MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn đối tượng để lan tỏa hiệu ứng gói cấp bù lãi suất

29-09-2021 - 10:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều chuyên gia đã cùng đề xuất xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (ảnh: Hải Ninh)

Nhiều chuyên gia đã cùng đề xuất xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (ảnh: Hải Ninh)

Theo ông Mạc Quốc Anh, quy mô gói cấp bù lãi suất trị giá 3.000 tỷ đồng là không lớn, nên cần chú trọng vào các đối tượng doanh nghiệp đang phục hồi tốt, để họ kéo các doanh nghiệp khác đi lên.

Phù hợp với thực tế

Theo thông tin từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đang lên kế hoạch để cho vay ra thị trường theo gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã làm điêu đứng cả nền kinh tế, vì vậy, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng đồng loạt kiến nghị giảm mạnh lãi suất cho vay. Điển hình như ông Mạc Quốc Anh đã thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (DNNVV) gửi kiến nghị 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lên các cơ quan chức năng, trong đó đề nghị giảm lãi vay từ 3-5%/năm cho các DNNVV.

Hay Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề nghị giảm lãi suất 2%/năm cho mọi khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp trong ít nhất một năm, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho các khoản vay mới thêm từ 1,5-2%/năm.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn phản ánh rằng, những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn ngân hàng kỳ hạn 6 tháng, với lãi suất ở mức 7,5%/năm. Tuy nhiên, 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. Với kỳ hạn dài, lãi suất năm đầu từ 8%-8,5%, sau đó cộng biên độ từ 4%-4,3%. Như vậy, nếu không có những quyết sách kịp thời gánh đỡ cùng doanh nghiệp trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng bên bờ vực phá sản, kéo theo nợ xấu của các ngân hàng tăng cao.

Trước đó, TS.Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế đã từng đề xuất ý tưởng cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước. “Đây không phải là câu chuyện mới mà năm 2009, Việt Nam đã dùng 1 tỷ USD để bù lãi suất và tổng dư nợ được bù là gần 400 tỷ đồng. Khi đó, mức tín dụng thấp hơn hiện nay rất nhiều, nhưng cuộc bù lãi suất đó nhìn chung là chưa thành công và thiếu hiệu quả, làm dềnh lên bất ổn vĩ môđầu cơ,... cho nên hiện nay, đặt ra bài toán lãi suất phải cân đong đo đếm. Nhưng việc đề cập đến câu chuyện năm 2009, không phải để phản đối mà để có sự thận trọng hơn”, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.

Cùng quan điểm đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cũng nêu bật các ưu, nhược điểm của việc cấp bù lãi suất trong bối cảnh hiện nay. Theo PGS, Chính phủ vẫn nên xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN và các cơ quan chức năng để triển khai. Như vậy, với số vốn ngân sách bỏ ra rất nhỏ, giả sử lãi suất cho vay dao động trong khoảng 10-12%, nhưng nếu giảm xuống 5-6% thì Nhà nước cũng chỉ phải bù 5-6% còn lại, mà cung cấp được một lượng tín dụng gấp hàng trăm lần đổ vào các lĩnh vực Nhà nước mong muốn, thì đó là điều rất tốt.

Nâng cao hiệu quả chính sách

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, có những doanh nghiệp vượt khó thành công và có những doanh nghiệp đã thất bại. Với chủ trương tung ra gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỷ đồng của NHNN, cần làm rõ về cơ chế như: dành riêng cho nhóm ngành doanh nghiệp cụ thể, hay tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng. Ngoài ra, chỉ cấp cho các đối tượng doanh nghiệp đang khó khăn cần phục hồi, hay cấp cho đối tượng đang có đà phục hồi tốt, bù thêm vốn cho họ phát triển và kéo các doanh nghiệp khác đi lên?

Chọn đối tượng để lan tỏa hiệu ứng gói cấp bù lãi suất - Ảnh 1.

Việc cấp bù lãi suất nên phân theo nhóm doanh nghiệp được hưởng, chú trọng vào các đối tượng đang phục hồi tốt, để họ kéo các doanh nghiệp khác đi lên (ảnh minh hoạ)

Như vậy, trước mắt phải làm rõ vấn đề này. Còn xét về quy mô, số lượng cấp bù, thì bản thân các ngân hàng và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải cân đối khoản ngân sách. Dĩ nhiên quy mô kinh tế của mình lớn, doanh nghiệp mong muốn số tiền được hỗ trợ nhiều hơn, nhưng phải căn cứ tình hình thực tiễn về mặt ngân sách, để không mất cân đối tài khóa, thu chi và kinh tế vĩ mô.

Theo tôi, số tiền 3.000 tỷ đồng là không lớn, vì vậy, nên phân theo nhóm doanh nghiệp được hưởng, chú trọng vào các đối tượng đang phục hồi tốt, để họ kéo các doanh nghiệp khác đi lên, còn nếu chỉ bơm vào những doanh nghiệp yếu, có khả năng phục hồi kém thì e rằng sẽ ít hiệu quả hơn”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Để điều hành chính sách cấp bù lãi suất hiệu quả, tránh được các bất lợi có thể gây ra, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã nêu 4 giải pháp như sau:

Thứ nhất, phải phân loại các ngành nghề lĩnh vực được ưu tiên, tránh tình trạng nhập nhèm, mất cân đối, khiến dòng tiền đi không đúng hướng.

Thứ hai, phải kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục các ngân hàng cho vay. Như vậy, phải hình thành một cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm với những người thực hiện.

Thứ ba, với cơ quan quản lý chung của Nhà nước, thì phải có cái nhìn tổng thể, tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, lượng vốn phù hợp, tất nhiên cấp bù lãi suất sẽ ít nhiều tác động đến giá trị đồng tiền và lạm phát, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thứ tư, điều quan trọng nhất đó là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay trên các phương tiện thông tin, để các bên đều có thể truy cập thông tin, dữ liệu, phản ánh các quy định giúp cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng, các chính sách về tín dụng và lãi suất này cần áp dụng cho tất cả doanh nghiệp trong mọi ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chứ không áp dụng riêng cho nhóm doanh nghiệp nào. Việc kéo dài gói hỗ trợ này trong bao lâu cũng cần được tính toán.

Đồng thời, khâu tiếp cận khách nên hàng theo hướng cởi mở hơn, thay vì đưa ra các quy chuẩn như: không được có nợ xấu, phải đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, phải có tài sản đảm bảo,...

Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, từ những kinh nghiệm trước đây, trong thời gian tới khi xây dựng cơ chế chính sách, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tính toán đến các mục tiêu, nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên