thì khoảng cách lên tới 2%. Tuy nhiên dòng tiền sau đó cũng nhanh chóng trở lại thị trường giúp VN-Index tăng điểm trở lại.
"Khi dòng tiền vào thị trường yếu, thì những dòng tiền còn ở lại thị trường chính là "tiền tươi thóc thật", ít có sử dụng đòn bẩy và câu hỏi đặt ra là phải làm gì trên thị trường này?".
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDIRECT
Xét về chiến lược đầu tư phòng thủ mà nhiều người hướng đến trong giai đoạn trồi sụt này, vị giám đốc cũng chỉ ra rằng, khái niệm cổ phiếu phòng thủ và chiến lược đầu tư phòng thủ vô cùng khác nhau.
Cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh ít chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế thủ, có khả năng giảm bớt rủi ro so với các cổ phiếu thông thường như ngành điện - nước, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, y tế và bảo hiểm. Tuy nhiên, không phải cứ doanh nghiệp thuộc những ngành trên sẽ được lựa chọn là cổ phiếu để đầu tư phòng thủ, mà điều bắt buộc các doanh nghiệp đó phải có mô hình kinh doanh ổn định, có tỷ lệ thâm dụng vốn thấp và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp.
"Theo tôi chiến lược đầu tư phòng thủ quan trọng hơn, vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đầu tư vào các cổ phiếu ngành dược, ngành bảo hiểm do những nhóm này có tỷ lệ thanh khoản trên thị trường khá thấp, khó mua bán. Hai nhóm cổ phiếu có khả năng phòng thủ tốt trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể là dầu khí và điện". bà Hiền chia sẻ.
Năm chủ điểm đầu tư nửa cuối năm 2022
Trong báo cáo chiến lược gần đây của đội ngũ phân tích Chứng khoán VNDIRECT, triển vọng các nhóm ngành trong 6 tháng cuối năm được đưa ra với 5 chủ điểm đầu tư.
Thứ nhất, nhóm ngành dịch vụ kỳ vọng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm 2022 từ mức nền thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 nhờ các yếu tố như tầng lớp trung lưu gồm những người ít bị tác động bởi áp lực lạm phát ngày càng tăng. Cùng với đó là sự trở lại của ngành du lịch cả ở trong nước và ngoài nước và thuế VAT giảm xuống 8%. Do đó, VNDIRECT kỳ vọng GDP của lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng 8,3% so với cùng kỳ trong nửa sau năm 2022.
Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành. Khi Việt Nam mở cửa trở lại ngành du lịch từ giữa tháng 3 năm 2022, nhu cầu liên quan đến du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Vì vậy, VNDIRECT đánh giá cao các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và giải trí trong nửa sau năm 2022 và cả năm 2023. Mặt khác, hàng tiêu dùng không thiết yếu và bán lẻ có triển vọng kém tích cực hơn một chút do tác động của áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng tới. Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm, những nhóm ngành liên quan đến dịch vụ, du lịch, hàng không sẽ là những nhóm ngành có mức tăng trưởng tốt so với những nhóm ngành dịch vụ khác.
Thứ hai, theo nhận định, các công ty bảo hiểm sẽ cải thiện lợi suất đầu tư trong bối cảnh cả lợi suất TPCP và lãi suất huy động đều tăng. Từ đó, các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt ròng và các doanh nghiệp có tỷ lệ tiền mặt ròng cao (bao gồm tiền mặt cộng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn và dài hạn) có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất tăng và thậm chí được hưởng lợi từ lãi tiền gửi tăng.
Riêng đối với nhóm ngân hàng, trong ngắn hạn sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ triển khai gói bù lãi suất với tổng giá trị 43.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 khi có điều kiện để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và giảm bớt việc phải cắt giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như giai đoạn 2020-2021 vừa qua. Về dài hạn, VNDIRECT tin rằng lãi suất cho vay tăng sẽ bù đắp cho lãi suất huy động tăng và giúp ngành ngân hàng cải thiện hệ số NIM và khả năng sinh lời.
