Chủ sở hữu thực sự của Cty nước Sông Đà lần đầu lên tiếng sau sự cố
Lần đầu tiên sau gần 2 tuần, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty Thiết bị điện GELEX, chủ sở hữu 65% của Nhà máy nước sạch Sông Đà - chủ động liên hệ, chia sẻ với Báo Lao Động về sự cố đường nước sạch sông Đà cung cấp cho Hà Nội bị nhiễm dầu thải.
“Xin lỗi không thì dễ quá”
PV: Thưa ông, những ngày qua dư luận rất bức xúc với sự cố nước ô nhiễm dầu thải do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp. Kèm với đó, người ta cũng mong đợi sự lên tiếng của ông với tư cách là người đứng đầu công ty mẹ, chủ sở hữu thực sự của nhà máy này. Sao đến giờ ông mới xuất hiện?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Những ngày vừa qua tôi muốn tập trung để xử lý nước cho sạch đã, vì câu chuyện người dân không có nước để dùng nó khủng khiếp lắm. Và thực sự chúng tôi cũng không biết phát ngôn như thế nào, vì hướng dư luận lúc đó hết sức bất lợi cho mình. Sau khi nước sạch rồi thì giờ mới ngồi lại, sai đâu nhận đó, thiệt hại đến đâu đền bù đến đó chứ không trốn tránh.
Qua sự cố, chúng tôi cũng băn khoăn thấy cơ quan quản lý nhà nước xử lý chưa hợp lý. Vấn đề ở đây là phải đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung lo cho dân có nước , chứ không phải ngồi soi xem ai làm gì ai làm gì đâu.
PV: Dư luận cũng đang rất bức xúc vì phát ngôn của lãnh đạo nhà máy nước sạch Sông Đà khi được hỏi về việc đền bù thiệt hại cho người dân, rằng: Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất .
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Việc xin lỗi là việc rất nhỏ thôi, xin lỗi không thì dễ quá ai chẳng làm được. Còn chúng tôi sau khi xử lý nước sạch trở lại xong, chúng tôi không những xin lỗi mà còn xin chịu trách nhiệm. Tôi cam kết sẽ phối hợp cùng các đơn vị phân phối nước để làm các việc tốt nhất cho người dân.
PV: Khi được hỏi “vì sao không dừng cấp nước ngay khi phát hiện nước bị đổ dầu thải”, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Cty Nước sạch Sông Đà nói rằng “Tôi chỉ là người làm thuê”. Liệu có thể hiểu rằng việc tiếp tục cấp nước đã biết nhiễm dầu là do đã trao đổi và nhận chỉ đạo từ cấp cao (công ty mẹ ) do ông đứng đầu?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trong hệ thống GELEX, chúng tôi phân cấp vận hành rất cụ thể. Viwasupco chỉ là công ty cháu của GELEX, nó có điều lệ, có hội đồng quản trị riêng nên họ tự vận hành và quyết định chứ không thể vừa làm vừa báo cáo lên trên hàng ngày.
Cấp Hội đồng quản trị công ty mẹ như tôi bây giờ sự việc cấp bách thì phải tham gia xắn tay vào luôn để chỉ đạo, xử lý thật nhanh để sớm cấp nước an toàn trở lại. Chứ ban đầu bản thân tôi cũng được thông báo khá muộn, do bên dưới đó họ coi đây là một sự việc không nghiêm trọng.
Việc phát ngôn của anh Tốn tôi cũng đã trao đổi rất kỹ với anh ấy. Anh Tốn xuất phát từ dân kỹ thuật, nên khi thấy sự cố ngoài sức tưởng tượng, do trình độ cũng có hạn nên anh ấy hoảng hốt luống cuống trong việc xử lý. Bản thân doanh nghiệp chỉ tính đến việc đường ống, mưa ngập mang tới chất bẩn chứ chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản sẽ có người đổ dầu thải xuống nguồn nước.
