Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú: Quá trình bán vốn cho KEB Hana Bank là... một câu chuyện dài
Quá trình phát hành cổ phiếu cho NĐT nước ngoài gặp nhiều khó khăn về thủ tục và giá kỳ vọng của đối tác và BIDV chưa gặp nhau.
Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào sáng 26/4.
Sau khi phổ biến quy chế họp và đọc các tờ trình, đại hội tiến vào phần thảo luận. Các cổ đông có nhiều thắc mắc về tiến độ thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank, tỷ lệ an toàn vốn và tình hình kinh doanh cũng như trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng.
---------------
Cổ đông hỏi về những vướng mắc cụ thể khi đàm phán với KEB Hana Bank, ngân hàng tự tin bao nhiêu % có thể hoàn thành thương vụ này?
Ông Phan Đức Tú chia sẻ: Đây là câu chuyện khá dài, trải qua nhiều giai đoạn từ khi ĐHĐCĐ năm 2017 chúng ta cũng đã đặt vấn đề tìm cổ đông chiến lược. Năm 2018, chúng ta xác định danh tính NĐT tiềm năng là tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc. Trong quá trình đàm phán và bán vốn, chúng ta, theo quy định pháp luật của Việt Nam, chúng ta đã trải qua rất nhiều thủ tục, và những thủ tục đấy đến nay về cơ bản đã được Chính phủ, NHNN và các cơ quan liên quan tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện một số thủ tục vẫn còn chưa hoàn tất. Giá kỳ vọng của đối tác và chúng ta cũng chưa gặp nhau.
Về câu trà lời bao giờ thành công thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thị trường, yêu cầu kỹ thuật về thủ tục pháp luật và cả giá kỳ vọng của 2 bên…HĐQT sẽ làm tối đa để có thể hoàn tất thương vụ này sớm nhất vì đây là thương vụ rất quan trọng với BIDV.
Cố đông hỏi, với kế hoạch 10.300 LNTT, ngân hàng sẽ tương ứng trích lập dự phòng bao nhiêu? Dự kiến thu hồi nợ xấu ngoại bảng ở VAMC là bao nhiêu trong năm nay?
Ông Phan Đức Tú cho biết, dự kiến lơi nhuận của ngân hàng riêng lẻ đạt 30.000 tỷ đồng và sẽ trích trích rủi ro 20.200 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng mẹ sẽ có lãi khoảng 9.800 tỷ đồng.
BIDV hiện có số dư nợ trái phiếu VAMC hơn 14.000 tỷ nhưng chúng tôi đã trích lập dự phòng hơn 7.600 tỷ đồng và chúng tôi có một quỹ số dư thu nợ là 1.900 tỷ đồng. Do đó, năm 2019, BIDV dự kiến xử lý khoảng 4.500 tỷ, trong đó thu nợ 2.5000 và trích dự phòng 2.000 tỷ đồng.
Cổ đông hỏi kết quả kinh doanh quý 1/2019 như thế nào?
Ông Lê Ngọc Lâm cung cấp thông tin, LNTT quý 1 của BIDV đạt 2.521 tỷ đồng. LNTT riêng lẻ đạt 2.262, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản ngân hàng đạt 1.343 nghìn tỉ đồng, tăng 2,2% so đầu năm. Tín dụng đạt 1.264 nghìn tỉ, tăng 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 4,1%. Nguồn vốn tăng 2,2% đạt 1.037 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,74%; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 1,64%. Ngân hàng đã tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Cổ đông hỏi tại sao tài liệu ban đầu ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận 10.500 tỷ nhưng sau điều chỉnh xuống còn 10.300 tỷ?
Ông Phan Đức Tú cho biết: chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều và đưa ra kế hoạch 10.500 tỷ. Sau khi rà soát đánh giá lại khả năng, chúng tôi thấy rằng hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng trích dự phòng rủi ro thêm 200 tỷ, theo đó, LNTT giảm so với dự kiến.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng hiện nay là bao nhiêu?
Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, tính đến ngày 31/3, tỷ lệ này là hơn 31,5% đáp ứng được yêu cầu theo quy định của NHNN.
Cổ đông đề nghị lãnh đạo ngân hàng nói rõ lý do nợ xấu tăng trước và sau kiểm toán?
Ông Phan Đức Tú cho biết, nợ xấu tăng sau kiểm toán là do chuyển từ nhóm 2 sang 3, 4. Nợ nhóm 5 trước và sau kiểm toán bằng nhau nên số trích thêm là nhỏ và không ảnh hưởng đến ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận ngân hàng.
Cổ đông hỏi hệ số CAR của BIDV theo Thông tư 36 là bao nhiêu? Theo Thông tư 41 là bao nhiêu?
Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, theo thông tư 36, hệ số CAR hợp nhất của BIDV là 10,36%, của riêng lẻ là 9,01% và đang cố gắng duy trì theo đúng Thông tư 36. Ngân hàng đang tiến hành các giải pháp như tăng vốn điều lệ để đáp ứng như yêu cầu hệ số của thông tư 41.
Cổ đông có ý kiến cho rằng mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi của BIDV hiện nay quá cao và nên điều chỉnh khoản này vào chi phí hoạt động để đúng bản chất hơn. (PV-BIDV trích 1.746 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi, chiếm 24% LNST năm 2018 của ngân hàng).
Lãnh đạo BIDV giải thích, theo quy định, nếu lợi nhuận thực hiện bằng kế hoạch thì quỹ khen thưởng, phúc lợi tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện của NLĐ. Còn nếu lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì ngoài việc trích quỹ như bằng kế hoạch còn được trích thêm bằng 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân của NLĐ.
Lực lượng lao động BIDV hiện nay là hơn 23.000 người và để tạo ra khoản thu nhập hơn 30 nghìn tỷ thì ngoài chế độ lương còn phải tạo cho nhân viên động lực bằng cơ chế khen thưởng. Mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi của BIDV hiện nay đảm bảo các quy định của pháp luật.