Chóng mặt với giá vàng
Giá vàng trong nước tăng vượt mức đỉnh lịch sử rồi hạ nhiệt vào cuối ngày
- 30-11-2023Giá vàng trong cơn ... 'sóng dữ'
- 29-11-2023Agribank giảm giá khoản nợ hơn 2.100 chỉ vàng SJC, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường
Cuối ngày 29-11, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 72,4 triệu đồng/lượng, bán ra 73,6 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh trong ngày nhưng vẫn cao hơn khoảng 200.000 đồng so với hôm trước.
Vượt đỉnh thời đại
Các doanh nghiệp khác chốt giá vàng SJC cuối ngày cao hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/lượng. Riêng Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) neo giá vàng SJC ở mức 72,8 triệu đồng/lượng mua vào, 74 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại vẫn được giữ ở mức cao, quanh 61,3 triệu đồng/lượng mua vào, 62,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 650.000 đồng/lượng so với hôm trước.
Trước đó, do tác động từ thị trường vàng thế giới, ngay khi vừa mở cửa giao dịch sáng 29-11, các doanh nghiệp vàng trong nước đồng loạt đẩy giá vàng miếng SJC lên 73,2 triệu đồng/lượng và bán ra 74,4 triệu đồng/lượng, là mức đỉnh lịch sử được thiết lập hồi tháng 3-2022 khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Vàng nhẫn và vàng trang sức 24K cũng tăng 1 triệu đồng so với hôm trước lên 61,15 triệu đồng/lượng mua vào, 62,25 triệu đồng/lượng bán ra.
Chưa dừng lại ở đó, giá vàng các loại tiếp tục được đẩy lên cao và vượt đỉnh thời đại tại mức 73,5 triệu đồng/lượng mua vào và 74,6 triệu đồng/lượng bán ra với vàng SJC; còn vàng nhẫn 24K cũng tăng 61,3 triệu đồng/lượng mua vào, 62,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Chỉ trong 1 tuần nay, giá vàng SJC đã nhảy vọt từ vùng 71 triệu đồng/lượng lên mức cao nhất trong ngày là 74,6 triệu đồng/lượng trước khi hạ nhiệt. Tương tự, giá vàng nhẫn, vàng trang sức cũng tăng thêm hơn 2 triệu đồng/lượng.
Nhiều khách hàng đem vàng SJC đi bán sau khi giá vượt đỉnh lịch sử vào sáng 29-11
Ảnh hưởng từ thế giới
Giá vàng tăng sốc đã kích thích nhu cầu mua bán trên thị trường. Dù không có sự đột biến, xếp hàng đi mua vàng nhưng giao dịch khá sôi động.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động lúc 15 giờ ngày 29-11 tại trụ sở Công ty SJC ở TP HCM, khách mua bán vàng ra vào tấp nập. Một khách nam đang chờ bán hơn chục lượng vàng cho biết anh mua vàng SJC từ thời giá còn hơn 30 triệu đồng/lượng. Nay gia đình có việc cùng thời điểm giá vàng chạm vùng đỉnh lịch sử nên anh quyết định mang đi bán. "Sáng nay, công ty thu vào 73,2 triệu đồng/lượng nhưng tôi không kịp mang ra bán, đến chiều chỉ còn 72,3 triệu đồng/lượng" - khách hàng này nói.
Nhiều người khác cũng đi bán vàng SJC với số lượng từ 2-4 lượng được mua lúc giá 50 triệu đồng hoặc 70 triệu đồng/lượng. Một số người từ quận 11, quận 12 cũng đến trụ sở Công ty SJC ở quận 3 để bán vàng. Hầu hết những người này đem vàng cất giữ hoặc vàng cưới ra bán, rất ít người đầu tư, lướt sóng.
"Tôi thấy giá vàng SJC tăng cao nên mang 4 lượng đi bán, chờ giá giảm rồi mua lại hoặc gửi tiết kiệm" - anh Hoàng, ngụ quận Bình Tân, nói. Do lượng người bán khá đông, Công ty SJC đã chủ động hạ giá loại vàng này xuống thấp hơn rất nhiều so với buổi sáng.
Ở chiều ngược lại cũng có nhiều người đi mua vàng, chủ yếu là vàng nhẫn 24K vì lo giá còn tăng cao.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết lực bán vàng SJC xuất hiện nhiều hơn trong chiều 29-11 khi nhiều người thấy giá vàng tăng nhanh và vượt đỉnh thời đại. Giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới.
Phân tích những yếu tố khiến giá vàng nhảy vọt từ 2.000 USD/ounce lên sát vùng 2.050 USD/ounce, ông Phương cho rằng do lạm phát tại Mỹ giảm nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khó tăng thêm lãi suất điều hành mà tiến tới cắt giảm trong thời gian tới. Chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt nhanh hỗ trợ giá vàng đi lên.
"Do đang vào mùa cưới, cũng là thời điểm nhu cầu mua vàng vật chất ở châu Á tăng mạnh nên dự báo giá vàng thế giới có thể sớm chạm vùng 2.100 USD/ounce" - ông Phương nhận định.
Người lao động