"Chồng càng nộp hết lương cho vợ, gia đình càng hạnh phúc" - Quan điểm của chị vợ Đà Nẵng khiến nhiều bà nội trợ "dậy sóng" cùng vào dốc bầu tâm sự về bí kíp quản tiền
Chủ đề không mới nhưng lúc nào cũng hot khiến không ít chị em rôm rả bàn tán.
- 05-10-2020Sống tối giản không có nghĩa là chi tiêu dè dặt, đơn giản hóa của để bạn vừa tận hưởng cuộc sống vừa chi tiêu đúng trọng tâm
- 13-09-2020Dùng phiếu khuyến mãi thanh toán trong lần hẹn hò đầu tiên: Chi tiêu tiết kiệm mới là thể diện lớn nhất của người trưởng thành
- 12-05-2020Cẩm nang xây dựng tài chính cá nhân cho người trẻ: 3 giai đoạn cơ bản giúp bạn lên một kế hoạch chi tiêu phù hợp
Cách đây không lâu, nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý học Michael Norton, giảng viên trường Đại học Kinh doanh Harvard đã chỉ ra rằng, càng đóng góp nhiều tiền vào quỹ chung của gia đình thì hôn nhân của bạn càng hạnh phúc.
Tỷ lệ đóng góp tác động không hề nhỏ đến hạnh phúc của hôn nhân. Nếu bạn chỉ giữ lại 5% thu nhập cho việc chi tiêu cá nhân, còn lại đóng góp cho gia đình thì hôn nhân của bạn hạnh phúc như khi bạn đóng góp 100%.
Càng đóng góp ít thì hôn nhân càng ít hạnh phúc. Người đóng góp 80% thu nhập cho gia đình hạnh phúc hơn những người đóng góp 70%. Và những người giữ toàn bộ thu nhập cho bản thân là những người ít hạnh phúc nhất.
Điều này đồng nghĩa với việc, hạnh phúc trong hôn nhân tỷ lệ thuận với lượng tiền lương bạn đóng góp cho gia đình. Càng đóng góp nhiều, gia đình càng hạnh phúc.
Nghiên cứu chỉ ra hạnh phúc trong hôn nhân tỷ lệ thuận với lượng tiền lương bạn đóng góp cho gia đình.
Nghiên cứu này được đánh giá là có cơ sở bởi nhiều lý do. Thứ nhất, bạn thường có xu hướng đóng góp ít đi, giữ tiền cho riêng mình để “phòng thân” khi hôn nhân đứng trên bờ vực thẳm.
Còn với những người mới kết hôn, nếu bạn không đóng góp thu nhập của mình cho gia đình, sẽ mất nhiều thời gian tranh cãi với bạn đời vì chuyện tiền nong. Bạn sẽ phải đau đầu tính toán các chi tiêu của gia đình chia cho hai vợ chồng như thế nào. Lúc này, sự chênh lệch thu nhập giữa hai vợ chồng cũng sẽ là vấn đề đau đầu. Tranh cãi cũng dễ dàng nổ ra khi phân chia anh trả cái này - em trả cái kia.
Chủ đề này không mới nhưng lúc nào cũng gây được sự quan tâm và chú ý của các chị em. Bởi lẽ, vấn đề tài chính trong gia đình lúc nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các chị em không biết cách xử lý khéo léo hạnh phúc gia đình thậm chí còn bị đe dọa.
Như trường hợp của chị Hà Chi (hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng) là minh chứng cho việc chồng càng nộp hết lương cho vợ, gia đình càng hạnh phúc. Cụ thể, chị Hà Chi chia sẻ mình đã có hẳn một buổi nói chuyện nghiêm túc về khoản tài chính đóng góp này trước khi về chung một nhà với chồng.
Chị cho biết: "Từ lúc chưa lấy nhau mình đã phải quán triệt tinh thần với chồng luôn. Lương chồng sẽ để nuôi con, đóng bảo hiểm, xây nhà, đối nội, đối ngoại, mua xe, đi du lịch, mua sắm bất cứ thứ gì và phải do vợ tự quyết định. Còn lại bao nhiêu cho vào sổ tiết kiệm đứng tên vợ nốt. Mình cũng nói thẳng là chỉ giữ hộ các con chứ chả mình cũng chẳng ham hố gì.