Thứ ba, liên quan đến giá cả hàng hóa cơ bản. Hầu hết tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản sắt, thép, phân bón, thực phẩm đều có đà tăng mạnh. Tuy nhiên tại thời điểm này, có một vài dấu hiệu đà tăng của các mặt hàng hóa nguyên vật liệu cơ bản sẽ có sự phân hóa, một số có xu hướng đảo đỉnh và hạ nhiệt.
Trong trường hợp giá dầu giảm, do tương quan cao với diễn biến giá dầu Brent, diễn biến giá cổ phiếu nhóm dầu khí sẽ lập tức bị tác động. Những doanh nghiệp hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên trong khi một số nhà cung cấp thượng nguồn sẽ bị ảnh hưởng sau do có độ trễ lớn hơn. Giá thép giảm sẽ gây áp lực lớn lên các công ty thép, đặc biệt là các công ty sản xuất thép quy mô nhỏ hoặc các công ty kinh doanh thép. Giá cao su tự nhiên sẽ giảm nếu giá dầu Brent điều chỉnh, từ đó ảnh hưởng đến các công ty niêm yết có sản lượng xuất khẩu lớn. Trong khi đó, diễn biến giá và khối lượng xuất khẩu cá tra và tôm có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn nửa đầu năm, kéo theo thu hẹp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.
Mặt khác, giá dầu giảm lại tác động tích cực lên các ngành mà chi phí năng lượng chiếm tỷ trọng lớn như nhiệt điện khí, phân bón, hàng không. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất khác sử dụng sản phẩm hóa dầu làm đầu vào (sản xuất nhựa, sợi) cũng có thể được hưởng lợi tích cực nhờ giá dầu giảm do giá nguyên liệu đầu vào của họ thường biến động cùng chiều với giá dầu. Một số ngành khác sẽ được hưởng lợi khi một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất thực phẩm như ngô, đường, sữa bột đang có xu hướng tạo đỉnh, vì thế trong nửa sau 2022, nhóm thực phẩm sản xuất sữa sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn so với thị trường chung. Giá cao su giảm cũng giúp các doanh nghiệp săm lốp được hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm (hiện vốn đóng góp 60-75% giá vốn hàng bán của sản phẩm săm lốp). Giá thép giảm, nhu cầu xây dựng ở cả dân dụng và cơ sở hạ tầng sẽ phục hồi mạnh, từ đó trở lại cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty xây dựng.
Thứ tư, đầu tư công trong nửa đầu năm 2022 đang chậm lại bởi vì ảnh hưởng của việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến vật liệu xây dựng. Trong bối cảnh sắt, thép một số vật liệu xây dựng có xu hướng tạo đỉnh, cộng với đó là việc Chính phủ có nỗ lực thúc đẩy dự án liên quan đến đầu tư công, các doanh nghiệp liên quan có thể là điểm sáng quay trở lại "sân khấu" vào quý 4/2022.
Trong cả năm 2022, VNDIRECT duy trì dự báo vốn đầu tư công thực hiện tăng 20- 30% so với thực hiện thực tế năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 sẽ cao hơn nửa đầu năm nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Từ đó, các công ty xây lắp hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Thứ năm là câu chuyện dài hơi hơn liên quan đến phát triển hạ tầng năng lượng. Ngành năng lượng Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ với việc Chính phủ ưu tiên duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế vĩ mô và tính bền vững của môi trường. VNDIRECT tin rằng các cổ phiếu ngành điện và các nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ có cơ hội tăng trưởng vượt trội trong một vài năm tới. Một loạt siêu dự án, bao gồm chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn trị giá 10 tỷ USD và chuỗi giá trị liên quan đến điện khí LNG đã được công bố gần đây, trở thành phân khúc hứa hẹn nhất trong những năm sắp tới.
Cổ phiếu có mức độ liên quan đến năng lượng tái tạo ngày càng tăng và sự gia tăng đáng kể của dòng vốn ESG vào các thị trường mới nổi trong khu vực. VNDIRECT ưu tiên các công ty có các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai được hưởng lợi từ mức thuế quan hấp dẫn và các công ty hưởng lợi từ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.