MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ động trước "cơ hội vàng" thu hút vốn FDI

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án về các giải pháp đón đầu, tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
53 bài viết

Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright), Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới khi nhiều công ty toàn cầu đẩy mạnh đa dạng hóa địa điểm đầu tư nhằm phân tán rủi ro và tăng sức chống chịu trước những biến động đột ngột như dịch Covid-19.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển mới

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố cho thấy trong tháng 5-2020, cả nước đã thu hút được 1,55 tỉ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng các nguồn vốn này đạt 13,89 tỉ USD, bằng 83% cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tuy có xu hướng sụt giảm trong những tháng đầu năm nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn ghi nhận dòng vốn đầu tư tích cực từ nước ngoài dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cơ quan này cũng kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ mang đến những tín hiệu tích cực hơn nữa trong giai đoạn tới.

Trong Nghị quyết 84 Chính phủ vừa ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án về các giải pháp đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Chủ động trước cơ hội vàng thu hút vốn FDI - Ảnh 1.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút dòng dịch chuyển mới từ vốn FDI Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhận định về cơ hội trong bối cảnh dịch Covid-19, nhất là khi Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chống dịch, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Các kết quả này là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với sự tin cậy cao hơn, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. "Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Bộ KH-ĐT đang xúc tiến sớm thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng đầu tư FDI đến Việt Nam, trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Sau khi tổ được thành lập, tổ trưởng sẽ điều hành và cùng đưa ra các giải pháp để tận dụng thời điểm này nhằm lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch…

Dưới góc nhìn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội, thậm chí là "cơ hội vàng" trong thu hút vốn FDI trước làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới từ các nước. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, đây là điều kiện tiên quyết để có thể mở cửa nền kinh tế trở lại sớm với mức độ thiệt hại thấp hơn các quốc gia khác cũng như cơ hội thu hút làn sóng FDI mới.

TS Vũ Thành Tự Anh phân tích để thu hút được các dự án FDI có chất lượng, Việt Nam phải chuẩn bị những điều kiện cơ bản như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng và môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong năm nay, Chính phủ nên tập trung cao nhất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa giúp khởi động lại và kích thích nền kinh tế vừa giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế… Chẳng hạn, để thu hút các công ty công nghệ cao, Việt Nam cần kiện toàn các nền tảng pháp lý và thể chế nhằm bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng cường giao dịch và thanh toán điện tử. Thế giới thời hậu Covid-19 sẽ chứng kiến sự tăng tốc của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, điều mà Việt Nam đang thiếu, vì thế sẽ rất khó thu hút FDI công nghệ cao để tham gia ngày một sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo động lực cho nhà đầu tư

Những thông tin mới đây về việc Panasonic lên kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Thái Lan, bắt đầu dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Panasonic Việt Nam hay Apple liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhân sự làm việc ở Hà Nội, TP HCM làm dấy lên đồn đoán về việc hãng công nghệ này có thể mở thêm nhà máy tại Việt Nam… cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút FDI.

Ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, nhận định xu hướng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam ngày càng rõ nét. Các tập đoàn chuyển bớt một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Mới đây, Nhật Bản cũng công bố chính sách hỗ trợ những DN nước này dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN.

Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho biết trước khi có dịch Covid-19, Việt Nam đã là một trong 3 quốc gia hàng đầu được doanh nghiệp (DN) Nhật lựa chọn khi đầu tư ra nước ngoài. Ba tháng đầu năm, vốn đầu tư tăng thêm của các DN Nhật tại Việt Nam đã tăng cao nhất trong những DN ngoại đang đầu tư tại Việt Nam, đứng trên DN Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ cuối năm 2019 đến nay, Uniqlo liên tiếp mở cửa hàng mới ở TP HCM và Hà Nội, một số thương hiệu lớn khác của Nhật cũng xuất hiện tại Việt Nam, cho thấy tiềm năng thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam hấp dẫn DN Nhật. Xu hướng đa dạng hóa thị trường đầu tư của nhà đầu tư Nhật cũng giúp dòng vốn này vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. "Hiện còn sớm để đánh giá những thay đổi trước và sau dịch nhưng có thể thấy Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu của DN Nhật trong các quốc gia họ rót vốn" - ông Hirai Shinji nhận định.

Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nên giải pháp về cải cách hành chính, hỗ trợ từ nước sở tại sẽ là động lực cho họ. Ông Fred Burke, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, cho rằng một vấn đề lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là các cơ quan hành chính thiếu linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa yêu cầu về hành chính này. Để làm thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhà đầu tư đang phải gõ cửa nhiều cơ quan bởi tại Việt Nam, mỗi cơ quan lại chịu trách nhiệm một khâu trong quá trình cấp phép mà thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung hoặc một cách thức giải quyết thích hợp nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. "Việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý với nhau còn mất nhiều thời gian, thậm chí một số thông tin vẫn trao đổi qua đường bưu điện" - đại diện AmCham tại Việt Nam nêu.

AmCham cũng than phiền về khâu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chờ địa phương nơi họ muốn đầu tư xin ý kiến các bộ - ngành có liên quan. Thời gian để chấp thuận và cấp phép cho một dự án đầu tư có thể mất từ 4-6 tháng. Từ thực tế này, ông Fred Burke đề xuất Chính phủ tiếp tục ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh giải quyết thủ tục trực tuyến. "Nhà đầu tư mong muốn các cơ quan quản lý đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư cho Việt Nam trong thời gian tới" - ông Fred Burke nói.

Xu hướng thâu tóm chưa đáng lo

Nhận định về xu hướng các DN FDI thâu tóm DN trong nước qua làn sóng góp vốn, mua cổ phần, mua bán - sáp nhập (M&A), ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng xu hướng này chưa đáng lo ngại và không lấn át dòng vốn đầu tư trực tiếp. Cụ thể, năm 2018, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên 36 tỉ USD, trong đó góp vốn mua cổ phần khoảng 10 tỉ USD. Năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài là 38,9 tỉ USD, trong đó góp vốn mua cổ phần chiếm 15,5 tỉ USD. Bốn tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,33 tỉ USD, trong đó góp vốn và mua cổ phần chiếm 2,4 tỉ USD. "Mặc dù chưa đáng ngại nhưng cần quản lý chặt chẽ, có định hướng rõ ràng với từng lĩnh vực, ngành nghề, dịch vụ; lựa chọn dự án và đối tác đầu tư theo ngành nghề, không để tình trạng nhà đầu tư núp bóng, mượn người Việt để mua DN Việt" - ông Phan Hữu Thắng nhận xét.

Theo Minh Chiến - Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên