MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn về động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023

“Những nguồn lực nào chưa được khai thác, khơi thông thì trong năm 2023 cần được khai thác và khơi thông, để tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Từ đó, mới đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu của kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra”.

Đây là chia sẻ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bên lề hành lang Quốc hội về những giải pháp trọng tâm mà Chính phủ cần thực hiện để đạt được kết quả ở mức cao nhất trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 mới được thông qua.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được cho đến nay?

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, rất nhiều đại biểu khẳng định kết quả đạt được của kinh tế xã hội năm 2022 thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội là hết sức đáng khích lệ và thành tích đạt được rất quan trọng.

Nhìn lại một năm trước đây, khi xây dựng Kế hoạch kinh tế xã hội cho năm 2022, bối cảnh dự báo rất khác so với dự báo đầu năm 2022. Ngay từ đầu năm, dù dịch COVID-19 được kiểm soát nhờ nâng tỷ lệ tiêm phòng, nhưng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn ra phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thế giới, làm giá xăng tăng rất cao, kéo theo giá thực phẩm tăng rất cao.

Nhiều quốc gia và các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đã phải tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, kéo theo tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong khi chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia như chính sách Zero COVID-19 tại Trung Quốc đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu thế giới đứt gãy, ảnh hưởng rất nhiều đến phục hồi kinh tế thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và kéo theo cả những tháng đầu năm 2023 suy giảm.

Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nhanh mạnh và tiêu cực nhiều hơn tích cực đến nền kinh tế trong nước. Vì vậy, với mức dự báo là 8% trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới, trong khi nhiều nước khác đang trên đà suy giảm.

Đâu là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, theo ông?

Trong bối cảnh khó khăn, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng, quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch COVID-19 và vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, có 14/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được.

Đáng chú ý, chỉ số tăng trưởng GDP đạt được trong 3 quý đạt 8,83% đây là mức mức cao nhất từ năm 2011 đến nay, trong đó quý 3 tăng đến hơn 13,67% là hết sức ấn tượng. Hơn nữa, cả 3 lĩnh vực của nền kinh tế đều tăng trưởng, cụ thể công nghiệp vẫn thể hiện vai trò trụ đỡ, và dịch vụ du lịch phục hồi nhanh.

Đặc biệt, sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp có tác động đến tăng trưởng. Theo thống kê, doanh nghiệp thành lập mới tăng 34,3%, còn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 49%. Đây là dư địa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm và thời gian tới.

Về kiểm soát lạm phát, theo báo cáo mới nhất, 10 tháng lạm phát là 2,89% thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra. Kết quả này là nhờ điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ cùng các bộ ban ngành.

Thu ngân sách cũng đạt kết quả ấn tượng, theo báo cáo của Chính phủ, năm nay sẽ thu vượt so với dự toán Quốc hội giao hơn 104 tỷ đồng, vượt 4%. Điều này giúp các chính sách có dư địa để thực hiện an sinh xã hội và thúc đẩy các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng.

Một chỉ số rất quan trọng, kim ngạch xuất khẩu đạt 313 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ và đặc biệt xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 650 triệu USD).

2023 được đánh giá là năm khó khăn, vậy để đạt được mục tiêu đề ra mà Quốc hội đề ra, Chính phủ cần phải tập trung vào những giải pháp nào?

2023 là năm bản lề rất quan trọng, nếu không có sự đột phá trong tăng trưởng thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong cả giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, dù nằm trong nhóm nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới với mức 8% năm 2022 nhưng đây là mức so với nền tăng trưởng thấp năm 2021.

Trong khi đó, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm, lạm phát tăng thì các điều hành về chính sách cũng gặp nhiều thách thức cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với 15 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2023 và 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp Quốc hội thông qua pháp với tỷ lệ tán thành rất cao 93,7% đã thể hiện quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, và cũng phải thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, với 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp thì cần cần sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt.

Nhóm giải pháp đầu tiên là kiểm soát tốt COVID-19, giải quyết nhanh những vướng mắc, bất cập, đảm bảo thuốc, vật tư y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như một số loại dịch bệnh mới có thể phát sinh trong thời gian tới, xử lý tốt nhân lực của ngành y tế, nâng cao năng lực y tế cơ sở, dự phòng, đảm bảo sức khoẻ của nhân dân.

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí xung đột Nga – Ukraina còn diễn biến phức tạp hơn, tình trạng "đình lạm" diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo thời gian tới tiếp tục tăng lãi suất đồng USD. Vì vậy, Chính phủ phải theo sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư có tỷ trọng lớn đối với kinh tế Việt Nam để có biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp. Từ đó, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, ổn định an ninh, an toàn của hệ thống thị trường vốn, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp… Nhưng, những nguồn vốn này cần phải đi đúng và trúng tạo tăng trưởng cho nền kinh tế, hạn chế tín dụng đi vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó, Chính phủ cần xử lý các yếu kém nội tại của nền kinh tế như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân gói phục hồi gói phục hồi kinh tế xã hội 347 nghìn tỷ đồng hay đối với các ngân hàng yếu kém, hay các ngân hàng kiểm soát đặc biệt cần phải tập trung xử lý hiệu quả.

Đối với những nguồn lực nào chưa được khai thác, khơi thông thì trong năm 2023 cần được khai thác và khơi thông, để tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Từ đó, mới đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu của kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.


Theo Nguyễn Ngọc

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên