MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chốt" mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Không xác định được thứ tự ưu tiên thì có “bàn nữa cũng vậy thôi”

Cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp? Đâu mới là mô hình phù hợp nhất cho cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp?

2 mô hình được cân nhắc

Thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện đang có 2 mô hình được cân nhắc.

Mô hình 1: Cơ quan chuyên trách là cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, sẽ thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mô hình 2: Cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp. Theo đó, thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp SCIC, giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, cái nào sẽ phù hợp với tình hình, mục tiêu của kinh tế Việt Nam... đến nay vẫn đang là bài toán đau đầu của các nhà quản lý.

Nhẽ ra phải xong từ 20 năm trước…

Đối với vấn đề này, PGS. TS. Đinh Văn Nhã đã thốt lên “Lẽ ra Việt Nam phải chọn xong mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ 20 năm trước rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay”.

Giữa 2 mô hình được đưa ra, TS. Đinh Văn Nhã ủng hộ mô hình thứ 2 – cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp vì tác động tiêu cực thấp hơn.

Bởi lẽ, với 8 mục tiêu để đánh giá tính khả thi của các mô hình, mô hình doanh nghiệp đạt được 6/8 điểm tốt, trong khi đó, mô hình nhà nước lại thực hiện tệ 6 điểm đó.

Ví dụ, ở mục tiêu nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước, TS. Đinh Văn Nhã cho rằng mô hình cơ quan nhà nước là uỷ ban chuyên trách không thể đáp ứng được.

"Mô hình quản lý vốn do cơ quan nhà nước nắm chỉ khá hơn được cách quản lý bằng Bộ chủ quan hiện nay", ông Nhã nhận xét.

Bên cạnh đó, TS. Đinh Văn Nhã nhận định cơ quan quản lý vốn là doanh nghiệp sẽ xử lý tương đối triệt để các vấn đề.

"Lựa chọn mô hình doanh nghiệp có thể là một SCIC hoặc một vài doanh nghiệp tổng công ty có chức năng như SCIC để quản lý vốn nhà nước", ông Nhã đưa ra gợi ý.

Phải có thứ tự ưu tiên mục tiêu

TS. Nguyễn Xuân Thành của Đại học Fulbright cho rằng đề án này đang “vướng” phải một lỗi giống như các đề án khác: đa mục tiêu và không có thứ tự ưu tiên. Do đó, bị rơi vào “thế bí”, không biết lựa chọn như thế nào.

“Chúng ta muốn tách bạch để nâng cao hiệu quả quản trị và kết quả hoạt động kinh doanh, lại muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vấn muốn giữ vài trò điều hành doanh nghiệp nhà nước như một công cụ chính trị. Không một mô hình nào thực hiện được đa mục tiêu”, TS. Nguyễn Xuân Thành nói.

Vị tiến sĩ đến từ Đại học Fulbright phân tích: Mô hình doanh nghiệp lợi ích nhất là tập trung được tối đa hóa lợi ích cổ đông, nhà nước với vai trò là cổ đông trong doanh nghiệp. Trong khi đó, mô hình nhà nước sẽ giữ được mục tiêu chính trị.

Do đó, TS. Xuân Thành nhận xét nếu không xác định được thứ tự ưu tiên thì có “bàn nữa cũng vậy thôi”.

N.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên