Chọn quy trình nào để triển khai tự động hóa và AI trong chuỗi cung ứng?
"Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng bắt đầu từ các nghiệp vụ rất nhỏ, chỉ cần tiết kiệm 500đ cho mỗi quy trình cũng đủ tạo nên hiệu quả chi phí bất ngờ cho doanh nghiệp" - Các chuyên gia FPT akaBot và FPT.AI đồng nhận định khi chia sẻ về những bài học thực tiễn trong ứng dụng công nghệ để tối ưu hoạt động Logistics.
Xu hướng tự động hóa thông minh trong Logistics và Supply Chain
Trong 2023-2034, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải chịu những áp lực leo thang dẫn đến việc gia tăng chi phí trong hoạt động Logistics. Theo ông Nguyễn Tấn Hưng - Giám đốc Kinh doanh AI khu vực phía Nam, FPT Smart Cloud chia sẻ trong sự kiện C-Talk Supply Chain diễn ra ngày 27/06, những thay đổi địa chính trị như đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine và chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung đã tạo ra sự khan hiếm tài nguyên, tăng chi phí nguyên liệu đầu vào dẫn đến tăng chi phí, giá bán và sự giảm sút trong sức mua của người dùng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng dần thay đổi hành vi mua khi 75% người dùng mong muốn được mua sắm omni-channel, 76% trong số đó muốn quy trình mua sắm của mình được cá nhân hóa.
Trong bối cảnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ mới như tự động hóa bằng robot ảo (RPA) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành cách thức bắt buộc để gia tăng sức bền, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã thành công tăng hiệu quả của hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng khi ứng dụng tự động hóa thông minh. Ron Finemore Transport, một công ty logistics hoạt động tại Australia đã sử dụng RPA và AI để cải thiện hệ thống quản lý vận tải (TMS) hiện có để cung cấp cho khách hàng dữ liệu thời gian thực về vị trí xe giao hàng. Sau lần đầu triển khai ứng dụng tự động hóa thông minh vào 12 quy trình, doanh nghiệp này đã giảm 91% thời gian nhập liệu thông tin thủ công nhập liệu và đạt hiệu suất ROI 100% chỉ trong 6 tháng.
Hay như DHL, bằng cách tích hợp Internet vạn vật (IoT) và AI, gã khổng lồ của ngành vận tải thế giới đã cải thiện đáng kể khả năng quan sát chuỗi cung ứng và phân tích dự báo. Nền tảng Resilience360 của DHL cung cấp quản lý rủi ro theo thời gian thực, giúp các công ty khách hàng dự đoán và giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt động vận hành thường ngày.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, ông Dương Việt Tùng - Giám đốc vận hành FPT akaBot cho rằng mức độ trưởng thành trong việc triển khai công nghệ tuy chưa thể được như các tập đoàn logistics lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ và TMĐT đang chuyển mình mạnh mẽ trước dòng chảy chuyển đổi số chuỗi cung ứng. Theo Báo cáo Chuyển đổi số Việt Nam 2023, 80% số doanh nghiệp được khảo sát trong ngành Logistics đã triển khai hệ thống theo dõi và quản lý vận tải (TMS), 70% doanh nghiệp đã áp dụng sàn giao dịch điện tử (e-marketplace) và có tới 60% trong số đó đã sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, đối với các ngành bán lẻ hoặc sản xuất, việc triển khai các hệ thống quản lý sản xuất (ERP) hay sử dụng robot tự động hóa và AI trong quản lý kho vận, hàng hóa cũng được hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng
Chuỗi cung ứng với nhiều quy trình phân mảnh - Thách thức hay cơ hội?
"Các từ khóa: tối ưu chi phí, tối ưu nguồn lực và nâng cao sự linh hoạt cũng như năng lực cạnh tranh là những mục tiêu hàng đầu các doanh nghiệp hướng đến khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, triển khai từ đâu với công nghệ nào là điều khiến các doanh nghiệp đau đầu." - Ông Dương Việt Tùng nhận định.
