Chống dịch Covid-19 là thử thách để đánh giá cán bộ
Nếu thử thách chống dịch không vượt qua thì chứng tỏ cán bộ cũng không đủ bản lĩnh để trở thành người lãnh đạo quản lý trong tương lai.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh ở nhiều nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại cuộc họp cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới đây, Bộ Chính trị cho biết, nước ta đã phản ứng nhanh, kịp thời và chính xác, bước đầu đạt được được kết quả tốt, được nhân dân trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và cho thêm nhiều kinh nghiệm.
Bộ Chính trị họp cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lưu ý của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta rất đúng và trúng trong bối cảnh một loạt sự kiện chính trị lớn của cả nước sắp diễn ra, ngoài nhiệm vụ chống dịch trước mắt, các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của cán bộ trước khi vào cấp ủy khóa mới sẽ được thể hiện rõ nhất, sinh động nhất từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh hiện nay.Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý không được chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn mà phải luôn theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, đồng thời nhấn mạnh: “Ứng phó với dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ”.
Chống dịch là thử thách sống động để cán bộ được rèn luyện
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng dự báo tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường và dịch bệnh Covid-19 hiện nay là một trong những thách thức đó. Quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, các cấp, ngành, địa phương đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Chống dịch là một thử thách, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là những nhân sự trong diện quy hoạch vào cấp ủy khóa mới cần chấp nhận sự hy sinh về thời gian, hy sinh sức khỏe, tiên phong đi đầu để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, cùng với Chính phủ và nhân dân chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
“Chống dịch là một thử thách, song chưa phải là thử thách lớn nhất mà cán bộ cần phải vượt qua. Nếu thử thách chống dịch không vượt qua thì chứng tỏ cán bộ cũng không đủ bản lĩnh để trở thành người lãnh đạo quản lý trong tương lai” – ông Vũ Văn Phúc nói và nhấn mạnh, người nào nhụt ý chí, không dám ra tuyến đầu thì nên đứng sang một bên để người khác làm.
Cán bộ trong diện quy hoạch phải được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, thì việc chống dịch Covid-19 là một thử thách sống động để cán bộ được tôi luyện trước Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trong tương lai, cán bộ có thể còn phải đối diện với nhiều thử thách lớn hơn, phức tạp hơn, nếu cán bộ không vượt qua được thử thách ban đầu này thì cũng khó có được bản lĩnh để nắm giữ vị trí quan trọng hơn.
Người xưa có câu: “Trong nguy cơ, có thời cơ”, mặc dù dịch bệnh đang có những tác động sâu rộng, toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân ta, song cũng chính thực tế đó lại là môi trường để cán bộ thể hiện bản lĩnh can trường “chống giặc”, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, vai trò lãnh đạo, cũng như khả năng xử lý những tình huống khó khăn nhất. Nếu ai vượt ra tuyến đầu, đứng mũi chịu sào, cùng với Chính phủ, nhân dân chiến thắng dịch bệnh thì người đó rất xứng đáng vào cấp ủy khóa mới.
Theo ông Vũ Văn Phúc, nhân dân là “tai mắt” của Đảng, Nhà nước. Nhân nhân ở đây là cán bộ cấp dưới, là đảng viên, là người dân nơi cán bộ cư trú.... Chính họ là lực lượng giám sát, phê bình cán bộ lãnh đạo sát sao nhất. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xuất sắc, ai làm việc gì hay, việc gì dở, ai dám “chiến đấu” với dịch bệnh, ai nhụt ý chí, sợ sệt, né tránh... nhân dân đều biết rất rõ. Theo đó, cán bộ lãnh đạo, nhất là các nhân sự quy hoạch vào cấp ủy khóa mới phải thật sự tiên phong, có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, hết lòng chăm lo lợi ích chính đáng, thiết thực của nhân dân, không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân thì mới được dân tin yêu, quý trọng.
PGS.TS Vũ Văn Phúc. (ảnh: Tuyengiao.vn) |
“So với dịch SARS mấy năm trước đây, dịch bệnh Covid-19 có quy mô rộng hơn, mức độ trầm trọng hơn. Điều đó thể hiện qua số người mắc bệnh, số người tử vong trên toàn cầu ngày một gia tăng, đẩy các nước từ Châu Á, đến Châu Âu, Châu Mỹ vào tình thế khó khăn. Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, xã hội và nhiều mặt trận khác. Chính bối cảnh khó khăn đó đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện quy hoạch vào cấp ủy khóa tới cần có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và phải có trí tuệ, cùng với tập thể lãnh đạo, vượt qua khó khăn trong giai đoạn chống dịch và hậu chống dịch” – ông Vũ Văn Phúc chia sẻ.
Bộ lọc cán bộ trong phòng chống dịch
Cùng chung quan điểm, ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, cam go nhất thì bản lĩnh của mỗi người sẽ được bộc lộ rõ nhất. Dùng biểu hiện của cán bộ thời điểm khó khăn đó để đánh giá xem con người đó bản chất thế nào, có vì lợi ích chung hay chỉ lo cho lợi ích riêng.
Nhắc lại tình hình dịch bệnh hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trong khung cảnh chung của thế giới, những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam khá đặc sắc. Trong đó phải kể đến thể chế chính trị của nước ta phát huy được thế mạnh trong những trường hợp lâm nguy. Cách chỉ huy tập trung – một tư duy kéo dài của thời bao cấp đã tạo ra lợi thế trong phòng, chống dịch, tạo ra sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã rất tỉnh táo trong việc đánh giá tình hình dịch bệnh khá chi tiết, có những dự phòng chắc chắn, đúng mức, dự phòng nhưng không lo sợ, coi thường.
Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với thiên tai, dịch bệnh song có lẽ đây là lần đầu tiên việc phòng bệnh diễn ra trên diện rộng với quy mô rất lớn. Triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, lan tỏa đến từng người dân để vừa chống dịch, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
“Từ công tác phòng, chống dịch bệnh, chúng ta đều có thể đánh giá được ý thức của từng người, từng vị trí công tác. Đó cũng là bộ lọc để lọc bớt những cán bộ không vì cái chung, vì cái riêng mà lơ là việc chung”- ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh./.
VOV