[Chọn sách cho nhà đầu tư] Đầu tư phi lý trí - "Trí não thằn lằn" và bí quyết giảm rủi ro đầu tư
Tại sao những chuyện điên rồ, hoảng loạn, suy sụp lại thường diễn ra với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và tại sao các nhà đầu tư được lập trình để mua cổ phiếu ở mức cao một cách phi lý rồi lại bán ra ở mức thấp bất hợp lý?
Trọng tâm của cuốn sách “Đầu tư phi lý trí” giải đáp cho việc áp dụng một ngành khoa học phi lý trí mới vào lĩnh vực tài chính trên thế giới. Tư vấn tài chính thông thường dựa vào giả định rằng cả con người và thị trường đều có lý. Ngày nay, những nghiên cứu khoa học mới đang dần hé lộ thêm nhiều nguyên nhân cho thấy, cả con người và thị trường thực tế luôn là những thứ thường xuyên “điên rồ”. Cuốn sách cho thấy những hiểu biết mới mẻ kết hợp về cách thức đầu tư trên thị trường tài chính cũng như nghiên cứu khoa học về bản chất tự nhiên của con người trong thị trường khốc liệt này.
Thông qua cuốn sách Đầu tư phi lý trí, nhà kinh tế học Terry Burnham lý giải rằng những hành động phi lý của chúng ta là đều là do tác nhân sinh học. Não bộ của con người chứa đựng những tập tính di truyền từ thời tiến hóa cổ xưa mà đến nay chúng ta vẫn bị ảnh hưởng và cư xử theo những tập tính đó một cách hoàn toàn vô thức.
Ra khỏi sự phi lý về tài chính được miêu tả một cách đơn giản, chúng ta tìm đến logic cơ bản trong những hành vi có giá trị mà tác giả gọi là “trí não thằn lằn” - một quá trình suy nghĩ theo lối cổ xưa và thường trong trạng thái vô thức, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta. Trí não thằn lằn đã giúp duy trì nòi giống, tìm kiếm thức ăn và phát triển, nhưng có vẻ nó không giúp được nhiều khi chúng ta giải quyết những vấn đề của thị trường tài chính.
Và kết quả? Bộ “não thằn lằn” này đã giúp tổ tiên của chúng ta kiếm ăn và tồn tại vào thời tiến hóa nhưng nó lại có ảnh hưởng tồi tệ đến nền kinh tế hiện đại. Thay vì liệt kê sơ qua những yếu điểm của thị trường hiện nay, Tiến sĩ Burnham đi sâu làm rõ những vấn đề tài chính “hot” nhất như: thị trường chứng khoán, nền kinh tế, bất động sản, trái phiếu, nợ công, lạm phát, quỹ tiết kiệm…
Không chỉ có vậy, cuốn sách còn nghiên cứu, lý giải tại sao những chuyện điên rồ, hoảng loạn, suy sụp lại thường diễn ra với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và tại sao các nhà đầu tư được lập trình để mua cổ phiếu ở mức cao một cách phi lý rồi lại bán ra ở mức thấp bất hợp lý. Quan trọng hơn cả, bằng cách kết hợp những nghiên cứu mới về sự phi lý, cuốn sách “Đầu tư phi lý trí” có thể giúp người đọc nhìn thấy những hành động phi lý của bản thân và chỉ cho chúng ta thấy cách để kiếm ra tiền từ một thế giới phi lý.
Tác giả cũng chỉ ra rằng, đối với những nhà đầu tư muốn áp dụng “bộ não thằn lằn” để giảm thiểu những rủi ro về tài chính có thể áp dụng một số lời khuyên hữu ích như: Đầu tư nhiều hơn vào những tài sản ít rủi ro hơn, mua những cổ phiếu, trái phiếu đã được bảo lãnh về lạm phát và giảm phát (VD: mua cổ phiếu của những công ty mà sản phẩm có thể tăng giá trong tương lai một cách chắn chắn hơn như công ty sản xuất và chế biến thuốc, công ty xăng dầu…) đồng thời hạn chế hơn nữa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư…
Bên cạnh đó, đối với những nhà đầu tư thông thường, đôi khi dám “liều lĩnh – mạo hiểm” một chút, Terry Burnham cũng chỉ ra các phương pháp đầu tư cụ thể như sau:
Hãy làm một điều gì đó khác biệt
Một cách để kiếm tiền nhiều đó là bạn hãy mua vào trong khi mọi người bán ra. Đôi khi hành vi tâm lí để làm một việc gì đó khác biệt với số đông người xung quanh mình là rất khó khăn, bởi đôi khi trong lúc thị trường đang có những diễn biến xấu, chúng ta thường có khuynh hướng làm theo những gì mà mọi người đang làm. Đó là một biểu hiện của tâm lí hành vi khá bình thường tuy nhiên với những nhà đầu tư đã nghiên cứu kĩ cổ phiếu công ty và có niềm tin thật sự, hãy mạnh dạn, kiểm soát lại nhận thức thật tốt và tham gia vào cuộc chơi với tâm lí thật vững vàng rồi sau đó nghiệm lại thành quả mình thu lại.
Hãy thay đổi chiến lược đầu tư
Một cách khác để có thể kiếm được nhiều tiền là hãy đầu tư vào lĩnh vực mà hiện tại tỏ ra kém hiệu quả tuy nhiên nhìn thấy được phần nào tiềm năng tương lai giữa bối cảnh vĩ mô và bán chốt lời những khoản mà hiện tại đang được số đông đánh giá quá cao. Chúng ta thông thường có thói quen lặp lại những việc mà trước đó khiến chúng ta rất hài lòng. Điều này lí giải cho việc tại sao có một số nhà đầu tư đã chiến thắng ở một vài cổ phiếu tuy nhiên cứ ôm mãi cái bóng tươi đẹp của cố phiếu đó và không chịu thay đổi, mua bán lại nhiều lần cổ phiếu đó với hy vọng chiến thắng thêm nhiều lần nữa mặc dù giá cổ phiếu đã quá cao đang điều chỉnh trung và dài hạn hoặc cổ phiếu đã gần hết tiềm năng tăng trưởng.
Thị trường chứng khoán là nơi mà việc áp dụng một quá trình lặp đi lặp lại là không phù hợp chút nào. Đôi khi hầu hết chúng ta đều thích những gì từng được đánh giá cao, họ sẽ đầu tư vào những gì ít rủi ro hơn. Tuy nhiên chiến thắng trên TTCK đôi khi không phụ thuộc vào điều đó, quan trọng là với mỗi quyết định đầu tư hợp lí chúng ta cần phải quyết đoán và tự làm chủ được bản thân.
Kiểm soát tốt bản thân, tập nhìn ra cơ hội làm giàu trên thị trường theo cảm tính đã được luyện tập từ kiến thức và vốn sống cá nhân
Việc kiểm soát bản thân đôi khi không dễ dàng chút nào. Việc kiếm tiền từ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán cũng như vậy. Nếu kiếm tiền là một việc dễ dàng thì trong cuộc sống từ “ cơ hội” sẽ không còn tồn tại. Thật thú vị khi tác giả chỉ ra rằng, để là một nhà đầu tư tài ba trong thị trường tài chính thì không nhất phải là một người giỏi về toán học hoặc là một người có chỉ số IQ cao. Để đưa ra các quyết định đúng đắn bạn cần có chỉ số EQ thật ấn tượng (EQ là viết tắt của Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số cảm xúc - Một tính trạng số lượng được dùng để đo lường trí tưởng tượng, sáng tạo của một người. Người có EQ cao có khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân và mọi người rất tốt).
Tác giả cũng cho rằng EQ trong đầu tư có vai trò quan trọng không kém IQ, để đạt được lợi nhuận cao, nhà đầu tư bên cạnh kiến thức trang bị, còn cần phải rèn luyện kĩ sự tự tin, sự nhẫn nại và nhạy cảm cao với thị trường. Đôi khi trong lịch sử đã có rất nhiều nhà đầu tư nổi tiếng lúc mới đầu phải chịu sự nhạo báng và chê cười của mọi người xung quanh trong suốt thời gian dài rồi sau đó thành quả mới chứng minh là họ đúng.
Chúng ta không thể đoán chính xác được những gì sẽ xảy ra với thị trường. Đôi khi sẽ có những lúc có những quyết định sai lầm. Do vậy lời nhắn gửi từ tác giả là nếu chúng ta có thể tăng cường cải thiện EQ bằng cách chăm chỉ, điềm tĩnh và kỷ luật hơn, ắt hẳn việc đầu tư sẽ phần nào thuận lợi hơn rất nhiều.
Terry Burnham là giáo sư giảng dạy môn Kinh tế tại trường Kinh doanh Harvard nổi tiếng, ông cũng đồng thời là một chuyên gia phân tích thị trường tài chính lỗi lạc trong suốt hơn hai mươi năm qua. Đồng thời, ông còn là người tiên phong đầu tiên trong việc áp dụng các nghiên cứu về tâm lí hành vi, sinh học vào tài chính và kinh tế học hiện đại.
Ông luôn mong muốn dành hết kiến thức và đam mê của bản thân vào ngành khoa học tâm lí mới mẻ hiện nay, với mong muốn đem đến phương thức mới lạ nhằm mô phỏng tương lai và cung cấp cho các nhà đầu tư những công cụ hữu hiệu để tăng cường và củng cố vốn tài sản của chính mình.
Cuốn sách “Đầu tư phi lí trí” với những nghiên cứu tìm tòi kĩ lưỡng của tác giả nhằm đưa ra câu trả lời cho câu hỏi suốt hai thập niên băn khoăn trăn trở của ông. Chính bản thân tác giả đã rút ra kết luận sau nhiều năm nghiên cứu “Thị trường phi lí là do chính những thói quen của bản chất con người. Những người hiểu biết và kiềm chế được cảm xúc thì mới có thể chuyển thị trường sơ cấp thành tiền”.