"Chú rái cá" sông Gianh Nguyễn Huy Hoàng và hành trình đến huy chương lịch sử môn bơi ASIAD
3 tuổi biết bơi, 11 tuổi vào đội bơi tỉnh, 18 tuổi có 2 tấm huy chương ASIAD - hành trình của Nguyễn Huy Hoàng từ "chú rái cá nhỏ" ra biển lớn là những ngày biền biệt xa gia đình.
- 26-08-2018Giữa lịch trình dày đặc, U22 Việt Nam sắp góp mặt trong giải đấu kỳ lạ
- 25-08-2018Báo Hàn Quốc dự đoán Việt Nam sẽ “gieo sầu” cho Thái Lan sau Asiad
Biết bơi từ lúc lên 3
Thôn Thanh Tiến (xã miền núi Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) hai ngày qua xôn xao, rộn ràng với tin mừng gửi về từ đất nước Indonesia xa xôi, nơi đang diễn ra Đại hội Thể dục thể thao châu Á ASIAD . Cậu bé Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000), người con của làng đã xuất sắc về nhì, giành tấm huy chương Bạc quý giá trên đường đua xanh ở thể loại 1.500m tự do.
"Thằng Hoàng thì làng này có lạ chi. Cha mẹ hắn làm lồng nuôi cá giữa sông nên hắn biết bơi khi mơi 3 tuổi. Nhà hắn nằm ở phía sau chợ Cuồi mấy hôm nay đông vui lắm. Bà con tới chúc mừng thằng Hoàng, cả làng ai cũng vui và tự hào cả", ông Nguyễn Ngọc Hạng (63 tuổi), người thôn Thanh Tiến, hào hứng khi nhắc đến Hoàng.
Bố mẹ kình ngư Nguyễn Huy Hoàng xem con thi đấu và giành huy chương bạc ASIAD.
Bố mẹ Hoàng, ông Nguyễn Văn Vinh (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Học (54 tuổi), tất bật đón bà con hàng xóm, tiếng cười nói không dứt trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Gianh.
Ông Vinh kể Hoàng là em út trong gia đình có 6 anh em. Vợ chồng ông làm nghề chài lưới, nuôi cá lồng trên sông nên tuổi thơ Hoàng gắn liền với sông nước ngay từ khi mới lọt lòng.
Hơn một tuổi, Hoàng đã được cha mẹ cho theo thuyền đánh cá.
"Ba tuổi thì nó đã biết bơi. Con nhà chài lưới suốt ngày sống trên sông nước nên đứa nào vợ chồng tôi cũng dạy tụi nó tập bơi, lội dưới nước để tránh bất trắc.
Riêng thằng Hoàng đúng là cá gặp nước, nó học bơi rất nhanh, chơi cả ngày ở dưới sông cũng được.
Hơn 3 tuổi một tí là nó đã đi lặn lấy rong rêu rồi bơi mang ra bè cá giữa sông cho ăn. Lớn lên tí nữa, chuyện bơi từ bên bờ này sang bờ kia sông Gianh là trò chơi mỗi ngày với nó.
Bà con trong làng đều gọi nó là "rái cá" - bởi ngoài tài bơi lội thì nó đen trũi vì ngâm nước và phơi nắng", bà Học nhớ lại.
Ông Vinh khoe tấm huy chương vàng Seagames Hoàng giành được năm 2017.
Gắn tuổi thơ với dòng sông, Hoàng lọt vào mắt xanh của các thầy thể dục trường Tiểu học Tiến Hóa khi vừa vào cấp 1. Em được chọn vào đội bơi tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện rồi cấp tỉnh.
"Hắn đi thi là có giải. Giấy khen, huy chương từ giải trường, giải xã, huyện, tỉnh cứ liên tục mang về. Cái nào vợ chồng tôi cũng cất giữ cẩn thận để làm kỷ niệm cho hắn sau này.
Hắn đạt giải liên tục nên mấy ông trên tỉnh về tận nhà thuyết phục vợ chồng tôi cho nó vô trung tâm tỉnh rèn bơi luyện. Vợ chồng tôi ở miền núi không quen biết ai dưới thành phố nên lo lắng nhưng nó ưng nên đành chấp thuận", ông Vinh kể lại.
