MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống ngập TP.HCM: Một số giải pháp như “lấy đá ghè chân mình”

27-11-2017 - 17:05 PM | Bất động sản

“Hơn 30 năm nay, thành phố đã đầu tư rất lớn cho giải pháp thoát nước, mời cả chuyên gia và vốn đầu tư Nhật Bản, các đại tri thức hiến kế, nhưng xem ra “lắm thầy nhiều ma”, một số giải pháp như 'lấy đá ghè chân mình", kỹ sư cao cấp Phan Khánh, Tổng thư ký Hội khoa học và kỹ thuật thủy lợi TP.HCM cho hay. Chia sẻ Tweet

Chỉnh trang nạo vét kênh rạch nội bộ, san lấp mất rất nhiều diện tích mặt nước kênh rạch như đoạn ngắt rạch Thị Nghè từ Nguyễn Hữu Cảnh ra Điện Biên Phủ), phân lô chia đất bán không biết được bao nhiêu, nay lại đòi giải phóng mặt bằng trên đất vàng để làm hồ tiêu tức thời, diện tích mặt nước không đáng kể", kỹ sư cao cấp Phan Khánh, Tổng thư ký Hội khoa học và kỹ thuật thủy lợi TP.HCM bức xúc khi đề cập đến những lãng phí trong chống ngập TP.HCM tại tọa đàm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế xã hội từ thực tiễn TP.HCM” do Tạp chí Cộng Sản tổ chức vừa qua tại TP.HCM.

Úng ngập vùng 1: Ưu tiên đầu tiên là dứt điểm biện pháp xây cống ngăn triều

Chống ngập úng phải cùng lúc với giải quyết lũ lụt, triều cường và mưa nội địa kèm theo nước thải và trên diện tích rộng lớn là rất phức tạp. Các nhà quy hoạch phải chia làm 3 vùng để giải quyết phù hợp với thời gian, không gian, tính bức xúc và khả năng tài chính: Vùng 1 gồm toàn bộ hữu ngạn sông Sài Gòn - Nhà Bè; vùng 2 là khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn; vùng 3 đệm giữa 1 và 3 bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phan Khánh: “Bức xúc nhất là úng ngập vùng 1, làm được cũng nhiều, khuyết điểm cũng lắm. Khi chưa ngăn được triều, nếu gặp triều cường thì đành chấp nhận ngập ở mức triều cường, thoát nước mưa bị hạn chế hiệu quả không cao, chỉ giải quyết được những cốt đất trên mức triều. Vấn đề bức xúc hiện nay là giải pháp thoát nước, mức triều thấp đã không phát huy hiệu ích mà mai đây, khi hệ thống ngăn triều đã hoàn chỉnh thì vẫn ngập, phố phường tích thủy kênh rạch khan".

“Hơn 30 năm nay, thành phố đã đầu tư rất lớn cho giải pháp thoát nước, mời cả chuyên gia và vốn đầu tư Nhật Bản, các đại tri thức thành phố hiến kế, nhưng xem ra… “lắm thầy nhiều ma”, một số giải pháp như “lấy đá ghè chân mình”. Chỉnh trang nạo vét kênh rạch nội bộ, san lấp mất rất nhiều diện tích mặt nước kênh rạch (như đoạn ngắt rạch Thị Nghè từ Nguyễn Hữu Cảnh ra Điện Biên Phủ), phân lô chia đất bán không biết được bao nhiêu, nay lại đòi giải phóng mặt bằng trên đất vàng để làm hồ tiêu tức thời, diện tích mặt nước không đáng kể”, ông Khánh cho hay.

“Hai là giao thông làm đường, kiến trúc nhà cửa làm loạn cao độ tự nhiên, khiến cho chống ngập như vẽ tranh trên cát. Ba là những tuyến cống lớn thoát nước (dưới đường Trần Hưng Đạo) lại đi thu gom nước của những vùng ngập nằm rất gần sông, kênh Tàu Hũ gom nước rồi kéo đi rất xa mới đổ ra trục tiêu đó.

Phường 5, quận 5 nằm trên bờ kênh Tàu Hũ lại phải thoát nước qua cống lớn dưới đường Trần Hưng Đạo. 50 điểm ngập gần sông rạch dưới 1.000 mét nhưng lại bắt nước tập trung vào cống lớn để đi rất xa rồi mới được phép ra sông rạch là sao? Đường Nguyễn Hữu cảnh cũng tương tự. Chưa nói nguyên tắc tiêu thoát nước là trục tiêu (cống hoặc kênh) là phải đi và chỗ thấp nhất của lưu vực tiêu”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, để hạn chế ngập úng cho vùng 1, ưu tiên đầu tiên là dứt điểm biện pháp xây cống ngăn triều, làm xong việc này có nhiều cái lợi, khi đã khống chế được triều, vấn đề thoát nước ngập lúc ấy hoàn toàn lỗi thuộc con người. Giải pháp máy bơm “khủng” hay máy bơm “con muỗi”, bao lớn, bao vừa, bao nhỏ,... cũng rõ ràng, không cần tranh luận.