Còn lương vợ, chỉ đủ nuôi vợ thôi là tốt lắm rồi. Vợ không ăn bám chồng là được. Vậy nên lương mình vẫn ở tài khoản của mình còn lương chồng 100% cũng ở tài khoản của mình nốt. Vậy mà trộm vía, 2 vợ chồng chưa bao giờ cãi nhau vì tiền. Anh chồng mình cũng chả quan tâm lương vợ bao nhiêu luôn".
Có bà vợ thích cầm hết tiền của chồng nhưng cũng có người tiền ai người đó tiêu, miễn hoàn thành trách nhiệm chung. Ảnh minh họa.
Câu chuyện tài chính trong gia đình mỗi nhà mỗi cảnh và cách xử lý cũng khác nhau. Vì không phải anh chồng nào cũng "hiền lành" để nộp 100% tiền lương cho vợ như chồng của chị Hà Chi. Hay cũng không phải chị vợ nào cũng thích quản chồng và muốn tự túc chi tiêu như thế.
Như trường hợp của chị Trần Huyền (hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội) chẳng hạn, vì mới sinh em bé và còn ở cữ nên chị Huyền chưa có thu nhập kể từ khi nghỉ sinh. Nhưng trước khi sinh hai vợ chồng đi làm thì vẫn quan điểm tiền ai người đó quản. Bản thân chị Huyền thấy vẫn rất vui. Nếu có việc đối ngoại chung thì chồng sẽ là người chi vì lương chồng gấp 4-5 lần lương của chị.
"Còn lại chồng tiêu sao thì mình sẽ không quản vì mình nghĩ đó là quyền riêng tư của chồng. Miễn sao tiền cố định để lo cho con anh ấy có đóng góp là được. Nhà mình thì hai vợ chồng vẫn còn đang ở chung với ông bà nội nên hiện tại vẫn đóng tiền ăn cho ông bà, xong không cần lo gì nên chẳng đau đầu. Còn trong nhà thì chồng mình lại là người biết tiết kiệm và lo toan của đề dành hơn, trong khi mình là người tiêu hoang nên cũng tự nhận thấy không nên cầm quỹ cho lắm", chị Huyền chia sẻ.
Quan điểm chi tiêu tài chính trong gia đình rành mạch ai làm bao nhiêu người đó tự tiêu còn khá hiếm khi các chị em phần đa vẫn giữ lập trường mình là người cầm cán.
Như chị Hoàng Phương (hiện đang sống tại Sài Gòn) cho biết: "Lương chồng mình cũng sẽ cầm hết nhưng đầu tháng mình luôn ghi chú các mục chi tiêu cụ thể mà hai vợ chồng sẽ thống nhất với nhau.
Thứ nhất là khoàn cho gia đình bao gồm ăn uống, ốm đau, cưới hỏi... Thứ hai là cho tiêu dùng như mua sắm, thay thế vật dụng gia đình. Thứ ba là chăm bố mẹ 2 bên. Thứ tư là cho bản thân hai vợ chồng và cuối cùng là tiền tiết kiệm.
Các mục này cả hai vợ chồng đều đưa ra hạn mức. Tháng nào ở mục nào không động đến hoặc còn dư thì sẽ cho hết vào tiết kiệm. Còn ai có quỹ riêng, người kia sẽ không quản số tiền nhưng phải nói với nhau một tiếng để tránh tình huống xấu làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng".
Nhiều chị em cũng chia sẻ việc giữ tiền riêng không hề đem lại “sự an toàn” hay “phòng thân” như bạn nghĩ mà nó còn có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai vợ chồng khi sự thật số tiền đó được phơi bày. Tuy nhiên, việc quản quá chặt chi tiêu của chồng cũng có thể ảnh hưởng đến việc phát triển trong công việc và sự nghiệp. Thế nên, tài chính của mỗi gia đình cần được thống nhất và đồng ý giải quyết từ cả hai phía để mang tới hiệu quả và tính bền vững cao.
Pháp luật và Bạn đọc