Thời điểm đó, Hoàng 11 tuổi và mới là cậu học sinh lớp 5 trường làng. Một mình Hoàng khăn gói xuống TP Đồng Hới làm học trò của HLV Hoàng Quang Minh, rồi bắt đầu chinh phục thử thách trên đường đua xanh.
Chuỗi ngày biền biệt xa nhà
Nói về Hoàng, bà Học không giấu được sự tự hào nhưng cũng đầy xót xa. Bà nói không ngờ rằng quyết định cho Hoàng theo học tại trung tâm năng khiếu tỉnh Quảng Bình - là sự bắt đầu của hành trình tập luyện dài đằng đẵng, biền biệt xa nhà của cậu con trai út.
Hoàng ở trung tâm năng khiếu tỉnh Quảng Bình 2 năm thì được chuyển vào TP.HCM rèn luyện. Một năm sau, Hoàng được chuyển về Trung tâm đào tạo vận động viên Quốc gia ở Cần Thơ.
"Lúc ở Đồng Hới (Quảng Bình) thì một tháng nó được về thăm nhà 1, 2 lần. Nó lớn từng ngày, mỗi lần về là một lần thấy khác. Mẹ con, cha con chưa kịp nói hết chuyện thì nó lại bắt xe về trung tâm.
Ngày nó đi TP.HCM rồi Cần Thơ, mẹ con gặp nhau càng ít, một năm chỉ đôi lần. Mỗi lần về là nó cao lớn đến nỗi tôi còn không nhận ra. Mẹ con trò chuyện với nhau chủ yếu qua điện thoại, vui buồn gì cũng qua điện thoại mà động viên, tâm sự với nó.
Có lúc nhớ con quá tôi kêu nó nghỉ nhưng Hoàng là đứa quyết tâm. Nó nói với tôi nhất định sau này nó sẽ đi thi Olympic", bà Học kể.
Mỗi lần nhớ con, ông Vinh bà Học lại mở clip con trai thi đấu lên xem.
Tự hào khoe với khách về chiếc tủ kính đầy ắp những tấm huy chương, ông Vinh cho hay thời điểm từ năm 2015, Hoàng bắt đầu "bước ra ánh sáng" với liên tục những giải cao.
Giải vô địch các nhóm tuổi trẻ môn bơi lội Đông Nam Á năm 2015 được tổ chức ở Đà Nẵng, Hoàng về nhất ở 5 nội dung, ẵm đến 5 tấm huy chương vàng ở các nội dung 400m tự do, 1.500m tự do, 200m bơi bướm, 200m bơi sải và ở nội dung tiếp sức 4x100 m.
Tiếp đến, "chú rái cá nhỏ" sông Gianh ngày nào lại đoạt thêm 1 huy chương vàng ở cự ly 1.500 m, đồng thời phá kỷ lục Quốc gia tại giải bơi vô địch Quốc gia năm 2016.
Bộ sưu tập huy chương đồ sộ mà Hoàng có được ở tuổi 18.
Trước khi tỏa sáng tại ASIAD 2018, tại SEA Games tổ chức năm 2017, Hoàng lần đầu bước ra sân chơi khu vực và lập tức giành huy chương vàng, phá kỷ lục Sea Games ở nội dung 1.500m tự do nam.
"Em hắn thành tích càng cao thì dịp gặp gỡ gia đình lại càng hiếm, vì ngày mô em cũng tập luyện, học tập rồi thi đấu. Gia đình mỗi lúc muốn động viện em hắn thì chỉ biết liên lạc qua điện thoại. Hôm hắn giành huy chương bạc ASIAD, cả nhà cũng ngồi coi, sung sướng hò reo. Chú ấy có lúc lên nhất rồi nhưng chắc do thiếu kinh nghiệm nên sau đó về nhì.
Tối đó chú ấy gọi về khoe và hứa sau đợt thi này về thăm nhà. Cả nhà ai cũng mong được gặp chú ấy chứ từ Tết đến nay chưa một lần gặp gỡ", anh Nguyễn Minh Chiến (anh trai Hoàng) tâm sự.
Trí thức trẻ