Chủ tịch ADB: Việt Nam đang khẳng định vị trí của mình một cách hiệu quả trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka. Hai bên đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và sự tham gia tiếp tục của ADB tại Việt Nam.
- 01-07-2019Thương chiến Mỹ - Trung: Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hưởng lợi
- 01-07-2019Những mặt hàng Việt có lợi nhất khi EU miễn thuế
- 01-07-2019[Infographics] Kim ngạch thương mại Việt Nam-EU tăng nhanh
Thành quả phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được giữ vững trong những năm gần đây, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực đạt 6,7% trong nửa đầu năm 2019 và 7,1% trong năm 2018 – tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ.
Ông Nakao nhận định: "Việt Nam tiếp tục chứng tỏ tiềm năng mạnh mẽ trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh quản lý tài khóa thận trọng, lạm phát ổn định, cán cân tài khoản vãng lai lành mạnh, và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Việt Nam cũng đang khẳng định vị trí của mình một cách hiệu quả trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi".
Ông Nakao đã ca ngợi những cải cách cơ cấu mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện, gồm cả việc thành lập Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp như một phần then chốt trong hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước của chính phủ. ADB nằm trong số các đối tác phát triển lớn nhất hỗ trợ Việt Nam trong những năm vừa qua, hoạt động thông qua các khoản vay dự án trong lĩnh vực giao thông, cấp nước và vệ sinh, năng lượng, nông nghiệp và giáo dục.
ADB cũng cung cấp các khoản vay chính sách để thúc đẩy những cải cách về chi tiêu công, tài chính và y tế. ADB đang hỗ trợ Việt Nam hợp tác và hội nhập khu vực thông qua Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS), bao gồm hỗ trợ thực thi Kế hoạch Hành động Hà Nội được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2018.
Các khoản cho vay do chính phủ bảo lãnh của ADB trong năm 2018 là 689 triệu USD với các điều kiện ưu đãi. Bên cạnh đó, ADB đã cam kết 300 triệu USD vốn vay không do chính phủ bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và dự án chuyển đổi rác thải đô thị thành năng lượng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của ADB. Thủ tướng lưu ý rằng Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ tiếp tục cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các giải pháp tài chính sáng tạo nhằm thu hút đầu tư lớn hơn từ khu vực tư nhân.
"Trong những năm tới, ADB sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong các lĩnh vực như hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị, hiện đại hóa đường cao tốc, cấp nước và vệ sinh, và cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn thích ứng khí hậu. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ để thúc đẩy các quan hệ đối tác công – tư và tiếp tục các khoản vay không cần chính phủ bảo lãnh. Hoạt động xây dựng năng lực của ADB đang giúp cải thiện uy tín về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp nhà nước chọn lọc", ông Nakao phát biểu.
ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Trong năm 2018, ADB đã hỗ trợ các khoản vay và viện trợ mới trị giá 21,6 tỉ USD. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.