“Việc tiêu thoát nước là 'bài toán ngược' của cấp nước trời, thành phố cần tránh tập trung hoành tráng, tiêu tự chảy càng tốt, tiêu cưỡng bức bằng máy bơm tất nhiên phải có máy bơm vừa, máy bơm nhỏ là chính, đặt dã chiến, không nên tập trung hoành tráng. Riêng máy bơm 'khủng' thì tôi hơi sợ, máy bơm 20.000 m3/giờ mà đã bầm dập, máy 94.000 m3/giờ có lẽ như… 'cái bánh chưng khủng', tôi khiếp lắm, không dám lạm bàn”, ông Khánh nói.

“Tạm ngưng mọi giải pháp như làm hồ điều tiết tức thời, máy bơm khủng, vùng thấm cưỡng bức…Dành 3 tháng mùa khô đo đạc lập bản đồ cao độ phân chia lưu vực tiêu, định hệ số tiêu lít/giây/ha, tính ra lưu lượng tiêu m3/giây cho từng lưu vực. Thoát nước mưa rơi trên thành phố, nhất là khi bê tông phủ kín 90% mặt bằng, một số lưu vực gần trục chính có thể làm các cổng có cửa để tự tiêu, sau khi hệ thống ngăn triều hoàn chỉnh thì hệ thống bơm 'khủng' sẽ trở nên vô duyên, không biết dùng vào đâu!”.

Riêng vấn đề phòng chống lũ cho vùng 1 đã có hồ Dầu Tiếng, nhưng khi thiết kế lũ, chưa có đê bờ tả, tha hồ xả xuống phía Bình Dương. Điều đó vô cùng nguy hiểm nếu gặp năm sông Sài Gòn mực nước lũ cao hơn lũ thiết kế. Không ai dám cam đoan là không thể xảy ra, "cần phải có giải pháp đề phòng, dù có tốn vài trăm tỷ đồng”, ông Phan Khánh đề nghị.

Biển Thái Bình Dương là một “máy bơm” khổng lồ, phải coi trọng địa lý tự nhiên

“Mối liên quan ngập với phát triển đô thị là vấn đề lớn. Phải thừa nhận thành quả 20 năm qua là giải tỏa dòng chảy kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, tạo diện mạo mới cho thành phố, kênh Hàng Bàng mà chúng ta đã lấp, đặt cống ngầm, giờ cũng được đào lại để khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan, làm dự án môi trường nước, thu tách nước thải từ kênh mương.

Tuy nhiên, giữa hệ thống cũ và hệ thống mới thiếu sự liên thông, có hệ thống mới chưa vận hành tốt đã vội không phát huy hệ thống cũ nên càng làm tăng ngập. Thực ra TP.HCM là chế độ bán ngập triều, nên cũng khá phức tạp trong chống ngập. Đứng về mặt vật lý, biển Thái Bình Dương là một máy bơm khổng lồ, lượng nước bơm vào trong hệ thống sông Đồng Nai và Sài Gòn gần như là một hằng số, vô cùng lớn, nếu nâng đê lên bên bờ hữu hướng sông Sài Gòn, nước sẽ tràn sang bờ tả”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết.

Theo ông Châu, phải coi trọng địa lý tự nhiên: “Dự án An Phú An Khánh cho nâng 33%, san lấp khoảng 2,2m3 đến 2,5 m3. Nhưng dự án Đại Quang Minh lại cho san cục bộ lên tới 3m3. Trong quản lý hệ thống cốt san nền, rõ ràng chúng ta chưa coi trọng địa lý tự nhiên của TP.HCM là cao về phía Đông Bắc, thoải về phía Đông Nam. Thành phố đặc biệt nhiều sông nước kênh rạch, giúp giải quyết bài toán thoát nước rất tốt, nhưng bây giờ rất tiếc ngay tại quận 1, cạnh sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé mà vẫn ngập. Rõ ràng không phải chúng ta thiếu hệ thống thoát nước, mà chúng ta đã lấp hết kênh rạch rồi. Bài toán chống ngập là một trong 7 chương trình quan trọng nhất mà thành phố phải giải quyết”

“Chúng ta hơi ngộ nhận về quy hoạch, quy hoạch chỉ là kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để thực hiện mà thôi. Quy hoạch ngắn hạn sau khi thực hiện đều có đánh giá, chỉnh sửa lại, không bao giờ đi vào kế hoạch dài hạn chi tiết. Quy hoạch thoát nước phải quản lý theo cốt nền từng khu vực. Ngày xưa cốt đường chỉ 1,5 mét thôi sao không ngập, vì toàn bộ khu vực xung quanh thành phố là đất trũng chứa nước nhưng khi Phú Mỹ Hưng xây dựng lên, chúng ta đã mất một vùng chứa nước. Phải quán triệt đội ngũ kỹ thuật, có kế hoạch thống nhất các giải pháp, phổ biến rộng cho mọi người dân thành phố đều được biết, đều có ý thức bảo vệ môi trường nước, mới có thể giảm ngập hiệu quả", ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng nhà ở và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra kiến nghị.

Theo Kim Yến

Bizlive

Trở lên trên