MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú: Keb Hana sẽ giữ cổ phần BID ít nhất 5 năm, hỗ trợ BIDV không giới hạn trong 6 lĩnh vực quan trọng

12-11-2019 - 07:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Với việc đổ 20.300 tỷ đồng vào BIDV, Keb Hana của Hàn Quốc chính thức sở hữu 15% vốn của ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Tối 11/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) chính thức tổ chức buổi lễ công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, qua hơn 62 năm xây dựng và phát triển, BIDV nay đã là ngân hàng số 1 Việt Nam về tổng tài sản với mạng lưới phủ rộng khắp cả nước cùng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, BIDV đã chính thức cổ phần hóa vào tháng 12/2011, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào đầu năm 2014, với giá trị vốn hóa 52.850 tỷ song đến nay vốn hóa đã tăng gấp hơn 3,2 lần đạt gần 169 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Là công ty đại chúng quy mô lớn, thời gian qua, BIDV đã tích cực, chủ động xúc tiến tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài với mong muốn đa dạng hóa hình thức sở hữu, quốc tế hóa cổ đông nhằm nâng cao năng lực tài chính; năng lực quản trị điều hành; tăng khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Trong quá trình đó, BIDV đã gặp và nhận sự quan tâm của Tập đoàn Tài chính Hana Group, Ngân hàng Keb Hana - định chế tài chính hàng đầu Hàn Quốc, có kinh nghiệm năng lực hoạt động khắp toàn cầu.

Tháng 4/2017 BIDV và Hana ký thỏa thuận bảo mật; Tháng 8/2017 BIDV và Hana ký Thỏa thuận sơ bộ không ràng buộc, làm cơ sở cho việc đàm phán và tiến hành giao dịch chiến lược. Sau một thời gian khảo sát đánh giá kĩ lưỡng, cân nhắc cẩn trọng các lợi ích liên quan. Được sự đồng ý của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan quản lý hai bên, BIDV và Keb Hana Bank đã hoàn tất giao dịch chiến lược và Keb Hana chính thức trở thành nhà đầu tư lớn sở hữu 15% vốn tại BIDV.

Theo đó, Keb Hana Bank đầu tư 20.300 tỷ đồng để sở hữu 15% cổ phần, thời gian nắm giữ cổ phần ít nhất 5 năm. Đồng thời, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn tài chính Hana, Ngân hàng Keb Hana bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: Quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; Quản lý hệ thống công nghệ và Ngân hàng số; tăng cường phát triển Ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; Quản trị rủi ro; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Cũng theo ông Phan Đức Tú, hợp tác chiến lược với Tập đoàn tài chính Hana có ý nghĩa đặc biệt với BIDV, là dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình hình thành, phát triển và hội nhập quốc tế của BIDV. Không chỉ mang lại cho BIDV nguồn lực tài chính lớn, tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ, cao nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, qua đó góp phần nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cho chiến lược phát triển dài hạn. Mà đặc biệt, với sự hợp tác, hỗ trợ chiến lược dài hạn của Keb Hana, tập đoàn tài chính Hana giúp BIDV có cơ hội để thay đổi căn cơ mô thức quản trị, nâng cao năng lực quản trị điều hành; quản trị rủi ro; phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao; tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sản phẩm, tiện ích của khách hàng, góp phần xây dựng và phát triển Đất nước.

Bên cạnh đó, hợp tác chiến lược BIDV – Hana còn là cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ Việt Nam về đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư, kinh tế, văn hóa, thương mại giữa hai quốc gia; phù hợp với Chính sách Hướng nam mới của Chính phủ Hàn Quốc. Hợp tác chiến lược BIDV – Hana sẽ góp phần mở đường thông kênh, dẫn dắt cho hoạt động hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước; cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích tài chính ngân hàng đa dạng, đẳng cấp, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, buôn bán với Việt Nam nói riêng.

Được biết khoản đầu tư của Keb Hana Bank vào BIDV là thương vụ góp vốn mua cổ phần đầu tiên của một ngân hàng Hàn Quốc vào ngân hàng Việt Nam và là thương vụ mua cổ phần có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam cho đến thời điểm này.

T. Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên