Chủ động để “hái quả ngọt" từ CPTPP
Xung quanh câu chuyện tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP, ông Ngô Chung Khanh-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định: Hàng hóa Việt Nam chính thức được hưởng thuế suất ưu đãi từ ngày 14/1/2019 và các DN Việt cần thực sự tăng tính chủ động hơn nữa để không bỏ lỡ chút cơ hội nào.
- 28-01-2019Gia nhập CPTPP, thuế nhập khẩu ô tô, xăng dầu còn lâu mới giảm
- 27-01-2019Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan như thế nào khi thực hiện CPTPP?
- 26-01-2019Ban hành Thông tư về quy tắc xuất xứ trong CPTPP
Xin ông cho biết, mức độ cắt giảm thuế quan cụ thể với hàng hóa XK của Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực?
Trung bình mức độ cắt giảm thuế quan lần đầu tiên là hơn 60% và 3 năm sau khoảng trên 80%. Việc cắt giảm thuế quan có lộ trình chứ không phải ngay lập tức cắt giảm toàn bộ biểu thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở hữu trí tuệ cũng như đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa là một số thách thức nổi cộm với DN Việt khi thực thi CPTPP. Ông đánh giá ra sao về điều này?
Nội dung về sở hữu trí tuệ trong CPTPP đã bớt đi nhiều so với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó, ít nhất hơn 10 nghĩa vụ quan trọng đã giảm đáng kể so với TPP. CPTPP còn lại một số nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ cao hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây nhưng đó là những điều Việt Nam cần phải làm. CPTPP có quy định về sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn nhưng bù lại cũng bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều DN.
Về xuất xứ hàng hóa, tùy theo mặt hàng mà CPTPP có quy định riêng, ví dụ như ô tô và phụ tùng ô tô đều có quy định riêng, khá phức tạp; ngành dệt may cũng có quy định, mức độ riêng. Muốn biết mặt hàng cụ thể nào phải nhìn vào chi tiết xuất xứ để biết mặt hàng này quy định phải đáp ứng bao nhiêu phần trăm, từ đó đảm bảo cho phù hợp.
Việt Nam đã tham gia khá nhiều FTA và thực tế, việc tận dụng cơ hội từ các FTA này của DN Việt đến nay còn không ít hạn chế. Làm sao để điều này không tái diễn với CPTPP, thưa ông?
Về tận dụng FTA, DN Việt Nam chưa tận dụng hết, trước hết là bởi DN chưa quan tâm. Sự chủ động của DN chưa rõ, từ đó DN không tìm hiểu mặt hàng này được hưởng thuế suất ưu đãi bao nhiêu % và làm thế nào để được hưởng thuế suất ưu đãi đó. Với CPTPP cũng vậy, muốn tận dụng được, DN phải tăng tính chủ động. Ví dụ, DN XK mặt hàng quần áo sang thị trường Canada, vào tháng 1/2019 khi CPTPP có hiệu lực, DN phải tìm hiểu xem mặt hàng XK vào thị trường Canada có được hưởng thuế suất ưu đãi hay không. Với cơ sở hiện tại, nguồn vải nhập hiện tại…, DN phải làm gì để được hưởng thuế suất ưu đãi đó. DN có thể liên hệ trực tiếp với đoàn đám phán để nhận được câu trả lời. Bên tôi là đoàn đàm phán nhưng hầu như chưa nhận được câu hỏi nào của DN cả.
Theo ông, đâu là những giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để tận dụng tốt nhất cơ hội từ CPTPP?
Với Việt Nam, lo nhất là vấn đề thực thi bởi thời gian không còn nhiều. Điều đầu tiên cần làm là khẩn trương tuyên truyền, càng sớm càng tốt ở cấp địa phương, DN để có thể tận dụng , thực thi ngay khi hiệp định có hiệu lực. Thứ hai là phải nhanh chóng xây dựng đầu mối để thực thi. Từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã có kinh nghiệm. Ví dụ, xây dựng đầu mối ở cả Trung ương lẫn địa phương để kết nối lại với nhau, để DN biết khi có vấn đề gì cần hỏi về CPTPP thì có thể hỏi ở chỗ nào. Ngoài ra, thời gian tới, việc rà soát các văn bản pháp luật, rất nhiều thứ chi tiết cần phải làm…
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP của Chính phủ, với CPTPP, bên cạnh những cơ hội mở ra, tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với 6 thách thức.
Thứ nhất là, thách thức về kinh tế. Về thương mại hàng hóa, do Việt Nam đã có FTA với 7 trên 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru.
Thứ hai, thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động…
Thứ ba, thách thức về xã hội. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số DN lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.
Thứ tư, thách thức về thu ngân sách. Việc cắt giảm thuế NK theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico và Peru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn.
Thứ năm, thách thức trong lĩnh vực lao động. Thách thức ở đây liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại DN và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của Tổ chức Lao động Thế giới, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Thứ sáu, thách thức trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Việt Nam đã ký thư song phương với các thành viên CPTPP về các nghĩa vụ Tự do lưu chuyển thông tin và Yêu cầu đặt máy chủ tại nước sở tại trong 2 điều khoản thuộc Chương Thương mại điện tử. Thư song phương này có giá trị hạn chế khả năng Việt Nam bị khiếu kiện trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNTNguyễn Xuân Cường: CPTPP và các FTA thế hệ mới đem đến cơ hội XK cho nông nghiệp
Trước hết, cần phải khẳng định, các FTA, điển hình như CPTPP đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho XK sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như: Thủy sản, lâm sản, đồ gỗ, rau quả, trái cây và các nông sản khác (gạo, cà phê, cao su...). Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện Việt Nam đã XK được sản phẩm thịt gà qua chế biến vào thị trường Nhật Bản. Nếu có những biện pháp thích hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chọn những sản phẩm riêng biệt thì Việt Nam có thể cạnh tranh được, thậm chí có thể XK sang các thị trường khó tính, như EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có thể dự báo một số thách thức lớn đối với XK nông sản Việt Nam là: Các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng nâng cao các hàng rào phi thuế quan và có sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn; sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn; chất lượng, giá thành sản phẩm nông, lâm, thủy sản sẽ là các yếu tố cạnh tranh tiếp theo. Thách thức từ các thị trường cũng đòi hỏi Việt Nam phải nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó sản xuất ra các mặt hàng nông sản phù hợp, đặc biệt phải bảo đảm các yếu tố như giá cả cạnh tranh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản sạch, sản xuất hữu cơ…
Bà Phan Thị Thanh Xuân,Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam: Để tận dụng cơ hội từ CPTPP, Nhà nước cần xem xét lại cơ sở hạ tầng
Ngành da giày chủ yếu gia công XK, khách hàng thường chủ động tìm đến DN nên tính chủ động của các DN nhỏ và vừa rất hạn chế. Bên cạnh đó, tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của DN. Vì vậy, việc cần làm là giúp DN tiếp cận thông tin một cách chính thống. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistic khi XK, bởi khi "miếng bánh" thị phần mở rộng, mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì chúng ta sẽ không được chia phần.
Ông Phan Văn Trường- Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm GOC: Thâm nhập thị trường EU để mở đường vào các thị trường khác
EU là thị trường dẫn đầu thế giới về các tiêu chuẩn. DN muốn XK được ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội... Cái được lớn nhất khi hàng hóa xuất sang thị trường này không phải là lợi nhuận mà chính là hệ thống quản lý và uy tín của DN. Nếu đáp ứng được thị trường EU thì các thị trường khác sẽ nhìn vào đó để kết nối với DN. Điển hình như thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nhìn vào tiêu chuẩn của thị trường EU để NK hàng hóa.
Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam xuất sang EU đang bị đánh thuế 14%. Thời gian tới, với EVFTA, khi thuế về 0% sẽ là cơ hội lớn cho hàng nông sản XK vào EU. Để đáp ứng yêu cầu của EU, quan trọng là vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải đảm bảo an toàn. Muốn đạt được điều đó, các DN và địa phương phải tự xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, DN cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý tương thích, đáp ứng theo hệ thống quản lý của thị trường EU.
Đức Quang (ghi)
Hải quan