Chủ nghĩa đa phương đang “hồi sinh”
Trong hơn 4 năm qua, chủ nghĩa đa phương gần như đã bị phá vỡ khi ông Donald Trump thực thi chiến lược “Nước Mỹ là trên hết”.
- 01-03-2021PMI tháng 2 tiếp tục tăng nhẹ, đạt 51,6 điểm
- 01-03-2021Quảng Trị quyết định cho nhà đầu tư thuê đất triển khai dự án điện gió Liên Lập với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng
- 01-03-2021Nikkei: Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưu tiên của các quỹ đầu tư khi dòng vốn chảy ra từ Myanmar
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng chủ nghĩa đa phương sẽ quay trở lại trung tâm của cơ chế điều phối và trung tâm của các chương trình nghị sự toàn cầu dưới thời ông Biden.
DĐDN có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện nông nghiệp Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, việc ông Biden lên nắm quyền và cam kết tham gia vào toàn cầu hóa có giúp cục diện đa phương quay trở lại?
Với việc có tân Tổng thống Mỹ Biden ủng hộ vai trò của các định chế đa phương và đề cao đồng minh, rõ ràng có nhiều cơ sở để tin rằng thế giới sẽ quay lại với cách vận hành quen thuộc trước đây. Nhưng có hai nhân tố mới đã xuất hiện và sẽ ngày càng được thảo luận nhiều.
Thứ nhất là chủ nghĩa đa phương mới nhấn mạnh đến (i) vai trò mới của các người chơi cũ/mới và (ii) đổi mới của các thể chế đa phương hiện thời. Trong các vấn đề toàn cầu, sau đại dịch COVID-19 và sau một kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ rất ồn ào, Châu Âu dường như đang muốn định vị lại mình trên bàn cờ thế giới. Ủy ban châu Âu ngày 21/2 vừa công bố Chiến lược thương mại mới tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào ba trụ cột (1) "tự chủ" tức là định hình lại trật tự thế giới dựa trên lợi ích và giá trị của châu Âu, (2) tăng cường chủ nghĩa đa phương và (3) cải cách quy tắc thương mại toàn cầu.
Thứ hai là cấu trúc đa phương mới. Nếu sau năm 1945, các cấu trúc cồng kềnh và mang tính toàn cầu được đề cao thì hiện nay các cấu trúc khu vực/chuyên biệt ngày càng xuất hiện nhiều.
- Nước Mỹ đang đổi thay từ bên trong và bằng cả các chính sách đối ngoại, hẳn nhiên sẽ có tác động rất lớn đến xu hướng toàn cầu trong những năm tới, thưa ông?
Trong bài phát biểu đầu tiên, Tân Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh thông điệp "đưa nước Mỹ quay trở lại", và những giải thích trong bài phát biểu đó cho thấy nước Mỹ sẽ trở lại với hệ thống và cách làm trước đây.
Ngoại giao truyền thống lại lên ngôi. Vai trò của liên minh, tính chính danh của nước Mỹ, tái hòa nhập vào các thể chế đa phương quốc tế là ba điểm quan trọng đã được tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu tiên của mình. Điều này báo hiệu cho thấy đường lối tiếp cận ngoại giao truyền thống (dựa vào tham vấn và trình tự ngoại giao) sẽ được nối lại.
Tân Tổng thống Mỹ là người tin vào chủ nghĩa biệt lệ Mỹ, nghĩa là cho rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Mỹ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo dẫn dắt, đặc biệt trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến sự đối chọi với lãnh đạo của Trung Quốc – người cũng tin rằng trật tự thế giới cần được viết lại theo hướng có lợi hơn cho các nước đến sau.
- Với CPTPP, EVFTA và gần đây nhất RCEP, Việt Nam sẽ đối diện với những thuận lợi và thách thức gì trong sự phục hưng của chủ nghĩa đa phương, thưa ông?
Thuận lợi đầu tiên là các FTA này đã giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng trong hai năm qua. Sau 2 năm CPTPP có hiệu lực, tăng trưởng thương mại của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đều tăng 30%.
Thuận lợi thứ hai là các FTA như CPTPP hay EVFTA đã nắn dòng chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược tiếp cận nguồn cung để tranh thủ lợi ích từ các FTA thế hệ mới. FDI từ các nước CPTPP đã tăng trưởng ổn định, trong đó Singapore liên tục dẫn đầu các nước đầu tư vào Việt Nam trong nhóm này (11,8%); đối với Nhật Bản, mặc dù dòng vốn FDI nói chung có suy giảm nhưng mức độ cam kết đầu tư vào Việt Nam vẫn được giữ ổn định ở khu vực (10,9%). Bốn nước trong nhóm RCEP đã đóng góp tới hơn 50% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2019.
Tuy nhiên, một số thách thức nổi bật mà Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam không thể không quan tâm, đó là: Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thay đổi quan trọng về chuỗi cung ứng, chuyển đổi số và cách quản trị doanh nghiệp. Nhiều lợi thế truyền thống từ FTA đã dịch chuyển sang các lợi thế mới như mức độ linh hoạt, khả năng chuyển đổi số và quản trị tự động hóa. Do đó, việc ỷ lại vào các FTA mà không xét đến các thay đổi của môi trường xung quanh sẽ trở thành con dao hai lưỡi với các doanh nghiệp.
Thứ hai, FTA chưa đến được với doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhỏ trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo có hàm lượng kỹ thuật cao. Các lợi thế FTA chủ yếu mới dành cho doanh nghiệp dệt may, nông sản, thủy sản; còn mức tận dụng FTA của doanh nghiệp điện tử bản địa vẫn còn rất thấp.
Thứ ba, những FTA với các nước có lợi thế xuất khẩu như RCEP có thể làm tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Thứ tư, làn sóng M&A hoặc FDI đón lõng các FTA có thể xóa sổ nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp sáng tạo.
- Xin cảm ơn ông.
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện nông nghiệp VN: Kinh tế thế giới sẽ ổn định từ quý 3/2021
Với giả định vaccine COVID-19 có hiệu quả cao và các quốc gia tiếp tục kích thích tài khóa- tiền tệ, thì kinh tế thế giới có thể sẽ ổn định trở lại vào quý 3/2021.
Chúng ta nhìn thấy hai luồng quan điểm tương đối khác biệt vể triển vọng kinh tế toàn cầu giữa nhóm hoạch định chính sách đến từ chính phủ hoặc các định chế tài chính đa phương (chẳng hạn WB hay IMF) với nhóm thụ hưởng chính sách là các tập đoàn lớn hoặc các ngân hàng. Nhóm thứ nhất tương đối thận trọng, còn nhóm thứ hai lại lạc quan và hứng khởi.
Đối với nhóm thứ nhất, quan điểm phổ biến có thể được khái quát bằng nhận định của IMF rằng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi "không đồng đều, cần thời gian dài và nhiều bất trắc". Sở dĩ có nhận định thận trọng như vậy bởi tác động không giống nhau của COVID-19 lên các nền kinh tế.
Dự báo mới nhất (vào tháng 1/2021) về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 của IMF cho thấy đánh giá lạc quan hơn về sự phục hồi so với lần dự báo tháng 10/2020. Cụ thể, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,5% (tăng 0,3 điểm phần trăm), các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 4,3% (tăng 0,4 điểm phầm trăm), các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng 6,3% (tăng 0,3 điểm phần trăm). Các nền kinh tế chủ chốt làm đầu tầu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều có mức dự báo tươi sáng hơn rất nhiều, như kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 5,1%, khu vực Châu Âu tăng trưởng 4,2%.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng dự báo lạc quan nêu trên dựa trên giả định về các loại vaccine COVID-19 có hiệu quả cao và các nền kinh tế không phải trải qua thêm đợt bùng phát dịch mới nào. Giả định đó phải cộng thêm các chính sách kích thích kinh tế bằng tiền tệ hoặc tài khóa đang được đẩy mạnh ở mọi quốc gia.
Diền đàn doanh nghiệp