MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Chốt' phương án người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần

29-06-2024 - 09:35 AM | Xã hội

Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tỷ lệ trên 93,4% đại biểu tán thành.

"Không mong muốn" rút bảo hiểm xã hội một lần

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng, và chốt phương phương án 1, với trên 93,8% số đại biểu tán thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại phiên thảo luận ở hội trường, có 18 đại biểu lựa chọn phương án 1, có 7 đại biểu lựa chọn phương án 2, có 5 đại biểu đề xuất phương án khác.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần quy định để vừa bảo đảm quyền của người lao động nhưng lại không khuyến khích họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần để họ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội khi về già.

'Chốt' phương án người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật sáng 29/6. (Ảnh: Như Ý)

Ngày 18/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 87,32% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn phương án 1.

Căn cứ kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo phương án 1 là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2025), đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn, như: Bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội.

Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW “giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

“Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.

Tuy có quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Tuy có quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp.

Đồng thời cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động,...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách…

'Chốt' phương án người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Như Ý)

Cải cách tiền lương sẽ theo lộ trình phù hợp

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 72) và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 73), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, việc giải quyết phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ lương hưu trước và sau ngày 1/7/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 gửi các đại biểu Quốc hội.

Trong đó nêu rõ việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ theo lộ trình phù hợp với thực tế, chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay và không có sự biến động, thay đổi lớn dẫn đến việc phải điều chỉnh ngay cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó, Điều 74 dự thảo Luật giao Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định các chế độ bảo hiểm xã hội bị tác động khi cải cách tiền lương để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, theo đó, đã bỏ quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 40 và 41 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại khoản 3 Điều 35 dự thảo Luật.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên