MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ nhà rao bán biệt thự 70 tỷ đồng, khách “mạnh tay” trả 50 tỷ đồng

21-06-2023 - 17:27 PM | Bất động sản

“Thời của người mua được làm vua đã tới” – là câu nói vui của không ít môi giới hiện nay khi chủ nhà cần tiền bán gấp còn người mua sẵn tiền, nhiều lựa chọn. Thế nên, không ít người mua “mạnh tay” ép giá chủ nhà với tâm lý: “Có người mua được cho là may mắn”.

Ảnh minh hoạ

Một môi giới tên M. (Hà Nội) kể lại rằng, tháng 4/2023, anh được chủ nhà nhờ bán căn biệt thự với mức giá 70 tỷ đồng. Đó là căn biệt thự nằm trong khu đô thị ở trung tâm Hà Nội, có vị trí rất đẹp, nội thất được đầu tư kỳ công, bài bản. So với thời điểm cuối năm 2021, giá căn biệt thự này đã giảm tới gần 10 tỷ đồng. Vì chủ nhà cần tiền gấp nên mới rao bán, và để lại toàn bộ nội thất.

Sẵn tệp khách quen tài chính mạnh, anh M. đã đi chào hàng.

“Một vị khách của tôi đang cần tìm mua biệt thự. Khi đến xem căn này, họ tỏ ra khá ưng. Thế nhưng đến khâu đàm phán, vị khách này chỉ trả 50 tỷ, tức giảm tới gần 30%. Chủ nhà hiện không đồng ý mức giá này và đang chờ thêm người xem. Tôi báo lại rằng, mức giá đàm phán quá sâu, nếu thiện chí nên trả thêm giá, vị khách còn nói: “Hiện có người mua được cho là may mắn. Vì giá căn biệt thự cao như vậy, không phải ai cũng có tiền để trả”.

Nhưng đứng ở vị trí người mua, họ có tâm lý trả giá không theo mặt bằng thị trường. Còn về phía người bán, dù cắt lỗ hay cần tiền, họ vẫn kỳ vọng được thêm giá”.

Theo anh M., đối với đất nền, mức giá cắt lỗ 30-40% chỉ dao động khoảng vài trăm triệu đến tiền tỷ. Nhưng loại hình biệt thự, mức giá cao, nên chỉ cần cắt lỗ 5-10%, mức giá giảm đến chục tỷ đồng. Vị môi giới này tiết lộ thêm rằng, tiền hoa hồng cho giao dịch này thành công tương đương với giá một chiếc xe Mercedes.

Anh M. thừa nhận, thực tế, việc khách “ép” giá sâu không phải trường hợp hiếm gặp nhất trong thời điểm thị trường bắt đầu trầm lắng. Với tâm thế của người đi mua, được lựa chọn, có tiền, họ sẵn sàng đưa ra một mức giá thấp cùng suy nghĩ: “Được thì mua, không được chọn bất động sản khác”. Vị này cho rằng, nhiều khách mua trả giá theo tâm lý không thiện chí khiến người bán và môi giới khá bức xúc.

Anh Trần Linh, nhà đầu tư có 13 năm kinh nghiệm trên thương trường, hiện là giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc cho rằng: “Người bán ra đa phần cần tiền. Nhưng người sẵn sàng mua và trả giá lại không nhiều. Đây là lý do mà thời điểm hiện tại, người mua có nhiều lợi thế đưa ra giá.

Song đây là thời điểm mà chủ đất bán rơi vào tình cảnh khá éo le vì liên tục bị “ép” giá. Kịch bản này khác hoàn toàn so giai đoạn 2018- đầu năm 2022. Mức giá “ép” giảm chỉ 2-5%. Nếu người mua không xuống tiền sớm sẽ có người khác vào tiền với những bất động sản đẹp”.

Song anh Linh cũng cho biết, thị trường đang có diễn biến ngược chiều. Chủ cần tiền gấp sẽ giảm mạnh. Thậm chí, họ rao bán trong thời gian lâu không ai mua, tiếp tục giảm. Đơn cử như tại Mỹ Đình (Hà Nội), chủ rao bán căn nhà đất rộng 31m2, 4 tầng, ngõ sâu, với giá 4 tỷ đồng. Sau 3 tháng ế, chủ giảm còn 3,8 tỷ đồng. Đến hiện tại, chủ giảm mạnh còn 3,5 tỷ đồng. Hay một số căn nhà đất tại quận Nam Từ Liêm, phường Miêu Nha, Tây Mỗ đều giảm trung bình 15-20%.

Nhưng có những chủ đất, hay chủ nhà không cần tiền vẫn neo giá ở mức cao.

Nhà đầu tư này kể lại: “2 căn nhà đất có vị trí gần như tương tự nhưng giá chênh lệch khá lớn. Như trước đó, tháng 5, chúng tôi có 2 căn nhà ở quận Cầu Giấy cùng ngõ ô tô vào. Một căn chủ bán giá 6,5 tỷ đồng. Sau 2 tháng rao không thành, chủ giảm tiếp 1 tỷ đồng. Nhưng cũng một căn tương tự, chủ đòi giá 7 tỷ đồng, nhất quyết không giảm vì họ báo: “Tôi không cần tiền gấp. Khi nào có khách trả đủ 7 tỷ tôi mới bán”.

Nguyễn Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên