Chọn nghề, chọn nghiệp cũng giống như chọn chứng khoán đầu tư: Muốn sinh lời dài hạn, phải học quy tắc đầu tư của Warren Buffet
Phong cách đầu tư chính của Buffett luôn là "mua và nắm giữ dài hạn". Điều ông quan tâm nhất không phải khả năng sinh lời ngắn hạn, mà là khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn của công ty.
- 21-04-2022Sao Việt có cơ ngơi khủng: Lý Nhã Kỳ ở lâu đài dát vàng, 1 nghệ sĩ sở hữu nhà 100 tỷ đồng nhưng sốc nhất sao nữ tiết lộ cổng nhà giá 3 tỷ đồng!
- 21-04-2022Đổ đèo Hải Vân bất ngờ bắt gặp "thác mây" chảy xuống, khoảnh khắc đẹp mê hồn
- 21-04-2022'Hot mom' Hằng 'túi' nhận Porsche 718 Cayman màu hồng đầu tiên tại Việt Nam
01. Con "hào" nơi làm việc
"Lý thuyết con hào" do Warren Buffett đề xuất.
Phong cách đầu tư chính của Buffett luôn là "mua và nắm giữ dài hạn". Điều ông quan tâm nhất không phải khả năng sinh lời ngắn hạn, mà là khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn của công ty. Đây chính là "con hào" của Buffett.
"Con hào" tiêu biểu nhất chính là công ty Coca-Cola mà ông đầu tư vào, thể hiện rõ nét qua một câu nói cửa miệng của ban lãnh đạo công ty: "Ngay cả khi thiêu rụi tất cả các nhà máy sản xuất, chỉ cần đó là thương hiệu của Coca-Cola, doanh nghiệp vẫn có thể nhanh chóng xây dựng và phát triển trở lại ".
Lý thuyết con hào của Warren Buffet là cách tốt nhất để tránh rủi ro khó dự báo trước trong cuộc chiến thương mại đầy ác liệt.
Ngoài việc xây dựng thương hiệu, các "hào" của doanh nghiệp còn bao gồm công nghệ được cấp bằng sáng chế, quyền nhượng quyền thương mại, lợi thế cửa hàng, hiệu ứng mạng, tài nguyên độc quyền, thị trường ngách, v.v.
Dùng cách nói thông dụng ngày nay, thì "hào" chính là theo đuổi việc "nằm cũng thắng", dùng thế độc quyền phân khúc thị trường, để tránh sự cạnh tranh kinh doanh gay gắt.
Nhìn từ góc độ này, phát triển sự nghiệp cũng có "hào".
Cùng một mức lương cao, tại sao một số người lại phải chịu áp lực công việc rất lớn, trong khi những người khác lại vẫn thấy ổn? Cũng gặp phải tình trạng sa thải nhân viên, tại sao có người vui vẻ nhận mấy tháng "trợ cấp thôi việc" để tìm "bến đỗ" tiếp theo, có người lại bi quan cảm thấy cuộc sống như bế tắc?
Trình độ năng lực quyết định mức lương của bạn, nhưng bạn có thể cầm chắc và giữ được lâu hay không còn phụ thuộc vào việc những năng lực này có thể tạo thành "hào bảo vệ" của bạn hay không. Những năng lực này liệu có giúp bạn hoàn thành công việc với ít nỗ lực hơn người khác, có giúp bạn nổi trội so với người khác hay không, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của bạn sau này.
Nếu khả năng là mũi giáo của sự nghiệp, thì hào là lá chắn của sự nghiệp. Kiến trúc, y tế, kế toán, luật sư đều là những nghề có con hào mạnh.
Nhưng nghề nghiệp chỉ là một trong những loại "hào nơi làm việc" mà thôi, bạn có muốn biết thêm những loại hào khác không?
Trước tiên, chúng ta hãy nói về năng lực nào không được xét là "hào".
02. Năng lực nào không phải là "hào"
Một "hào nơi làm việc" thường đáp ứng hai đặc điểm sau:
Đầu tiên, nó là duy nhất và không thể bị bắt chước hay vượt qua bởi các đồng nghiệp khác.
Bất cứ thứ gì có được nhờ làm việc chăm chỉ không phải là hào.
Bạn có thể làm được thì người khác cũng có thể làm được. Bạn làm được việc đó trước không có nghĩa là người khác sẽ không làm được việc đó.
Vậy trình độ chuyên môn và năng lực cá nhân có phải là "hào" không? Điều này cần được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
Trong ngành IT, hầu hết các chuyên ngành đều được cập nhật rất nhanh, nên không được coi là "hào", nhưng tư duy logic cốt lõi không thay đổi của ngành thì được tính là một "hào".
Ngay cả trong nghề luật sư với "hào" rộng lớn, thì việc thuộc làu các điều luật vẫn chưa thể tính là "hào". Nhưng việc luật sư am hiểu luật, phán đoán xác suất thắng kiện, nắm bắt tâm lý thẩm phán, tỷ lệ thắng tương đối ổn định thì kinh nghiệm tích lũy theo thời gian của vị luật sư ấy sẽ được tính là "hào".