Chuyên gia từ FPT akaBot cũng cho rằng quyết định lựa chọn công nghệ cần phải song hành với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, CTO và CIO của các doanh nghiệp cần dựa trên chiến lược kinh doanh tổng để đưa ra chiến lược công nghệ, đồng thời chia thành các giai đoạn đầu tư. Đặc biệt khi chuỗi cung ứng vốn là chuỗi quy trình gồm rất nhiều hoạt động và nghiệp vụ nhỏ, được trải rộng từ khâu sản xuất, quản lý kho cho tới vận chuyển và bán hàng.
Với các công ty vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp thuần sản xuất, chiến lược nên tập trung vào các công nghệ như RPA để tự động hóa các tác vụ thủ công và lặp đi lặp lại như nhập liệu, theo dõi hóa đơn xuất nhập nguyên liệu hay công nghệ IoT hoặc RFID (Nhận dạng qua tần số vô tuyến) để tăng cường khả năng theo dõi và kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Các chuyên gia từ FPT và đại diện doanh nghiệp chia sẻ bài học chuyển đổi số trong sự kiện C-Talk Supply Chain
Ông Dương Việt Tùng cũng nhấn mạnh, ở bước đầu triển khai, các doanh nghiệp nên thử nghiệm với các giải pháp phần mềm trên Cloud với ưu điểm dễ dàng sử dụng, cài đặt và vận hành mà không ảnh hưởng đến hạ tầng kĩ thuật. FPT akaBot cũng đã từng triển khai giải pháp tự động hóa dạng phần mềm dịch vụ trên Cloud cho Daikin Việt Nam trong quy trình xử lý hóa đơn đầu vào - kết hợp công nghệ lõi RPA với AI & OCR để xử lý tự động hơn 40,000 hóa đơn đầu vào/ năm, giúp cắt giảm 75% thời gian xử lý và giảm 99.9% rủi ro về hóa đơn. Việc thắt chặt quản lý tài chính và hóa đơn là minh chứng cho quy trình nhỏ, đơn giản nhưng đem lại hiệu quả vận hành lớn và đã góp phần giúp Daikin Việt Nam đáp ứng chuỗi cung ứng với kết quả tăng trưởng 240% trong 9 năm (từ 2013-2022).
Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp phát triển quy mô hoặc mở rộng hệ thống cửa hàng, các công nghệ như AI hoặc máy học (ML), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) góp phần nâng cấp hoạt động chăm sóc khách hàng, năng lực của nhân viên bán hàng và tối ưu thời gian giao hàng tới người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Giám đốc kinh doanh FPT. AI khu vực phía Nam, chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc FPT là một trong những câu chuyện thành công trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành, quản lý cung ứng và đào tạo nhân sự.
FPT Long Châu hiện quản trị vận hành 1.789 nhà thuốc tại 63 tỉnh thành với 2 kho tổng bán lẻ dược phẩm lớn bậc nhất Việt Nam chuẩn GDP, GSP tại Hà Nội và Long An. Với khả năng phục vụ trung bình hơn 500.000 đơn hàng mỗi ngày trên toàn hệ thống, quản lý 15.000 mã sản phẩm từ hơn 1000 nhà cung cấp, việc ứng dụng AI trong công tác logistic và vận hành tại kho tổng giúp xác định lộ trình lấy thuốc hiệu quả và gợi ý cách soạn hàng tốt nhất. Bộ đôi "số hoá" và "AI" đã trở thành công cụ hữu ích trong việc quản trị hiệu quả công tác dự báo hàng hóa, đặt lịch và quản trị chuỗi cung ứng giữa các nhà cung ứng và FPT Long Châu, giảm thời gian chờ, tăng khả năng đáp ứng việc mở rộng phạm vi kinh doanh quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, tối ưu hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng có thể bắt đầu từ tự động hóa những quy trình nhỏ nhất cho đến các nghiệp vụ mang tính tự xử lý, quyết định và đưa ra dự báo. Đây là cơ hội lớn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khi có thể bắt đầu chuyển đổi số nhỏ với chi phí hợp lý, dễ dàng đo lường ROI và sau đó tiếp tục mở rộng quy mô ở các quy trình phức tạp hơn trong chuỗi cung ứng. Bằng cách áp dụng những công nghệ đổi mới IoT, AI, tự động hóa hay phân tích dữ liệu lớn, các công ty có thể tối ưu hóa tài nguyên chuỗi cung ứng, nâng cao sự hài lòng của khách hàng, cải thiện chất lượng nhân viên và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tổ Quốc