MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống thất thu thuế nền tảng xuyên biên giới

05-11-2022 - 15:24 PM | Kinh tế số

Mua hàng qua app Shopee, Lazada .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mua hàng qua app Shopee, Lazada .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Số thuế thu từ kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên biên giới chưa tương xứng với doanh thu, gây thất thu ngân sách quốc gia

Sách Trắng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2022 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện đầu tháng 9 đưa ra dự báo quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỉ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này và tăng gấp 4 lần so với thời điểm TMĐT nở rộ tại Việt Nam năm 2015. Dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á với 39 tỉ USD.

Doanh thu "khủng", nộp thuế "bèo"

Theo số liệu được công bố, số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website nước ngoài đã tăng từ 36% năm 2020 lên 43% trong năm 2021. Trong khoảng thời gian này, tỉ lệ người tiêu dùng có mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các website nước ngoài cũng tăng mạnh từ 49% lên 56%; tỉ lệ mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT Việt Nam cũng tăng từ 41% lên 57% và tỉ lệ doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo… cũng tăng từ 41% lên 57%.

Những số liệu trên phản ánh phần nào bức tranh sinh động của hoạt động TMĐT trong đó có giao dịch xuyên biên giới trong thời gian qua. Theo Tổng cục Thuế, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới hoạt động xuyên biên giới có thu nhập lớn tại Việt Nam. Tính riêng doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam khoảng 1 tỉ USD/năm, trong đó Google và Facebook chiếm hơn 800 triệu USD (hơn 80%). Dù doanh thu ước tính lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng các tập đoàn này lại đóng thuế rất thấp: từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỉ đồng/năm. Lũy kế tính từ năm 2018 đến hết tháng 6-2022, như Google, Facebook, Microsoft... đã khai nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.432 tỉ đồng.

Từ tháng 3-2022, Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa việc quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Sau hơn 5 tháng triển khai, cổng thông tin này đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký, kê khai và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple...; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán các nước có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam, một số hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte… để đôn đốc các NCCNN có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, thuế chỉ thu được gần 760 tỉ đồng do các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam khai thay, nộp thay các NCCNN, bằng 48% so với số thu năm 2021.

Cần phương thức quản lý hiện đại

Trước tình trạng gian lận kê khai, trốn thuế trong kinh doanh trên nền tảng số vẫn rất lớn, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 889/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả việc quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV hồi tháng 6-2022, nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ lo ngại khi số thuế thu từ kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên biên giới chưa tương xứng với doanh thu, gây thất thu ngân sách quốc gia, cạnh tranh không lành mạnh đối với những DN trong nước ở cùng lĩnh vực hoạt động. Thừa nhận thực trạng này, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết rất khó quản lý thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới. Theo Bộ trưởng, đặc thù của DN công nghệ là có thể vận hành từ xa, máy chủ đặt ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam nên cơ quan thuế rất khó kiểm soát, quản lý, thu thập thông tin. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng Việt Nam đã có tương đối đầy đủ cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, bao gồm: Luật Quản lý thuế, Nghị định 126 hướng dẫn về Luật Quản lý thuế, các thông tư, nghị định liên quan... Tuy nhiên, để các chính sách thuế được thực thi hiệu quả thì cần có sự phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành để đồng nhất chính sách thuế cho hoạt động TMĐT. Theo TS Lê Đăng Doanh, cần có khung pháp lý quy định việc đăng ký, giám sát, tự kê khai và phải có công cụ giám sát, theo dõi nghĩa vụ nộp thuế. Có thể so sánh số thuế các DN TMĐT xuyên biên giới với các DN công nghệ thông tin trong nước, thậm chí là DN bình thường trong nước để có cơ sở đấu tranh chống thất thu thuế.

Theo luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, không thể quản lý theo cách thông thường mà cần có phương thức hiện đại hơn để quản lý thuế các NCCNN này. "Có thể kiểm tra số người truy cập, sử dụng dịch vụ, nguồn tiền của họ từ chiều thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam và chiều thu vào của các NCCNN. Vì vậy, phải có hệ thống giám sát các khoản thanh toán online thông qua ngân hàng và các nền tảng thanh toán trực tuyến" - luật sư Lê Thành Kính đề xuất.

Doanh nghiệp công nghệ trong nước phải mạnh lên

Luật sư Lê Thành Kính cho rằng trong thời đại kinh tế số, một trong những giải pháp quan trọng để chống thất thu thuế là nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ các DN công nghệ trong nước phát triển, gia tăng năng lực cạnh tranh so với các "ông lớn" nước ngoài. Luật sư nêu dẫn chứng các nền tảng TMĐT trước đây đều cung cấp miễn phí, sau một thời gian phát triển tệp khách hàng đủ lớn đã bắt đầu thu phí người dùng. Đơn cử, Google thu phí tên miền Gmail, Zalo thu phí khách hàng kinh doanh..., những khoản thu này không hề nhỏ nhưng nhà nước chưa kiểm soát được.

Theo Thanh Nhàn

Người Lao Động

Trở lên trên