Thứ hai, nó bền vững, có thể được sử dụng liên tục, và có thể được đào sâu, củng cố không ngừng.
Do đó, những kinh nghiệm và mẹo nhỏ mà nhiều người quan tâm để cải thiện hiệu quả công việc không được tính; những người dựa vào nguồn lực của công ty để có được khách hàng và doanh nghiệp thì cũng không tính.
Vì đặc thù công việc, các nhà báo thường gặp gỡ và quen biết rất nhiều người. Điều này khiến họ thường có ảo tưởng về việc mình có rất nhiều các mối quan hệ, mà thực tế thứ người khác quan tâm là kênh media đứng đằng sau lưng những người này. Một khi các nhà báo đó rời đi, tôi tin sẽ không còn nhiều người quan tâm đến họ nữa.
Những người trong các công ty lớn thường có thể thực hiện các vụ làm ăn lớn bằng các nguồn lực của công ty. Điều này cũng khiến họ có ảo tưởng rằng các phi vụ ấy có được là do năng lực của họ, cho đến khi họ rời công ty và nhận ra rằng mình chỉ là một phần trong các nguồn lực của công ty.
Bạn thấy đấy, hầu hết những thứ có thể mang lại cho bạn lợi ích trước mắt và ngắn hạn ở nơi làm việc đều không thể là "hào". Đây có thể là lý do tại sao rất ít người có một "hào".
03. Một số "hào nơi làm việc" tiêu biểu
a. Kinh nghiệm chuyên môn và phương pháp luận
Đây là một con "hào" quan trọng nhất. Như đã nói ở trên, có một số kinh nghiệm nghề nghiệp rất dễ chuyển hóa thành "hào", còn một số khác rất khó, bởi nó phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của ngành và phương pháp tích lũy kinh nghiệm.
Cần phải lưu ý rằng kiến thức và kỹ năng trong kinh nghiệm nghề nghiệp không phải là "hào", mà "phương pháp luận" thăng hoa từ những kiến thức và kỹ năng này mới là "hào".
Mỗi người đều có một phương pháp làm việc riêng, nhưng chỉ một số ít có thể tóm tắt phương pháp đó thành "phương pháp luận". "Phương pháp luận" có thể cấy ghép kinh nghiệm tích lũy của một người trong ngành A sang một ngành B hoàn toàn khác.
b. Sở thích, tính cách và thói quen
Một trong những "hào" cạnh tranh trong kinh doanh là "lợi thế chi phí thấp". Doanh nghiệp có được lợi thế về chi phí thông qua quy trình sản xuất quy mô lớn và đặc biệt, khi đối thủ không thể bắt chước thì sẽ có hiện tượng cạnh tranh mạnh hơn.
Nếu bạn thích một điều gì đó, nhiều khả năng bạn sẽ không màng những thất bại mình gặp phải mà sẽ thử đi thử lại nó. Đây chính là lợi thế cạnh tranh "chi phí thấp" mà sở thích mang lại, và nó cũng là một loại "hào".
c. Mối quan hệ xã hội
Vốn liếng lớn nhất trong công việc chính là mối quan hệ, và nó có một tiền đề quan trọng - lòng tin, mà sự tin tưởng cần rất nhiều thời gian để bồi đắp.
Chúng ta đã rõ định nghĩa về mối quan hệ xã hội chính là "hào", nhưng nhiều người lại gặp vấn đề trong việc hiểu mối quan hệ xã hội là gì. Đồng nghiệp hợp tác rất vui vẻ trong công việc không nhất định sẽ trở thành một mối quan hệ xã hội với bạn, bởi vì khi thay đổi công ty thì chỉ còn là người quen cũ. Những khách hàng nâng ly trò chuyện vui vẻ với nhau cũng không nhất định sẽ trở thành một mối quan hệ xã hội với bạn, vì họ có thể chỉ nhìn vào tài nguyên, cũng như tiềm năng của công ty bạn.
d. Ấn tượng chuyên nghiệp, uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân
Luôn có một người trong công ty, khi một nhu cầu nào đó xuất hiện, người đầu tiên bạn nghĩ đến chính là anh ta.
Khi một sự kiện tình cờ đi vào trí nhớ của lãnh đạo và đồng nghiệp, nó sẽ củng cố lại nhận thức của họ về bạn, và nó đủ để hình thành ấn tượng khác biệt và mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn. Với nhiều cơ hội hơn, một "ấn tượng chuyên nghiệp" nhất định sẽ được hình thành.
Ấn tượng nghề nghiệp chỉ giới hạn trong phạm vi công ty, còn uy tín nghề nghiệp có phạm vi toàn ngành. Nếu người đó tiếp tục mở rộng ảnh hưởng nghề nghiệp của mình ra công chúng, chẳng hạn như một người thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến kiến thức chuyên môn, được nhiều người biết đến, họ sẽ trở thành "thương hiệu cá nhân".
Ấn tượng nghề nghiệp, uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân đều là những con "hào" vững chắc, bạn sẽ phát hiện rằng cơ cấu năng lực của nhiều người thực ra đã lỗi thời rồi, nhưng chỉ với một tờ danh thiếp, một gương mặt thì cũng đủ để họ kiếm sống.
Trí Thức Trẻ