“Hồ chứa nước đầu vào phải là công trình trọng điểm quốc gia”
PV: Ông có nghĩ những người này "tình cờ" đổ thải, chẳng may đúng phải dòng nước nguồn của Nhà máy nước sông Đà?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ mấy cậu kia chỉ có “điên” mới tự dưng lái xe lòng vòng mấy trăm cây số để đem hàng nghìn lít dầu thải đổ xuống suối Trầm.
Sự cố nghiêm trọng này chưa từng xảy ra khi các nhà máy nước do nhà nước quản lý, đến khi giao về tư nhân rồi mới xảy ra.
Về quy trình vận hành nhà máy nước, trước đây đến nay cũng vẫn vậy, thậm chí từ khi cổ phần hóa giao vào cho tư nhân vận hành thì nó còn thuận lợi hơn rất nhiều. Tất cả các công ty nước đều có thể vận hành trơn tru khi mà chất lượng nguồn nước được ổn định. Thậm chí khi chúng tôi tiếp quản, số lần mất nước hay vỡ ống nước gần như không xẩy ra.
Các chiêu trò phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh như thế nếu ai làm thì họ cũng sẽ không thể trốn chịu trách nhiệm. Việc đem tính mạng của người dân ra để cạnh tranh là không thể chấp nhận được.
PV: Vậy là ông có nghi ngờ rằng đây hành vi phá hoại từ các đối thủ cạnh tranh khác, trong việc giành thị phần cung cấp nước sạch ở Hà Nội?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không muốn phát ngôn việc này, nên để việc đó cho công an điều tra, phát ngôn.
Nhưng sự việc lần này cũng cho thấy kẽ hổng của an ninh nguồn nước , lẽ ra các hồ chứa nước đầu vào đều nên đưa vào danh sách các công trình trọng điểm quốc gia để nhà nước bảo vệ và có luật nghiêm khắc hơn. Nếu chỉ phạt tiền vài triệu, phạt tù vài năm về tội đổ thải thì nó quá nhẹ.
Khi trở thành công trình trọng điểm quốc gia thì việc đổ thải xuống làm ô nhiễm nguồn nước sẽ là vi phạm an ninh quốc gia, người muốn làm việc đó sẽ phải chùn tay lại.
PV: Trước đây bao lâu thì công ty lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước một lần? Và tới đây việc kiểm soát chất lượng nguồn nước sông Đà có gì thay đổi không thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trước đây thì một tháng một lần nhà máy lấy mẫu làm xét nghiệm. Sau sự việc lần này chúng tôi sẽ làm hàng ngày, mỗi ngày một lần xét nghiệm và phân loại nước loại A, B, C rồi công khai gửi đi về Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng của thành phố.
Chúng tôi cũng sẽ kiểm soát chất lượng nước từ đầu nguồn, lắp khoảng 20-30 trạm quan trắc, cảnh báo từ xa 5-6 lớp từ đầu nguồn đến nhà máy. Sau đó nhà máy lại có một quy trình chặt chẽ kiểm soát đến tận hồ dưới trung tâm Đại Mỗ, An Khánh một trạm nữa trước khi về đến nhà dân.
Các số liệu sẽ được nhà máy gửi liên tục, hàng ngày đến Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội để 2 Sở cùng giám sát với chúng tôi.
Nước là an sinh xã hội, không phải là hàng hóa đơn thuần, nên không thể giao hết cho doanh nghiệp chúng tôi được. Nếu giao hết cho chúng tôi thì khi xảy ra những sự việc như thế này ai chịu trách nhiệm?
Tôi nghĩ cần rà soát lại quy trình kiểm soát chất lượng nước sạch, tôi nhấn mạnh là luật đang đang rất lỏng lẻo, hổng ở nhiều chỗ, cần xây dựng luật lại theo hướng tốt hơn, chi tiết hơn.
Tôi đề nghị TP.Hà Nội phải cùng doanh nghiệp tham gia giám sát, bảo vệ chất lượng nguồn nước, nghĩa là tư nhân vận hành nhưng nhà nước phải quản lý về chất lượng.
Lao Động